Chủ Động Cho Sản Xuất Vụ Xuân
Thời tiết vụ xuân năm nay được dự báo sẽ ấm hơn những vụ trước và có thể khô hạn, thiếu nước tưới, gây khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp.
Trước tình hình đó, huyện Đồng Hỷ đã tích cực, chủ động chuẩn bị các điều kiện nhằm ứng phó với thời tiết để đạt được hiệu quả cao trong sản xuất.
Thời điểm này, nông dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ xuân. Trên cánh đồng của xóm Hoàng Gia, xã Nam Hòa, nhiều người dân đang làm đất để chuẩn bị gieo cấy lúa. Chị Nguyễn Thị Xuân, một người dân trong xóm cho biết: Vụ này, gia đình tôi gieo cấy 5 sào lúa, chủ yếu là giống Khang dân.
Gia đình tôi cũng như các nhà khác trong xóm đã hoàn thành việc nạo vét mương nước, gieo mạ, hiện đang chuẩn bị phân bón, bừa đất, chờ mạ được 3 lá sẽ bắt đầu cấy theo đúng hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện.
Được biết, vụ xuân này, huyện Đồng Hỷ có kế hoạch gieo cấy 2,65 nghìn ha lúa, phấn đấu năng suất trung bình đạt 51,6 tạ/ha, trong đó, diện tích lúa lai đạt 800ha; 1,26 nghìn ha ngô, phấn đấu năng suất đạt 44,8 tạ/ha... và một số cây màu khác như lạc, đỗ tương.
Tổng diện tích gieo trồng trong vụ khoảng 4,4 nghìn ha. Huyện phấn đấu tổng sản lượng lương thực cây có hạt vụ xuân đạt trên 19,3 nghìn tấn. Nắm được tình hình thời tiết vụ xuân năm nay có xu hướng không thuận lợi cho cây trồng. Khô hạn, thiếu nước tưới có khả năng kéo dài và xảy ra trên diện rộng.
Để cây trồng vụ xuân sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra, ngay từ đầu vụ, huyện Đồng Hỷ đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực tu sửa, gia cố, nạo vét các hồ, đập, kênh mương để nâng cao khả năng tích trữ và dẫn nước. Qua đó, đã sửa chữa xong 5 công trình thủy lợi và 700m kênh mương để đưa vào phục vụ cho sản xuất vụ xuân.
Bên cạnh đó, huyện cũng có kế hoạch bố trí cơ cấu giống, thời vụ gieo, trồng và hướng dẫn chăm bón các cây trồng chính trong vụ là lúa và ngô hợp lý, để hạn chế những khó khăn do khô hạn, thiếu nước tưới gây ra. Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Để đạt được kế hoạch sản xuất đã đề ra trong điều kiện thời tiết dự kiến không thuận lợi, chúng tôi đã bố trí cơ cấu trà xuân muộn chiếm tới 98% với các giống: VL20, B-TE1, TH3-3, SYN6, Khang dân đột biến, HT1, Bắc thơm số 7…
Thời vụ gieo cấy lúa từ ngày 5 đến 15-2, nhằm đảm bảo cho giai đoạn lúa làm đòng, trỗ bông, phơi màu gặp thời tiết nắng ráo. Bên cạnh đó, chúng tôi hướng dẫn người dân thực hiện đúng lịch thời vụ và những khuyến cáo, hướng dẫn của các phòng chức năng.
Trong đó, đối với cây lúa, người dân cần vệ sinh đồng ruộng bằng biện pháp cày bừa kỹ, dọn sạch mương dẫn nước và bón vôi cải tạo đất đối với những chân ruộng bị chua, phèn. Tích cực chống rét cho mạ bằng các biện pháp như: bón tro và lân, phủ ni-lông cho 100% diện tích mạ, tăng cường sử dụng phân chuồng, các loại phân hữu cơ để cải tạo đồng ruộng và bón phân vừa đủ, cân đối...
Với những chân ruộng cao không chủ động nước tưới, có khả năng bị hạn vào cuối vụ, chúng tôi khuyến cáo người dân gieo thẳng sớm hơn và sử dụng các giống ngắn ngày, chịu được hạn hoặc chuyển sang trồng một số cây trồng khác ít cần nước hơn như: ngô, đỗ tương, lạc và các cây rau màu khác. Đối với cây ngô, ngoài việc bón phân cân đối và bố trí mật độ gieo trồng hợp lý, chúng tôi hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng giai đoạn ngô 8-9 lá và trước trổ cờ để phòng trừ kịp thời sâu đục thân…
Đến thời điểm này, tiến độ gieo cấy vụ xuân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Bà con nông dân đã làm đất, cày ải được trên 90% diện tích chuẩn bị cho cấy lúa vụ xuân; gieo mạ đạt 100% diện tích, cây mạ được che phủ ni lông tránh rét đảm bảo sinh trường, phát triển tốt.
Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện đã chuẩn bị đầy đủ và cung ứng cho bà con trên 27 tấn giống lúa các loại và trên 655 tấn phân bón. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai tốt chính sách hỗ trợ của tỉnh (hỗ trợ giá giống 30 nghìn đồng/sào lúa lai, 20 nghìn đồng/sào lúa thuần chất lượng cao, 20 nghìn đồng/sào ngô lai) để khuyến khích người dân mở rộng diện tích ngô lai, lúa lai và các giống lúa thuần chất lượng cao...
Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục yêu cầu cơ quan chuyên môn làm tốt công tác dự báo tình hình sâu bệnh và chủ động các phương án phòng, trừ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông cơ sở và người dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để cây trồng vụ xuân đạt năng suất cao.
Có thể bạn quan tâm
Gần 50 hộ dân nuôi cá bè trên sông Trà (thôn Tây, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đang lao đao vì cá trắm cỏ thả nuôi được vài tháng thì chết hàng loạt.
Từ đầu năm đến nay, các mặt hàng thủy sản khô và đông lạnh đang có chiều hướng sản xuất và tiêu thụ ổn định. Theo Cục Thống kê, tôm thẻ đông lạnh được xuất nhiều sang Nhật, Mỹ, Úc, Pháp, Hàn Quốc với gần 3.200 tấn. Mặt hàng mực ống tươi đông lạnh cũng được xuất sang những nước Anh, Đức, Ý, Nhật, Hàn... với con số xấp xỉ mặt hàng tôm đông lạnh. Cho thấy, thế mạnh thủy sản xuất khẩu của Bình Thuận là hai mặt hàng trọng điểm này.
Đầu năm 2014, Tổ hợp tác (THT) đoàn kết nuôi bò nhốt thâm canh thôn 8 (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông - Dak Lak) được thành lập trong niềm hân hoan không chỉ riêng bà con nông dân, mà cả với chính quyền địa phương. Hình thức liên kết này mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở một huyện thuần nông.
Năm 2011, ông Nguyễn Văn Hoàng (59 tuổi) ở ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) được một người bạn giới thiệu mô hình nuôi chim trĩ đỏ, ông đã đầu tư 30 triệu đồng mua chim giống bố mẹ với giá 3 triệu đồng/cặp. Cộng thêm tiền làm chuồng nuôi, tính tất cả đầu tư khoảng 50 triệu đồng.
Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang tiến hành tưới cà phê đợt 2 và đợt 3, nhưng do nguồn nước thiếu hụt nhiều địa phương không đủ nước để đáp ứng nhu cầu các đợt tưới tiếp theo.