Giải Cứu Loài Cá Bí Ẩn Trên Dòng Mê Kông
Một loài cá cực ngon, dáng đẹp, từng xuất hiện vô số trên sông Mê Kông nay đối diện nguy cơ tuyệt chủng, có tên trong Sách đỏ. Giờ đề cập đến tên chúng, những người sống bằng nghề "đâm hà bá" đều lạ lẫm, mỗi người nói về loại cá này một cách…
Họ tả hình dáng cá không giống nhau... Có người kêu chúng là cá sọc dưa, có người kêu là cá sọc, có người kêu là cá trà sóc... Có ngư dân tả nó giống như cá cóc, có người tả nó giống cá cá sủ, có người tả nó giống cá chép… Có nhiều ngư dân không phân biệt được chúng là cá hiền hay cá dữ, là cá đen hay cá trắng.
Hành tung loài cá hiếm
Theo lão ngư Sáu Kỷ sống bằng nghề đánh cá 40 năm trên khúc sông Hậu đoạn qua xã Thuận Giang, huyện Phú Tân, An Giang thì cá sọc dưa - còn gọi là cá trà sóc - là cá hiền, ăn rong rêu, tảo, các loài cá con, hình dáng hao hao cá chép, có thân thon dài, cặp mắt màu đỏ hồng rất đẹp, đuôi và vây cá màu đỏ, mõm cá tròn có hai đôi râu, trên mình có các sọc ngang màu đen nên còn gọi là cá sọc dưa. Cá sọc dưa lúc trước xuất hiện nhiều trên nhánh sông Tiền và sông Hậu nhưng khoảng 15 năm trở lại đây chúng hiếm dần. Ông Kỷ cho biết khúc sông Hậu chảy qua Thuận Giang đổ về ba ngã sông nên là nơi giao luồng kéo theo tôm cá to như cá hô, cá sọc dưa, cá tra dầu về ở rất nhiều. Ngày xưa chuyện thả lưới dính cá to nặng vài chục ký như cá sọc dưa là chuyện thường trên khúc sông này. Ngộ một cái là sông Hậu, sông Tiền chảy xuống các miệt dưới Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh thì cá sọc dưa phân bố thưa thớt dần, cho nên nhiều ngư dân vùng đó không rõ lắm về loài cá sọc dưa.
Cá sọc dưa không ăn mồi câu, chỉ thả lưới mới dính chúng. Thịt cá dai, ngon thơm hơn cả cá cóc, giá cá hiện nay không dưới 100.000 đồng/ kg. Ông Sáu Kỷ nhớ lại: "Cá rất to, có con nặng 20 kg, hồi đó bắt được cá sọc dưa nặng 13-18 kg là chuyện thường. Chúng khỏe hơn cá chép, bị dính lưới quậy tưng bừng nhưng đem lên khỏi mặt nước thì mau chết lắm. Ngày nay bắt được cá trà sóc đem ra các nhà hàng, quán nhậu họ cân liền".
Ông Kỷ giải thích do cá ngày càng hiếm nên những ai sống bằng nghề cá lâu năm mới hiểu tường tận về cá sọc dưa, còn ngư dân trẻ bây giờ hiểu về chúng lờ mờ, thậm chí nhiều người bắt dính cá sọc dưa tưởng là cá lạ, hoảng vía thả xuống sông...
Ông Sáu Kỷ kể thời gian gần đây các ngư dân miệt Phú Tân, Chợ Mới, Châu Phú, An Giang khi bắt được cá trà sóc thì ngay lập tức có nhiều người đến mua. Những người này xưng là nhà khoa học thu mua cá lại để bảo tồn, cứu cho chúng khỏi tuyệt chủng. Theo tài liệu khoa học, cá sọc dưa ngoài sông Mê Kông còn xuất hiện ở các sông rạch của Thái Lan và Malaysia.
Bảo tồn cá quý
" Nhiều lão ngư cho rằng cá sọc dưa thịt ngon không thua gì cá anh vũ - loài cá tiến vua - mà hình dáng cá sọc dưa còn đẹp hơn. Về lý do vì sao ngày xưa loài cá này không nằm trong danh sách cá tiến vua, các lão ngư cho rằng có lẽ là vì… cái tên. Những ngư dân ngày xưa đã chơi trò "láu cá" với vua, đặt cho loài cá này một cái tên xấu để vua khỏi chú ý, tưởng cá thường, không bắt họ phải săn lùng để tiến, như cá cóc là loài cá đen nhưng thịt thơm ngon không kém cá anh vũ, thậm chí có màu sắc trắng bóc, nhìn "quý phái" hơn cá anh vũ."
Lần theo chỉ dẫn của các ngư dân, chúng tôi tìm đến Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ tọa lạc ở xã An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) truy tìm tung tích loài cá lạ này. Nghe chúng tôi tìm hiểu về cá sọc dưa, các cán bộ trung tâm vui vẻ cho biết tên khoa học của nó là Probarbus jullieni, các nhà khoa học gọi nó là tên trà sóc, trung tâm đang lưu giữ bầy cá quý bảo tồn nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo.
Thạc sĩ Thi Thanh Vinh, Trưởng bộ môn Sản xuất giống và Công nghệ, kiêm chủ nhiệm chương trình bảo tồn cá trà sóc thừa nhận trung tâm đang nuôi dưỡng trên 80 con cá trà sóc, trong đó con lớn nhất trên 18 kg, con nhỏ nhất dưới 0,5 kg. Năm 2005 trung tâm bắt đầu triển khai chương trình nghiên cứu, lưu giữ cá trà sóc. Mỗi con cá nuôi đều gắn chip, theo dõi quá trình tiến hóa, sinh trưởng...
Thạc sĩ Vinh khẳng định cá trà sóc thuộc nhóm cá đen, con lớn nhất trọng lượng khoảng 20 kg, thịt cá thơm ngon, có giá trị kinh tế cao. Ông Vinh kể: "Để thu gom được bầy cá này, chúng tôi làm việc rất gian nan, đi dọc theo các khúc sông lân la làm quen với các ngư dân ở đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền. Hỏi họ về cá trà sóc và khi ngư dân trả lời hay chỉ dẫn khúc sông nào, ngư dân nào thường bắt được cá chúng tôi vui mừng khôn xiết, có mặt ngay tại điểm đó. Ban đầu các ngư dân không rõ chúng tôi thu mua cá làm gì, nhưng nghe chúng tôi thuyết phục loài cá này gần như tuyệt chủng, phải nuôi giữ bảo tồn cho sinh sản nhân tạo thì họ vui vẻ hợp tác ngay. Do đó, ai vừa bắt được cá thì họ báo, chúng tôi tức tốc có mặt đưa cá về nếu chậm trễ chúng bị đuối sức chết thì rất tiếc".
Cùng với việc làm quen các ngư dân, các nhà khoa học đã lần mò tìm tới các ao nuôi cá. Kinh nghiệm cho thấy, trong mùa lũ các loài cá từ sông rạch bơi vào ao hồ nhà dân trú ẩn và khi nước rút bị mắc kẹt lại ở đó luôn. Quả thật, không ngoài dự đoán, có nhiều ao nuôi có cá trà sóc. Thông thường, chủ nhân của các ao nuôi này quý cá, nhưng nghe đến mục đích bảo tồn loài cá đều sốt sắng cho mượn, hay bán cá lại cho các nhà khoa học.
Theo thạc sĩ Vinh thì bầy cá trà sóc đang thích nghi với môi trường nuôi dưỡng nhân tạo và phát triển tốt. Các thông số, đặc điểm sinh thái của đàn cá, trung tâm đã nắm tường tận. Thạc sĩ Vinh chia sẻ: "Cá trà sóc nằm trong họ cá chép nên khả năng sinh sản cao, chuyện cho cá trà sóc đẻ nhân tạo thành công là chuyện trong tầm tay".
Nếu căn cứ vào phát biểu và niềm tin của các cán bộ thuộc Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ thì việc loài cá bí ẩn có tên trong Sách đỏ nay mai lại xuất hiện trên sông rạch miền Tây chỉ còn là vấn đề thời gian. Và như thế, sông Mê Kông lại được trả về cho nó những thứ mà con người lâu nay vẫn tận diệt không một chút xót thương. Thiếu vắng những loài cá hiếm như cá trà sóc, cá hô, cá tra dầu... sông Mê Kông sẽ buồn tẻ, mất đi nhiều tính kỳ thú của dòng sông vang danh trên địa cầu
Có thể bạn quan tâm
Từ lâu, người tiêu dùng gần xa đã quen với chất lượng sản phẩm khoai môn của xã Mỹ An Hưng và xã Hội An Đông. Tuy nhiên, dù có nhiều ưu điểm về chất lượng, song một thời gian dài 2 sản phẩm này vẫn bị “cào bằng” chung giá với những sản phẩm cùng loại.
Một trong những điểm nhấn của khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh 5 năm qua là đã xuất hiện nhiều hợp tác xã (HTX) làm ăn có hiệu quả. Từ đây, các HTX ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Phú Thọ là 1 trong 4 tỉnh của cả nước gồm: Phú Thọ, Nam Định, Bình Định và Bà Rịa - Vũng Tàu được Bộ Nông nghiệp và PTNT lựa chọn để triển khai thí điểm quản lý lợn đực giống với mục đích thống kê và phân loại chất lượng lợn đực giống hiện đang khai thác sử dụng trên địa bàn và khuyến cáo các cơ sở loại thải, thay thế lợn đực giống không đảm bảo chất lượng và đề xuất các giải pháp về công tác quản lý lợn đực giống trên địa bàn tỉnh.
Năm 2005, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị xây dựng Đề án giao rừng tự nhiên nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống người dân sống trong và ven rừng, huy động sức mạnh của cộng đồng tham gia bảo vệ, phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng.
Là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược của Quảng Trị, những năm qua, nông dân trồng cà phê lẫn doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trên địa bàn đều tìm nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng cà phê, tạo chỗ đứng vững chắc của cà phê catimor Quảng Trị trên thị trường trong nước và thế giới.