Chợ Mới (An Giang) Phát Triển Đàn Bò Theo Hướng Trang Trại

Từ mô hình trồng bắp thu trái non, lấy phụ phẩm nuôi bò; trồng cỏ voi cặp các bờ kênh, tuyến đê, trên đất trồng lúa… số lượng đàn bò huyện Chợ Mới phát triển đến 22.000 con, đi đầu phong trào nuôi bò của tỉnh. Địa phương đang dần hình thành mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, ứng dụng công nghệ cao.
Chợ Mới đã hình thành Hợp tác xã chăn nuôi, do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Hiện, các cán bộ huyện đã góp vốn gần 500 triệu đồng mua 22 con bò cọp (giống lai với bò Úc) cho 9 hộ dân ở An Thạnh Trung nuôi bò rẻ.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Trương Trung Lập cho biết: “Mua bò cho dân nuôi rẻ là tạo nguồn sinh kế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập nông dân. Ý nghĩa hơn, tập cho nông dân thay đổi tập quán nuôi nhỏ lẻ, phát triển theo hướng công nghiệp, trang trại, đưa ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao vào chăn nuôi …”.
Xã An Thạnh Trung có 435 hộ nuôi hơn 1.700 con bò, chủ yếu giống bò Campuchia và 20 hộ dân đang nuôi bò cọp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi giống bò cỏ truyền thống. UBND xã đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi, mua 37 con bò cho hộ dân nuôi rẻ.
Nông dân Lê Văn Rul nói: “Tôi nuôi 3 con bò cọp, tận dụng phế phẩm cây bắp non và trồng cỏ voi làm thức ăn nên bò lớn nhanh, trung bình tăng 20-25kg/tháng. Bình quân một con bò cọp con (nặng 30-40 kg) có giá 20-30 triệu đồng, sau 14-15 tháng nuôi, lãi đến 30 triệu đồng/con (bình quân lời 2 triệu đồng/con/tháng). Loại bò cọp rất dễ nuôi, lại tăng trọng nhanh nên được thị trường ưa chuộng và bán được giá.
Ghé nhà nông dân giỏi Trần Văn An, ông vui mừng: “Sau khi được xã dẫn xuống Bến Tre tham quan, tui “tậu” luôn một con bò cọp 25 triệu đồng. Nuôi mới 4 tháng mà tăng trọng thấy ham, đang tính mở rộng chuồng nuôi thêm 4 con bò nữa”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tấn Mỹ Huỳnh Cẩm Giang cho biết: “Cùng với diện tích cây màu tăng 370 héc-ta, đàn bò trên địa bàn đã tăng gần 3.500 con. Địa phương đã thành lập 6 tổ với 118 thành viên vay 5,5 tỷ đồng phát triển trang trại”. Còn tại xã Mỹ An, 6 Tổ hợp tác chăn nuôi bò Úc được hình thành, vay vốn 5 tỷ đồng để mua con giống. Ở xã Hòa An, số lượng bò cũng tăng gần 200 con bò, nhiều nhất ở cồn An Thạnh.
Nông dân Nguyễn Văn Huề chỉ miếng đất trống 1.000m2, nói: “Vừa bán 16 con bò Italia lời hơn 160 triệu. Giống này tăng trọng nhanh, sau thời gian nuôi 6-7 tháng lời gần 20 triệu đồng/ con. Tôi đang chuẩn bị xây chuồng trại, hầm bioga, đầu tư nuôi bò quy mô lớn”.
Chợ Mới còn được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai thí điểm dự án chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao, tại 7 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Kiến An, An Thạnh Trung, Long Điền A, Hội An, Mỹ An. Sau gần một năm thực hiện, đã gieo tinh được 14 con bò, đang tiếp tục gieo tinh thêm 60 con, góp phần chủ động nguồn giống bò, cải thiện chất lượng, năng suất và hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới Lê Nghĩa Thuấn cho biết: “Mỗi ngày, Chợ Mới cung cấp cho thương lái trong và ngoài tỉnh từ 20-25 con bò. Ngành Nông nghiệp huyện đã định hướng cho nông dân chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Ngoài 150 con bò Úc được nông dân mua về nuôi lấy thịt, địa phương đã phát động người dân chuyển đổi mô hình từ nuôi bò lai Sind giống địa phương, giống Campuchia sang nuôi bò Úc, bò cọp, vì hiệu quả gấp đôi. Ngân hàng sẽ cấp hạn mức tín dụng 50 triệu đồng/hộ nuôi cá thể. Lãnh đạo huyện cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Vissan (TP. Hồ Chí Minh) giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Anh Nguyễn Hoàng Phi ở ấp Hòa Thạnh, xã Châu Phong, TX. Tân Châu, An Giang đã sáng chế và ứng dụng thành công máy phun thuốc điều khiển từ xa và tự động cuộn dây trên đồng. Chiếc máy đoạt giải 3 tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang năm 2012 và anh đã ra Hà Nội tham gia chương trình Nhà sáng chế trên VTV2 vào cuối tháng 3/2013 vừa qua.

Thời điểm năm 2010 và 2011, khi dịch bệnh “tai xanh” hoành hành trên đàn heo, anh Trần Đình Hiển (ấp 9, xã An Linh, Phú Giáo, Bình Dương) lại thắng lớn với lợi nhuận gần 1 tỷ đồng từ trại heo của mình nhờ đàn heo không dính dịch bệnh “tai xanh”. Để có được kết quả này, anh Hiển đã áp dụng mô hình nuôi heo trại lạnh. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và là hướng đi bền vững cho người chăn nuôi heo trong bối cảnh dịch bệnh thường xuyên hoành hành như hiện nay.

Thời gian qua, do thời tiết nắng mưa xen kẽ, đêm và sáng có sương mù, độ ẩm cao đã tạo điều kiện cho bệnh phấn trắng trên cây cao su phát triển.

Mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) đã khẳng định được tính hiệu quả cũng như tính thích nghi đối với khu vực ven biển ĐBSCL; tiềm năng mỗi năm có thể mở rộng SX lên 200.000 - 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn lúa hữu cơ, đặc sản và trên 100.000 tấn tôm sạch phục vụ nhu cầu chế biến XK.

Trong khi một số nhà máy sản xuất hạt điều xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thiếu nguyên liệu, phải thường xuyên nhập khẩu thì nông dân trồng điều lại không dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Nghịch lý trên tồn tại nhiều năm qua, một phần do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.