Phát triển mạnh cây giống cam sành

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có khoảng 500ha đất sản xuất cây giống, với khoảng 2.500 hộ dân tham gia, sản xuất ra nhiều chủng loại cây giống như:
Xoài, sầu riêng, măng cụt, cam sành, quýt đường, bưởi da xanh… Tổng sản lượng xuất bán ra thị trường hàng năm từ 20 - 30 triệu cây giống.
Trong đó, nhiều nhất là cây cam sành, chiếm từ 70 - 80% tổng sản lượng và có nhiều hộ dân tham gia sản xuất.
Hộ sản xuất ít nhất khoảng vài ngàn cây mỗi năm, hộ sản xuất nhiều vài chục ngàn cây và có nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn vài trăm ngàn cây… tùy theo điều kiện canh tác, vốn, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ, diện tích đất và công lao động của từng hộ.
Đây là loại cây trồng rất khó tính, đòi hỏi người trồng phải có vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm, công chăm sóc… Do lợi nhuận cao, nhiều người dân tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, cùng nhau trồng, đã hình thành nhiều vùng, khu vực chuyên canh sản xuất cây giống và đã thành lập nhiều tổ liên doanh, liên kết sản xuất cây giống.
Mỗi công đất (1.000m2) trồng, ương ghép cây cam sành, một vụ khoảng 40 ngàn cây, thời gian 12 tháng.
Những năm qua, giá bán luôn ổn định ở mức cao (có thương lái đến tận vườn mua) từ 7 - 8 ngàn đồng/cây (có lúc lên đến 10 ngàn đồng/cây).
Tổng thu nhập trung bình mỗi công đất từ 270 - 300 triệu đồng/năm, trừ các khoản chi phí, người trồng lợi nhuận trên 150 triệu đồng.
Với mô hình này, trong những năm qua, có nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế và nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tiêu biểu như hộ anh Mai Văn Sơn, ấp Thanh Đông, xã Tân Thanh Tây, là hộ cận nghèo.
Gia đình anh Sơn có 4 nhân khẩu, khoảng 2.000m2 đất sản xuất nông nghiệp.
Trước đây, anh trồng nhiều loại cây như: lúa, mía, rau màu… nhưng thu hoạch không được bao nhiêu.
Từ khi chuyển sang trồng, ương ghép cây cam sành, đến nay, kinh tế gia đình anh phát triển.
Mỗi năm, anh ương ghép từ 40 - 60 ngàn cây, tổng thu nhập trên 300 triệu đồng.
Anh đã thoát hộ cận nghèo và được bình chọn “Nông dân sản xuất giỏi cấp huyện năm 2014”.
Ông Huỳnh Văn Bé, hội viên Hội Cựu chiến binh ấp Thanh Đông, xã Tân Thanh Tây, thuộc hộ nghèo.
Gia đình ông có 6 nhân khẩu nhưng chỉ có hơn 1.500m2 đất sản xuất nông nghiệp, bản thân ông bị bệnh phổi, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, mọi việc trông cậy vào việc thuê, làm mướn của vợ và các con.
Năm 2011, ông được Hội Cựu chiến binh ấp, xã hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, ương ghép cây cam sành, lúc đầu khoảng 5 ngàn cây, sau tăng dần 25 - 30 ngàn cây.
Trung bình mỗi năm, ông thu hoạch từ 120 - 180 triệu đồng.
Ông đã xin thoát nghèo cuối năm 2014.
Ông Phạm Văn Chà, sinh năm 1957, cư trú ấp Mỹ Sơn Đông, xã Phú Mỹ, là gia đình có truyền thống trồng, ương ghép cây giống hàng chục năm qua ở vùng đất Mỏ Cày.
Gia đình ông có 4 người con cùng làm cây giống.
Trước đây, ông trồng ở đất nhà, nhưng sau thời gian đất cũ, hết màu mỡ, cây chậm phát triển và bị nhiễm bệnh, ông chuyển sang luân phiên đổi đất mới, mướn đất làm ở nhiều nơi.
Hiện nay, ông cùng các con mướn gần 1ha đất để làm cây giống tại ấp Phước Hậu, xã Phước Mỹ Trung.
3 năm qua, mỗi năm gia đình ông sản xuất bán ra thị trường khoảng 300 ngàn cây cam giống, tổng lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm.
Với kinh nghiệm trên 20 năm làm cây giống, ông Chà cho biết: “Điều quan trọng trong nghề làm cây giống là phải đổi đất mới liên tục để cây phát triển nhanh, ít bị nhiễm bệnh.
Công lao động không cần nhiều nhưng phải siêng năng chăm sóc.
Sau mỗi vụ thu hoạch, ngoài việc xử lý đất, còn phải xẻ rãnh, lên liếp làm cho đất hoai, tránh bị lặp đất và phải đổi đất mới sau vài vụ sản xuất”.
Nhờ vậy, cây giống của ông luôn khỏe mạnh, xanh tốt, phát triển nhanh, được khách hàng ưa chuộng.
Hàng năm, tuy chưa đến thời điểm thu hoạch nhưng cây giống của ông được thương lái các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ đặt mua.
Cùng với phát triển diện tích cây ăn trái, Mỏ Cày Bắc đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng, ương ghép cây giống, vì đây là thế mạnh của huyện, có thể giúp cho những hộ dân ít đất, nghèo, khó khăn… vươn lên phát triển kinh tế.
Có thể bạn quan tâm

Để đáp ứng nhu cầu con tôm giống chất lượng phục vụ người nuôi tôm, trong thời gian qua, nhiều trại giống đã đầu tư công nghệ mới trong sản xuất. Tuy vậy, tôm giống ở Cà Mau hầu như bán với giá thấp hơn nhiều so với con giống ngoài tỉnh bởi chưa có thương hiệu.

Cầm trong tay tấm bằng cử nhân ngành Quản trị kinh doanh, chàng trai 22 tuổi Phạm Văn Hiếu (thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng - Lâm Đồng) quyết tâm trở về quê nhà để lập nghiệp. Công việc mà Hiếu chọn để khởi nghiệp cũng khá đặc biệt, đó là chăn nuôi bò sữa cho nghe nhạc.

Năm 2014, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên được giao trồng 1.450 ha rừng sản xuất. Trên cơ sở kế hoạch giao, công ty đã họp và tổ chức cho nhân dân đăng ký nhu cầu trồng rừng mới. Theo đó, người dân của các xã trong vùng nguyên liệu đã đăng ký trồng mới 1.000 ha cây quế. Đây là năm đầu tiên, huyện Bảo Yên trồng quế với diện tích lớn như vậy.

Rau Ninh Đông ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 – Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản Việt Nam chứng nhận đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap. Đây là nội dung chính được nhắc đến tại Hội nghị tổng kết “Mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm rau an toàn” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa tổ chức vào sáng 16/9 tại Nha Trang.

Năm nay, anh Lê Hữu Trường đã bước sang tuổi 34, vậy mà anh vẫn chưa tính đến chuyện lập gia đình. Tìm hiểu mới biết, chàng kỹ sư này đang mải mê làm giàu từ vườn chanh hoa tím cùng với việc nghiên cứu, xử lý và điều trị các loại bệnh trên cây trồng.