Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chính Sách Hỗ Trợ Của Chính Phủ Giúp Ngư Dân Yên Tâm Bám Biển

Chính Sách Hỗ Trợ Của Chính Phủ Giúp Ngư Dân Yên Tâm Bám Biển
Ngày đăng: 16/10/2014

Phú Yên hiện có khoảng 640 tàu cá đang khai thác ở các vùng biển xa, trong đó chủ yếu hành nghề câu cá ngừ đại dương. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, nhưng nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ nên ngư dân vẫn yên tâm vươn khơi bám biển.

Hỗ trợ hàng trăm tỉ đồng

Theo Sở NN-PTNT, qua 3 năm (2008 - 2010) thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có hơn 7.220 tàu thuyền được hỗ trợ với số tiền gần 145 tỉ đồng. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp ngư dân tích cực bám biển, khai thác hải sản.

Hầu hết ngư dân nhận được tiền hỗ trợ đều rất phấn khởi và họ sử dụng khoản tiền này để sửa chữa lại vỏ tàu, thay máy, mua ngư lưới cụ… tiếp tục vươn khơi. Nhờ chính sách này, đến nay công tác quản lý đăng ký tàu cá đạt gần 100%, các địa phương nắm được chính xác số lượng tàu thuyền của địa phương để phục vụ công tác quản lý, lập quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển nghề cá tại địa phương”.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 289, tháng 7/2010, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 48/2010/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ, khai thác, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Qua gần 4 năm thực hiện, đến nay, ngư dân Phú Yên đã được hỗ trợ gần 198 tỉ đồng; riêng trong năm 2014, ngư dân được hỗ trợ hơn 48 tỉ đồng và chuẩn bị nhận hỗ trợ đợt 3 với hơn 33 tỉ đồng. Ngư dân Võ Đốc ở phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Phần lớn các gia đình đi biển theo cách cha truyền con nối. Làm ăn phải có những rủi ro, có những chuyến biển không đánh bắt được cá nên ngư dân chúng tôi bị thua lỗ, nhưng bỏ không đi biển thì chúng tôi không biết làm nghề gì.

Thời gian qua, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo điều kiện giúp ngư dân yên tâm làm ăn. Chúng tôi hy vọng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề cho ngư dân, bảo vệ ngư dân đang làm ăn trên vùng biển của Việt Nam, đồng thời có cơ chế khuyến khích ngư dân ra khơi…”.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa, đến nay, toàn tỉnh đã có 354 tàu cá được hỗ trợ máy thông tin liên lạc HF tầm xa tích hợp định vị vệ tinh nhãn hiệu Vertex Standanrd VX-1700. Từ khi trạm bờ đi vào hoạt động (đầu năm 2014), việc thông tin liên lạc với tàu cá đang hoạt động trên các vùng biển xa cũng thường xuyên và thông suốt hơn, góp phần giải quyết nhanh và đơn giản thủ tục, hỗ trợ cho ngư dân.

Tiếp tục duy trì chính sách

Theo UBND tỉnh, Quyết định 48 là một chủ trương lớn, kịp thời, hợp lòng dân. Chính sách này đã tạo điều kiện phát triển nhanh về số lượng, quy mô tàu cá và thời gian bám biển của ngư dân khai thác xa bờ.

Từ năm 2011 đến nay, Phú Yên đã có hơn 65 tàu đóng mới, cải hoán có công suất máy từ 400CV trở lên, nhiều ngư dân mạnh dạn đóng tàu công suất lớn phát triển nghề vây rút chì hoạt động ở vùng biển xa đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, khâu xác nhận tàu cá hoạt động ở vùng biển xa gặp nhiều khó khăn, một số trường hợp xác nhận không đúng nên phải thẩm tra, xác minh tốn nhiều thời gian và khá phức tạp.

Đến nay, ở huyện Tuy An vẫn còn số tiền gần 230 triệu đồng chi sai cho 8 chủ tàu cá nhưng chưa thu hồi lại được. Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: “Địa phương đang phối hợp với Sở NN-PTNT vận động 8 chủ tàu này giao nộp lại số tiền nêu trên, nếu không sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra và khởi tố”.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc triển khai Quyết định 48, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương ven biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến ngư dân, đồng thời thẩm định hồ sơ hỗ trợ chính xác, nêu rõ lý do và trả lại những hồ sơ không đúng quy định.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn, UBND tỉnh đã có kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tiếp tục duy trì chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển làm ăn kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tỉnh cũng đề nghị điều chỉnh, bổ sung chính sách này theo hướng mở rộng nghề khai thác ở các vùng biển xa, tăng mức hỗ trợ và tăng số chuyến biển được hỗ trợ lên 6 chuyến/năm…

Theo Quyết định 48, các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khai thác, hoạt động dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa (Hoàng Sa, Trường Sa, DK1) sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi, về của các tàu hoạt động trên các vùng biển xa tối đa 4 chuyến biển/tàu/năm.

Cụ thể, tàu cá lắp máy công suất từ 90 đến dưới 150CV được hỗ trợ 18 triệu đồng/chuyến; tàu cá lắp máy có công suất từ 150 đến dưới 250CV được hỗ trợ 25 triệu đồng/chuyến. Tàu cá có công suất từ 250 đến dưới 400CV được hỗ trợ 45 triệu đồng/chuyến.

Riêng đối với tàu cá có công suất trên 400CV được hỗ trợ 60 triệu đồng/chuyến. Cùng với chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu, Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ còn quy định về việc hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu; bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên; hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc cho tàu…


Có thể bạn quan tâm

Số Hộ Nuôi Cá Tra Thua Lỗ Ngày Càng Tăng Số Hộ Nuôi Cá Tra Thua Lỗ Ngày Càng Tăng

Tại ĐBSCL, nếu giai đoạn 2002 - 2005 có 25% số hộ nuôi bị thua lỗ thì trong 3 năm gần đây, tỷ lệ này lên đến gần 50%. Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất do ĐH Cần Thơ công bố.

12/04/2013
Quản Lý Bất Cập, Ngành Chăn Nuôi Tụt Hậu Quản Lý Bất Cập, Ngành Chăn Nuôi Tụt Hậu

Trong chăn nuôi, đặc biệt là heo và gia cầm, các tiến bộ khoa học kỹ thuật như con giống, dinh dưỡng, chăm sóc, quản lý có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Với gia cầm, ngoại trừ cúm H5N1, những yếu tố này đã giúp tạo sự phát triển ổn định những năm qua, đạt năng suất cao.

01/08/2013
Trồng Hồ Tiêu Ở Tây Nguyên Bị Phá Quy Hoạch Trồng Hồ Tiêu Ở Tây Nguyên Bị Phá Quy Hoạch

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, do giá tiêu trên thị trường hiện đang tăng cao (giá từ 118.000 - 120.000 đồng/kg, thậm chí có lúc tăng lên 130.000 - 140.000 đồng/kg), nên đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên đã đua nhau phát triển ồ ạt cây hồ tiêu, không theo quy hoạch.

11/08/2012
Dự Án “Chăn Nuôi Bò Sinh Sản, Đảm Bảo Vệ Sinh Môi Trường” Có Hiệu Quả Ở Đồng Tháp Dự Án “Chăn Nuôi Bò Sinh Sản, Đảm Bảo Vệ Sinh Môi Trường” Có Hiệu Quả Ở Đồng Tháp

Tháng 1/2012, Hội Nông dân xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) triển khai dự án “Chăn nuôi bò sinh sản, đảm bảo vệ sinh môi trường” cho 18 hộ nông dân tại ấp Bắc Trang 2. Đến nay, dự án bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

12/04/2013
Vườn Dừa Dứa Trên 240 Triệu Đồng Vườn Dừa Dứa Trên 240 Triệu Đồng

Thật không dễ dàng khi anh đưa ra quyết định trồng dừa dứa vào thời điểm mà đa số các nhà vườn trong huyện tập trung đầu tư phát triển các cây ăn trái khác như xoài, cam, nhãn. Thế nhưng anh Nguyễn Công Quyền (ở ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ, Đồng Tháp) đã giữ vững niềm tin, vượt qua mọi lời bàn tán, hoài nghi về hiệu quả mang lại từ loài cây trồng mới này và gặt hái được thành công.

15/06/2013