Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Có Ý Đồ Cạnh Tranh Không Lành Mạnh

Có Ý Đồ Cạnh Tranh Không Lành Mạnh
Ngày đăng: 21/11/2014

Cách đây khoảng 10 năm, phía Đài Loan cũng từng có thông tin tương tự và đã được giải tỏa nhanh chóng bởi việc làm đồng loạt của các cơ quan hữu trách Việt Nam.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, trong tổng số 28.000ha chè của tỉnh Lâm Đồng có khoảng 14.000ha chè chất lượng cao.

Hiện Lâm Đồng có diện tích chè lớn nhất nước (chiếm 25% tổng diện tích), sản lượng chè búp tươi cũng cao nhất (27%) và mức thu nhập trên mỗi ha cũng cao nhất (trên 250 triệu đồng).

Bởi thế, không lạ gì khi có hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước (trong đó có Đài Loan) chọn Lâm Đồng làm “đất sống” để kinh doanh cây chè. Song, gần đây, một vài thông tin từ các phương tiện truyền thông Đài Loan cho rằng vùng chè Lâm Đồng được trồng trên đất nhiễm chất độc dioxin do Mỹ rải xuống trong thời chiến tranh khiến cho hàng loạt doanh nghiệp trà của Lâm Đồng điêu đứng.

Theo tính toán của một chuyên gia ngành chè Việt Nam - TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhà khoa học chuyên nghiên cứu cây chè Việt Nam - thì cứ mỗi ha chè nguyên liệu, nhà nông phải đầu tư khoảng gần 100 triệu đồng để 4 năm sau cho thu hoạch.

Không chỉ vốn đầu tư khá cao mà nhà nông Lâm Đồng còn phải là người tinh thông về kỹ thuật mới có thể làm ra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn để chế biến các loại trà cao cấp, trong đó có trà ô long.

Cùng đó, trong những năm gần đây, với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp Đài Loan chuyên sản xuất và chế biến trà cao cấp đạt các tiêu chuẩn quốc tế, vị thế cây chè Lâm Đồng càng được nâng cao.

Từ những cơ sở trên, Lâm Đồng không ngần ngại khi quy hoạch đến năm 2020, vùng nguyên liệu chè của tỉnh sẽ có khoảng 50-55% được trồng các giống chè chất lượng cao để chế biến thành sản phẩm trà ô long.

Nói cách khác, sản phẩm trà cao cấp nhằm đáp ứng thị trường ngày càng khó tính của thế giới đang là vấn đề mà Lâm Đồng đặt ra và thực hiện. Bằng chứng là trong 9 tháng đầu năm 2014, lượng trà xuất khẩu của Việt Nam đạt giá trị hơn 24 triệu USD - tăng 3% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, lý giải về vấn đề một vài cơ quan thông tin truyền thông Đài Loan cho rằng trà Việt Nam nhiễm chất độc dioxin, Hiệp hội chè Việt Nam cho rằng đây rất có thể xuất phát từ nguyên nhân cạnh tranh không lành mạnh của một số doanh nghiệp trà của Đài Loan.

“Hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Đài Loan đã cho phép một số doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu trà ô long vào Đài Loan - sản phẩm mà trước đó Đài Loan cấm nhập khẩu” - một cán bộ có trách nhiệm của Hiệp hội chè Việt Nam cho biết. Điều này càng cho thấy, việc cản trở trà Việt Nam thông quan vào Đài Loan là hoàn toàn theo ý đồ của một nhóm doanh nghiệp hay một nhóm người nào đó.

Trở lại vấn đề chất lượng trà của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng, theo các văn bản chính thức được phát hành công khai của Chi cục Bảo vệ Thực vật Lâm Đồng thì cứ theo định kỳ hằng tháng, hằng năm, hoặc đột xuất, cơ quan hữu trách này đều có kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm trà của tất cả các cơ quan sản xuất và chế biến trà Lâm Đồng.

Theo đó, ngay từ khâu sản xuất và chế biến, cơ quan chức năng của tỉnh đã kiểm tra và kết luận chất lượng sản phẩm trà trước khi tiêu thụ. Cùng đó, không ít quốc gia trên thế giới trước khi nhập khẩu trà của Lâm Đồng cũng đã tiến hành lấy mẫu đất để kiểm nghiệm, và khi có kết quả an toàn thì các nước này mới đồng ý cho phép nhập trà của Việt Nam.

“Thông tin trà Việt Nam nhiễm dư lượng dioxin không quá khó để giải tỏa. Cách nay khoảng 10 năm, một số cơ quan truyền thông của Đài Loan cũng từng có thông tin tương tự.

Nhưng ngay sau đó, với việc làm đồng loạt của cơ quan hữu trách Việt Nam, thông tin này đã được giải tỏa. Và lần này, thông tin trà Việt Nam nhiễm chất dioxin chẳng khác nào một thách thức từ phía Đài Loan với chính quyền tỉnh Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung mà chúng ta cần phải giải tỏa” - ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phát biểu.

Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/co-y-do-canh-tranh-khong-lanh-manh-post134939.html


Có thể bạn quan tâm

Nuôi tôm trong nhà kính đạt hiệu quả kinh tế cao Nuôi tôm trong nhà kính đạt hiệu quả kinh tế cao

Ngày 12-7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, cùng đại diện các tỉnh ĐBSCL, các nhà khoa học… đến khảo sát mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), do Tập đoàn Việt Úc triển khai.

15/07/2015
Quản lý sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản Quản lý sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản

Kể từ ngày 06/8/2015, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất, kinh doanh, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trên lãnh thổ Việt Nam cần áp dụng các quy định tại Thông tư số 23/2015/TT-BNNPTNT ngày 22/6/2015 của Bộ NN và PTNT về quản lý sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

15/07/2015
Triển vọng trang trại nuôi dê Thái ở Di Linh (Lâm Đồng) Triển vọng trang trại nuôi dê Thái ở Di Linh (Lâm Đồng)

Thực hiện chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều nông hộ trên địa bàn xã Gia Hiệp (Di Linh - Lâm Đồng) đã triển khai nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình nuôi tằm, nuôi bò, nuôi heo kết hợp với trồng trọt… và mới đây, xuất hiện thêm trang trại nuôi dê. Đây là mô hình chăn nuôi hứa hẹn sẽ có nhiều triển vọng.

15/07/2015
Vợ chồng cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi Vợ chồng cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi

Năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, hưởng ứng phong trào “Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của Trung ương Đoàn TNCSHCM, nhiều thanh niên đã hăng hái xung phong vào mảnh đất đầy khó khăn thuộc các xã biên giới Quảng Trực, Quảng Tân, huyện Tuy Đức hiện nay để khai khẩn vùng đất mới. Từ đó, nhiều TNXP đã quyết định gắn bó lâu dài với vùng đất Đắk Nông.

15/07/2015
Xuất khẩu nông, thủy sản tiếp tục gặp khó Xuất khẩu nông, thủy sản tiếp tục gặp khó

6 tháng đầu năm 2015, dù kinh tế còn khó khăn nhưng ngành Công thương tỉnh Tiền Giang vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao. Tình hình xuất khẩu dù có nhiều sản phẩm đạt giá trị kinh tế cao so với cùng kỳ năm 2014 nhưng vẫn đang đối diện với tình hình xuất khẩu hàng nông, thủy sản giảm. Đây là nhận định của Sở Công thương tại Hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ của ngành trong 6 tháng đầu năm và đề ra giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2015 được tổ chức vào ngày 13-7.

15/07/2015