Hiến Kế Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp Bước Đi Táo Bạo Của Tập Đoàn TH
Cho đến giữa tháng 11/2014, trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung của Tập đoàn TH đã có trên 40.200 con bò sữa HF thuần chủng, cùng với nhà máy chế biến sữa hiện đại công suất 560 tấn sữa tươi/ngày.
Đến năm 2013, Tập đoàn TH đã nộp ngân sách cho Nghệ An tổng cộng khoảng 360 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2014, TH sẽ nộp ngân sách trên 120 tỷ đồng.
Cuối năm 2008, dự án chăn nuôi bò sữa công nghiệp tập trung lớn nhất Việt Nam của Tập đoàn TH được Ngân hàng TMCP Bắc Á đầu tư với tổng vốn 350 triệu USD (giai đoạn 1) bắt đầu được khởi động tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Dự án triển khai trong thời điểm trước đó, không ít dự án nuôi bò sữa lớn nhiều nơi đổ bể, khiến không biết bao nhiêu người, từ lãnh đạo đến nhân dân băn khoăn...
Bài học mà dự án phát triển chăn nuôi bò sữa nông hộ ở Nghệ An (giai đoạn 2004-2008) đặt ra trước mắt TH chính là: Hàng trăm con bò sữa HF được Cty Novico nhập khẩu về cho nông dân Nghệ An đã bị loại thải nên loay hoay mãi vẫn không thụ tinh nhân tạo được. Số hộ may mắn nhận bò về sinh sản được thì năng suất sữa phập phù, không có nơi tiêu thụ...
Để cứu người tham gia dự án, Nghệ An đã phải trích ngân sách tỉnh để hỗ trợ thêm giá mua sữa, thuê xe bồn chuyên dụng thu gom và trợ giá vận chuyển ra Hà Nội bán mà vẫn không cứu được người chăn nuôi. Do không am tường kỹ thuật vắt sữa và cách chăm sóc bò mẹ nên chỉ một thời gian ngắn hầu hết đàn bò đang cho sữa bị bệnh viêm vú. Tại một số hộ gia đình bò sữa bị lây bệnh LMLM, tụ huyết trùng... khiến người chăn nuôi thêm chán nản, không ai bảo ai, họ bỏ mặc đàn bò sữa của mình... Dự án tan, để lại nhiều hệ lụy.
Triển khai dự án, Tập đoàn TH đã chọn Cty TNHH MTV Rau quả 19/5 tại xã Nghĩa Sơn làm điểm đặt chân đầu tiên. Theo đó, Tập đoàn TH đề nghị UBND tỉnh Nghệ An thu hồi và bàn giao cho mình toàn bộ diện tích đất nông nghiệp mà Cty này được giao quản lý, lúc đó đang giao khoán cho công nhân viên và người dân để lấy đất xây dựng trang trại và trồng cỏ.
Tại thời điểm đó, TH khẳng định sau 5 năm đi vào sản xuất, TH sẽ nộp ngân sách địa phương 30 triệu USD/năm. TH cho biết sẽ thuê chuyên gia cùng với các tiến bộ nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) của Israel về địa phương để cơ cấu lại cây trồng trên diện tích đã được tỉnh bàn giao.
Ngay sau khi được chấp thuận đầu tư, Tập đoàn TH lập tức thuê hàng trăm chuyên gia và nông dân Israel về Nghĩa Đàn vừa khảo sát thực địa, tư vấn, thiết kế trang trại, vừa quy hoạch vùng nguyên liệu, đồng thời tiến hành trồng cỏ và nhập khẩu bò HF thuần từ New Zealand về… Chỉ sau một thời gian ngắn bộ mặt nơi đây đã thực sự thay đổi, hàng nghìn ha cam còi cọc, thoái hóa, năng suất thấp của Cty TNHH MTV Rau quả 19/5 được thay thế bằng những cụm trang trại bò sữa hàng chục nghìn con, xung quanh bát ngát cánh đồng cỏ Mombasa, ngô, cao lương xanh tốt.
Ông Nguyễn Lê Thăng, Phó TGĐ Cty Công nghiệp Công nghệ cao Quốc tế (AGI TECH), đơn vị chuyên lo mảng SX thức ăn xanh cho đàn bò sữa HF của Tập đoàn TH, cho biết: Để cơ cấu lại các loại cây trồng ngay trên diện tích đất mà TH được giao, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của chúng tôi đã phối hợp với chuyên gia Israel, Nhật Bản... liên tục đưa vào khảo nghiệm rất nhiều giống cỏ, ngô, cao lương, đậu và hướng dương.
Cho đến thời điểm này, bình quân mỗi năm chúng tôi đều gieo trồng trên 1.000 ha cao lương Mỹ, 400 ha ngô lai và hơn 1.000 ha cỏ Mombasa. Các loại cây trồng khác như hướng dương, đậu tương... cũng được trồng luân canh vừa để làm thức ăn vừa góp phần cải tạo đất.
Điều đáng nói là, nhờ chọn lọc được các loại cây trồng cho năng suất cao, thu hoạch từ gốc đến ngọn (khi chưa hết thời gian sinh trưởng) nên mỗi năm TH có thể thu hoạch bình quân 3 vụ. Do đó giá trị kinh tế thu được trên từng đơn vị diện tích đều đạt bình quân từ 1 đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm (tùy giống cây).
Cho đến thời điểm này, đàn bò sữa HF của TH đã vượt qua ngưỡng 40.000 con, trong đó có gần 20.000 con cho sữa mỗi ngày. Bởi thế, riêng lượng thức ăn thô cung cấp cho đàn bò gần 1.000 tấn/ngày. Để giải quyết tốt vấn đề thức ăn tại chỗ, chúng tôi đang khảo nghiệm thêm nhiều loại cây trồng mới năng suất cao, chất lượng dinh dưỡng tốt.
Tháng 4/2014, chúng tôi mời Tập đoàn SOL Holdings (6636) tại Nhật Bản đưa giống cao lương Nhật vào khảo nghiệm trên tổng diện tích trên 50 ha. Điều đáng mừng là năng suất sinh khối vụ đầu tiên đã đạt mức 75 tấn/ha. Cây cao lương Nhật hứa hẹn sẽ đáp ứng được cả 2 yêu cầu năng suất và chất lượng mà TH mong muốn, ông Thăng nói.
Trao đổi với chúng tôi, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho biết: TH không chỉ tái cơ cấu các loại cây trồng trong phạm vi 8.000 ha đất đã được giao quản lý. Bắt đầu từ vụ đông 2014, chúng tôi phối hợp với huyện Nghĩa Đàn triển khai chiến lược tái cơ cấu các loại cây trồng cho người dân địa phương bằng cách trao các tiến bộ NNCNC cho từng hộ. TH đầu tư giống ngô và phân bón, gần cuối vụ sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con theo giá thị trường để làm thức ăn cho bò sữa. Chúng tôi coi đó là món quà đầu tiên dành riêng cho người dân Nghĩa Đàn, sau đó sẽ mở rộng ra các huyện khác.
Bước sang năm 2015, Tập đoàn TH sẽ liên kết cùng bà con nông dân Nghĩa Đàn hình thành các công ty nguyên liệu, hộ nông dân sẽ là những cổ đông của công ty.
Thực hiện tốt kế hoạch này, mỗi năm bà con sẽ triển khai 3 vụ ngô, dự kiến thu bình quân khoảng 25 triệu đồng/sào/năm (500 triệu đồng/ha/năm). Khi đàn bò sữa của chúng tôi tăng lên mạnh, mô hình này sẽ được triển khai dần ra diện rộng tại tất cả các huyện lân cận. Lúc đó, bà con nông dân sẽ là vệ tinh, chuyên thâm canh ngô, cỏ để bán cho Tập đoàn TH.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/hien-ke-tai-co-cau-nong-nghiep-buoc-di-tao-bao-cua-tap-doan-th-post134914.html
Có thể bạn quan tâm
Bà Hồ Thị Thùy (thôn Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi) cho biết: Dưa hấu ít chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với trồng các loại cây trồng khác. Năm nay nhà tôi trồng 5 sào dưa hấu, năng suất khoảng 1,2 tấn/sào, với giá 8.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đã cho lãi ròng 30 triệu đồng.
Sau 2 năm rưỡi chăm sóc, vườn cam của ông cho thu hoạch lứa đầu tiên bán được 170 triệu đồng. Ông Tiến cho biết: “Vườn cam của tôi đã được 2 năm rưỡi, tôi để trái bán cũng được 4-5 tấn, giá 17.000 đồng/kg. Tôi ước năng suất năm tới khoảng hơn 10 tấn, với giá như hiện nay thì tôi lời khoảng 100 triệu”.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua việc sản xuất thanh long đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, trong năm 2013 và đầu năm 2014, giá cả thanh long tăng cả chính vụ và trái vụ (giá bình quân chính vụ năm 2013 là 13.273 đồng/kg, trái vụ 17.210 đồng/kg).
Một giải pháp mang lại hiệu quả cao không thể không nhắc tới, đó là Hội Nông dân huyện Đức Linh đã chủ động phối hợp với các ngành tổ chức các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, cung ứng cây, con giống nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hội viên nông dân có cùng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực để hợp tác.
Vào chính vụ, các loại quả đặc trưng của mùa hè như vải, mận, dưa hấu, dưa lê, dưa bở... được bày bán la liệt khắp các chợ, trên đường phố Thủ đô. Nhiều loại hoa quả giá đột ngột giảm mạnh, rẻ như rau.