Chính Sách Hỗ Trợ Của Chính Phủ Giúp Ngư Dân Yên Tâm Bám Biển
Phú Yên hiện có khoảng 640 tàu cá đang khai thác ở các vùng biển xa, trong đó chủ yếu hành nghề câu cá ngừ đại dương. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, nhưng nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ nên ngư dân vẫn yên tâm vươn khơi bám biển.
Hỗ trợ hàng trăm tỉ đồng
Theo Sở NN-PTNT, qua 3 năm (2008 - 2010) thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có hơn 7.220 tàu thuyền được hỗ trợ với số tiền gần 145 tỉ đồng. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp ngư dân tích cực bám biển, khai thác hải sản.
Hầu hết ngư dân nhận được tiền hỗ trợ đều rất phấn khởi và họ sử dụng khoản tiền này để sửa chữa lại vỏ tàu, thay máy, mua ngư lưới cụ… tiếp tục vươn khơi. Nhờ chính sách này, đến nay công tác quản lý đăng ký tàu cá đạt gần 100%, các địa phương nắm được chính xác số lượng tàu thuyền của địa phương để phục vụ công tác quản lý, lập quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển nghề cá tại địa phương”.
Bên cạnh chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 289, tháng 7/2010, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 48/2010/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ, khai thác, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Qua gần 4 năm thực hiện, đến nay, ngư dân Phú Yên đã được hỗ trợ gần 198 tỉ đồng; riêng trong năm 2014, ngư dân được hỗ trợ hơn 48 tỉ đồng và chuẩn bị nhận hỗ trợ đợt 3 với hơn 33 tỉ đồng. Ngư dân Võ Đốc ở phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Phần lớn các gia đình đi biển theo cách cha truyền con nối. Làm ăn phải có những rủi ro, có những chuyến biển không đánh bắt được cá nên ngư dân chúng tôi bị thua lỗ, nhưng bỏ không đi biển thì chúng tôi không biết làm nghề gì.
Thời gian qua, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo điều kiện giúp ngư dân yên tâm làm ăn. Chúng tôi hy vọng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề cho ngư dân, bảo vệ ngư dân đang làm ăn trên vùng biển của Việt Nam, đồng thời có cơ chế khuyến khích ngư dân ra khơi…”.
Theo ông Nguyễn Tri Phương, thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa, đến nay, toàn tỉnh đã có 354 tàu cá được hỗ trợ máy thông tin liên lạc HF tầm xa tích hợp định vị vệ tinh nhãn hiệu Vertex Standanrd VX-1700. Từ khi trạm bờ đi vào hoạt động (đầu năm 2014), việc thông tin liên lạc với tàu cá đang hoạt động trên các vùng biển xa cũng thường xuyên và thông suốt hơn, góp phần giải quyết nhanh và đơn giản thủ tục, hỗ trợ cho ngư dân.
Tiếp tục duy trì chính sách
Theo UBND tỉnh, Quyết định 48 là một chủ trương lớn, kịp thời, hợp lòng dân. Chính sách này đã tạo điều kiện phát triển nhanh về số lượng, quy mô tàu cá và thời gian bám biển của ngư dân khai thác xa bờ.
Từ năm 2011 đến nay, Phú Yên đã có hơn 65 tàu đóng mới, cải hoán có công suất máy từ 400CV trở lên, nhiều ngư dân mạnh dạn đóng tàu công suất lớn phát triển nghề vây rút chì hoạt động ở vùng biển xa đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, khâu xác nhận tàu cá hoạt động ở vùng biển xa gặp nhiều khó khăn, một số trường hợp xác nhận không đúng nên phải thẩm tra, xác minh tốn nhiều thời gian và khá phức tạp.
Đến nay, ở huyện Tuy An vẫn còn số tiền gần 230 triệu đồng chi sai cho 8 chủ tàu cá nhưng chưa thu hồi lại được. Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: “Địa phương đang phối hợp với Sở NN-PTNT vận động 8 chủ tàu này giao nộp lại số tiền nêu trên, nếu không sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra và khởi tố”.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc triển khai Quyết định 48, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương ven biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến ngư dân, đồng thời thẩm định hồ sơ hỗ trợ chính xác, nêu rõ lý do và trả lại những hồ sơ không đúng quy định.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn, UBND tỉnh đã có kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tiếp tục duy trì chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển làm ăn kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tỉnh cũng đề nghị điều chỉnh, bổ sung chính sách này theo hướng mở rộng nghề khai thác ở các vùng biển xa, tăng mức hỗ trợ và tăng số chuyến biển được hỗ trợ lên 6 chuyến/năm…
Theo Quyết định 48, các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khai thác, hoạt động dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa (Hoàng Sa, Trường Sa, DK1) sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi, về của các tàu hoạt động trên các vùng biển xa tối đa 4 chuyến biển/tàu/năm.
Cụ thể, tàu cá lắp máy công suất từ 90 đến dưới 150CV được hỗ trợ 18 triệu đồng/chuyến; tàu cá lắp máy có công suất từ 150 đến dưới 250CV được hỗ trợ 25 triệu đồng/chuyến. Tàu cá có công suất từ 250 đến dưới 400CV được hỗ trợ 45 triệu đồng/chuyến.
Riêng đối với tàu cá có công suất trên 400CV được hỗ trợ 60 triệu đồng/chuyến. Cùng với chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu, Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ còn quy định về việc hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu; bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên; hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc cho tàu…
Related news
Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã Phú Thọ đã có bước phát triển ổn định. Nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất được xây dựng, triển khai, nhân rộng đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Nhờ được bố mẹ chồng truyền kinh nghiệm nên chị nắm rất rõ những loại rau rừng cần hái. Theo chị Tiến, rau và lá rừng có hàng chục loại khác nhau nên người hái phải nắm vững từng loại nếu không sẽ nhầm. Với rau rừng, ngon nhất là rau bướm, rau dớn, rau chọi, rau cu, rau sân...
Sáng nay (3/3), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn kiểm tra việc phối hợp triển khai mô hình chăn nuôi vừa và nhỏ giữa các hộ dân với doanh nghiệp tại huyện Vũ Quang.
Học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm từ bạn bè, người quen, bắt đầu từ đồng vốn ít ỏi, từng bước phát triển mô hình kinh tế trang trại với cây trồng, vật nuôi đa dạng hơn - đó là bí quyết làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp của đoàn viên Lê Anh Tuấn (xóm 6, xã Sơn Quang, Hương Sơn).
Theo giới thiệu của ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm Sơn (Ninh Sơn), chúng tôi có dịp gặp chị Hà Thị Lệ Chi, một hộ kinh doanh nông sản tại địa phương luôn chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng.