Trao Cần Câu... Vẫn Khó!
“Chúng tôi biết làm cổng sắt, bếp trấu và một số vật dụng đơn giản phục vụ cuộc sống gia đình sau khi học nghề hàn, xì cơ khí vào cuối năm 2012. Có nghề trong tay, thanh niên trai tráng phải đi làm thuê xa mới có việc, còn cứ như chúng tôi đã ngoài 40 tuổi thì tìm việc làm sau học nghề là rất khó, muốn mở cơ sở làm nghề lại chẳng có vốn”.
Đó là tâm sự của của ông Lèng Văn Vĩnh, Trưởng bản Mới 1, xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ) cũng như nhiều học viên được học nghề theo Đề án 1956 mà cán bộ Phòng Dạy nghề (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) nhận được sau khi phỏng vấn trực tiếp. Điều đó nói lên rằng, tìm việc làm cho lao động sau học nghề luôn là “bài toán” khó!
Gần 72% - con số “cảm tính”!
Có thể khẳng định, sau hơn 4 năm thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956) trên địa bàn toàn tỉnh đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo. Và gần 72% học viên sau học nghề có việc làm là con số mà các cơ sở dạy nghề cũng như các địa phương thống kê sau 4 năm thực hiện.
Tuy nhiên, theo ông Hà Quang Minh, Phó phụ trách Phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng: Con số học viên có việc làm sau đào tạo gần 72% trên cả hai lĩnh vực dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cơ bản được đánh giá theo “cảm tính”. Theo phân tích của ông Minh: Kết quả học viên có việc làm sau đào tạo cần phải được thống kê dựa trên số lao động có việc làm mới, việc làm ổn định sau đào tạo.
Nhưng theo thống kê từ các địa phương trên cả hai lĩnh vực này cho thấy, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề mới dừng lại ở việc duy trì việc làm đã có từ trước hoặc mở rộng quy mô ngành nghề đã làm, chứ nâng cao thu nhập cho người sau học nghề chưa có bước chuyển rõ nét.
Ông Minh lấy ví dụ, với nghề chăn nuôi, người nông dân đăng ký học nghề kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh thủy sản, sau khi học nghề phần lớn bà con áp dụng kiến thức đã học nuôi trồng trên diện tích thủy sản trước đó, chẳng mấy người có điều kiện để mở rộng được quy mô nuôi trồng, nên việc tăng thu nhập chưa rõ, chưa thể đánh giá tìm được việc làm mới.
Hoặc với học nghề phi nông nghiệp như câu chuyện của hơn 70 người dân bản Mới 1, xã Chà Cang học nghề hàn xì cơ khí từ năm 2012 do Trung tâm Dạy nghề huyện Tuần Giáo đào tạo là vấn đề trăn trở về việc có “cần câu”.
Qua thanh tra của cơ quan chức năng tháng 5 vừa qua, phỏng vấn trực tiếp người học nghề cho thấy, đến thời điểm đó chỉ có 5 người sau học nghề có việc làm ở nơi khác. Số còn lại biết nghề, được cấp chứng chỉ nhưng vì tâm lý ngại xa gia đình hoặc do thiếu vốn đầu tư mở cơ sở làm nghề nên dù đã có “cần câu”, có chứng chỉ rồi… để đó!
Theo Trưởng bản Mới 1 Lèng Văn Vĩnh, đi xa tìm việc làm mà thu nhập chỉ đạt 120.000 đồng/người/ngày, trong khi công việc không ổn định, ngày có người thuê thì mới có việc, trừ chi phí cũng chẳng đáng là bao nên bà con trong bản chẳng mặn mà. Chỉ mong được Nhà nước hỗ trợ vay vốn để làm nghề!
Đề án 1956 yêu cầu phải cụ thể hóa các danh mục đào tạo, để việc dạy nghề mang tính chuyên sâu giúp mỗi người được học một nghề để tự lập có thể tự tìm việc làm, tăng thu nhập góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống.
Vì thế mà sau 4 năm thực hiện Đề án, danh mục các ngành nghề được đào tạo trên địa bàn tỉnh ta là 27 nghề; trong đó, học viên chủ yếu lựa chọn học nghề nông nghiệp với 19 nghề và 8 nghề phi nông nghiệp. Đơn cử trong lĩnh vực dạy nghề nông nghiệp có nghề: kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm; kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; kỹ thuật chăn nuôi phòng trị bệnh cho thủy cầm…
Theo quy định, mỗi người chỉ được đăng ký học một nghề, vì vậy, học viên đã chọn học nghề kỹ thuật chăn nuôi gia cầm thì không thể học nghề kỹ thuật chăn nuôi lợn. Tương tự, nếu chọn học nghề trồng và khai thác rừng thì không được học nghề kỹ thuật trồng, quản lý dịch hại trên cây ngô.
Điều đó dẫn đến bất cập khi áp dụng trên địa bàn tỉnh ta, bởi trong điều kiện thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nói chung và nông sản khó khăn như hiện nay, sản xuất manh mún nhỏ lẻ thì thiếu, mà sản xuất với quy mô lớn thì khó tiêu thụ.
Việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa quy mô lớn hiện rất khó, chưa kể đến vấn đề nông dân gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển ngành nghề đã học!
Khó khăn hơn cả là với nghề phi nông nghiệp sau đào tạo có nghề, được cấp chứng chỉ nhưng tâm lý ngại đi làm xa; trong khi trên địa bàn tỉnh số doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, xây dựng dân dụng nên nhu cầu sử dụng lao động sau đào tạo không nhiều!
Đồng bộ các giải pháp
Dạy nghề theo Đề án 1956 thời gian qua đã tạo những bước chuyển tích cực, góp phần trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người học nghề. Điều đó được thể hiện rất rõ qua con số “1.271 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo và 1.246 gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ khá” sau 4 năm thực hiện.
Và chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã có 3.634 người được dạy nghề. Tuy nhiên, với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là giải quyết việc làm - vấn đề “mấu chốt” cho người học nghề sau đào tạo, cần quy rõ trách nhiệm và mối quan hệ giữa các cơ quan có liên quan từ việc điều tra, khảo sát nhu cầu; xác định nghề cần đào tạo đến việc tổ chức dạy nghề gắn giải quyết việc làm, sử dụng lao động.
Xuất phát từ thực tiễn triển khai thực hiện, theo ông Hà Quang Minh ngoài cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan tạo thuận lợi giúp người học nghề tiếp cận vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh sau học nghề, cần áp dụng cho một người có thể học hơn một nghề phù hợp căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của người học.
Ví như trong lĩnh vực nghề nông nghiệp có thể vừa học nghề kỹ thuật chăn nuôi gà vừa có thể học nghề kỹ thuật chăn nuôi thủy cầm; học nghề kỹ thuật trồng lúa năng suất cao vừa có thể học nghề kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây ngô…
Vì thời gian đào tạo 3 tháng đối với từng nghề không phải là dài, trong khi sắp xếp khoa học có thể tận dụng để người nông dân học thêm nghề để áp dụng phát triển kinh tế gia đình, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Như vậy, về lý thuyết mà nói thì “tuổi đời” của mắc ca Việt Nam không vượt quá 20 năm. Tuy nhiên, mới đây, chúng tôi thực sự bất ngờ khi tận mắt nhìn thấy một cây mắc ca đại thụ duy nhất khá “hiên ngang” đứng trong khuôn viên dãy biệt thự Cadasa resort trên đường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt (bên hông biệt thự số 26).
Ông Trần Minh Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kon Plông cho biết: Các loại hoa như hoa lan, đồng tiền, hoa hồng, hoa tuy-lip, hoa li-ly... được trồng tại Măng Đen bước đầu đã được thị trường chấp nhận tiêu thụ với thương hiệu "Hoa Măng Đen" trên bao bì.
14 năm giữ vị trí số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu, hạt tiêu đang dần khẳng định vị thế một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2014, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu mặt hàng này bước vào câu lạc bộ “tỷ đô”, đóng góp chung cho thành tích xuất khẩu cả nước.
Hiện Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật đầu tư, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các nông hộ tham gia mô hình. Thời điểm đậu phụng đến kỳ thu hoạch, Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm (tỉnh Đăk Nông) sẽ hướng dẫn nông dân kỹ thuật thu hoạch và thu mua sản phẩm cho nông dân theo giá thị trường tại thời điểm.
Chuẩn bị cho vựa trái cây cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay, ngoài các loại cây ăn trái quen thuộc như chôm chôm, sầu riêng... gia đình ông Huỳnh Sum, ngụ thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) đã tạo nắn thành công trái bưởi hồ lô.