Chấp Nhận Bán Lỗ, Cá Tra Vẫn Khó Tiêu Thụ
Ông Lê Thanh Dung, Chủ nhiệm HTX cá tra Hoà Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, giá cá tra thương phẩm tại ao trong mấy ngày qua được các doanh nghiệp thu mua với giá thấp hơn 500-1.000 đồng/kg so với tuần trước. Hơn nữa, tình hình tiêu thụ cá tra rất chậm khiến nông dân nuôi cá lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn, dù chấp nhận bán lỗ, vẫn khó tiêu thụ.
Hiện giá cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu loại I (thịt trắng, trọng lượng đạt 700-800 gram/con) được các doanh nghiệp thu mua với giá 19.500-20.000 đồng/kg, cá tra thịt vàng có giá 18.500 - 19.500 đồng/kg (tùy mức độ vàng của thịt cá), cá tra có trọng lượng trên 800 gram/con có giá 18.000-19.000 đồng/kg (tùy loại).
Theo ông Dung, khi cá tra khan hàng, sốt giá thì cá nào cũng được doanh nghiệp thu mua với một mức giá ngang nhau. Tuy nhiên, đến khi cá rẻ, khó tiêu thụ thì cá được phân chia ra làm cá thịt trắng, thịt vàng, thịt hồng, rồi phân cỡ trọng lượng… với nhiều mức giá khác nhau khiến nông dân đã khổ lại càng khổ.
Tính toán của nhiều nông dân nuôi cá tra, những tháng đầu năm nay giá thức ăn cá tra tương đối ổn định nên giá thành sản xuất cá tra hiện nay vẫn nằm ở mức 22.000-23.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do giá cá tra nguyên liệu hiện nay quá thấp nên nếu thu hoạch cá tra vào thời điểm này người nuôi cá tra phải lỗ tới 3.000-4.000 đồng/kg cá. Với năng suất nuôi cá tra bình quân khoảng 300 tấn/héc ta, tính ra mỗi hecta ao nuôi cá nông dân lỗ trên dưới 1 tỉ đồng.
Hiện nay, việc tiêu thụ cá tra cũng gặp hết sức khó khăn cho dù nông dân chấp nhận bán cá với giá bị lỗ nặng. Ông Lê Thanh Dung cho biết, ở khu vực này còn 2-3 ao cá tra quá lứa (cỡ 0,9-1kg/con) với sản lượng khoảng 400-500 tấn cá chưa bán được. Trước đây, chủ các ao cá này đã liên hệ với doanh nghiệp chế biến để bán cá thì được yêu cầu giảm số lần cho ăn mỗi tuần 2 lần để chờ bắt cá. Sau đó, doanh nghiệp lấy mẫu cá về kiểm tra nhưng cho rằng cá không đạt chất nên không bắt cá dẫn đến cá quá lứa.
Dù giá cá tra hiện nay quá rẻ, nếu bán sẽ lỗ nặng nhưng nông dân nuôi cá tra tới cỡ thu hoạch vẫn muốn nhanh chóng bán cá để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng. Bởi nếu tiếp tục nuôi cầm chừng thì giá thành sản xuất sẽ tiếp tục đội lên do phải mua thức ăn cá hàng ngày để duy trì đàn cá, rồi phải chịu lãi suất ngân hàng, giá cá rớt do quá lứa…
Tuy nhiên, việc tiêu thụ cá tra hiện nay vẫn vô cùng khó khăn khiến nông dân nuôi cá điêu đứng.
Số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, diện tích cá tra thả nuôi từ đầu năm 2013 đến nay là 59,5 héc ta; sản lượng thu hoạch là 17.943 tấn. Hiện diện tích cá tra đang nuôi trên toàn tỉnh là 90,4 héc ta.
Cá điêu hồng nuôi bè sốt giá, khan hàng
Hiện nay, cá điêu hồng được các thương lái tới tận làng bè thu mua với giá cao “kỷ lục” tới 44.000 đồng/kg, cao hơn 1.000-2.000 đồng/kg so với tuần trước. Với mức giá này, nông dân nuôi cá bè có thể lãi từ 55-70 triệu đồng/bè. Đây là mức lợi nhuận “mơ ước” của người nuôi cá điều hồng lồng bè nhưng hiện tại cá điêu hồng tới cỡ thu hoạch rất khan hiếm.
Ông Phan Thế Nhân, nông dân có 5 bè nuôi cá điêu hồng ở xã Thới Sơn, Tp Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, gần một tuần nay cá điêu hồng được các thương lái tìm đến tận bè thu mua với giá 44.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với mức 25.000 đồng/kg vào thời điểm cá điêu hồng bị “nghi” nhiễm chất độc hại năm ngoái
Hiện nay, giá thành sản xuất một kí lô gam cá gồm chi phí con giống, thức ăn, thuốc thú y, nhân công… nuôi trong 6 tháng bình quân khoảng 30.000 đồng/kg, năng suất bình quân mỗi bè 100m3 là 4-5 tấn cá nên sau khi trừ mọi chi phí sản xuất nông dân còn lãi khoảng 14.000 đồng/kg cá, tương đương lãi từ 55-70 triệu đồng/bè.
Có thể bạn quan tâm
Có địa hình trải dọc theo sông Chu, nhiều diện tích đất bãi phù hợp với cây ngô, trước đây bà con thường tận dụng để chăn nuôi trâu, bò theo kiểu truyền thống, phục vụ cày kéo.
Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều loài trái cây có thể xếp vào hàng đặc sản như: nhãn xuồng, mãng cầu ta, quýt đường, bưởi da xanh, thanh long… nhưng do thiếu vùng chuyên canh, chưa có hệ thống tiêu thụ hoàn chỉnh và quảng bá thương hiệu kém nên sức cạnh tranh trên thị trường rất yếu ớt.
Năm 2013, về cơ bản đã kiểm soát được dịch cúm gia cầm; vaccine cúm gia cầm hỗ trợ của Nhà nước chỉ sử dụng khoảng 2 triệu liều, còn tồn 38 triệu liều và đang làm thủ tục chuyển sang năm 2014.
Hồng giòn là một trong rất ít đặc sản chính của Đà Lạt được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận, tìm mua như một món quà không thể thiếu khi đặt chân tới miền đất này. Thế nhưng, loại đặc sản ấy ngày nay vẫn phải chịu cảnh “đứng đường”.
Ông Nguyễn Tiến Bảy, thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai (Gia Bình - Bắc Ninh) mới đưa chim trĩ đỏ vào chăn nuôi. Qua thời gian thử nghiệm đã cho hiệu quả, mở hướng phát triển kinh tế cho gia đình ông và nhiều người dân trong vùng.