Chanh Trĩu Quả Trên Đất Đồi Ở Quảng Ngãi

Giữa bốn bề keo lai, đồi chanh trĩu quả của ông Đàm Đại ở thôn Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức - Quảng Ngãi) trở nên nổi bật. Nhờ vào gần 1ha chanh này mà ông Đại thu về hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Ươm mầm trên vùng đất khó
Đồi chanh chỉ cách nhà ông Đàm Đại chưa đầy 2 km, nhưng gần một giờ đồng hồ vượt qua nhiều đoạn dốc núi, chúng tôi mới đến được tận nơi. Bất chấp đá tảng khô khốc nằm rải rác khắp ngọn đồi, những cây chanh của ông Đại vẫn tươi tốt và sum suê quả.
Vừa thoăn thoắt thu hoạch những chùm chanh mọng nước, ông Đại hồ hởi chia sẻ: “Vùng đồi này toàn đá nên trước đây tôi chỉ dùng để chăn thả bò. Giờ chuyển sang trồng chanh, tôi phải dùng đường ống để dẫn nước tận hố Ông Nhiều - hố nước tít trên núi cao về tưới cho cây”.
Từ lúc trồng vài chục cây thử nghiệm cho đến khi quyết định trồng đại trà, ông Đại phải mất đến 5 năm. Không đắn đo làm sao được, bởi lẻ để cây trồng sống được trên mảnh đất toàn sỏi đá, đâu phải là chuyện giản đơn. Nhiều cây đang xanh tốt, bất chợt chết khô vì rễ đụng phải đá.
Rồi khi cây chanh chưa cao qua đầu người, ông Đại lại như đứng trên đống lửa, khi mà giống rầy cánh trắng từ các đồi keo lai lân cận theo gió ùa về đồi chanh nhà ông. Cây chanh gặp phải giống rầy này, ngay lập tức sẽ bị đốm lá và đen quả. Thế nên ngày nào ông Đại cũng phải lên đồi trông nom để kịp thời ngăn chặn. Chưa vượt qua được họa rầy cánh trắng, thì đến giống sâu đục thân cứ nhằm gốc chanh mà khoét khiến nhiều đợt ông Đại phải “ăn, ngủ” cùng đồi chanh.
Vất vả là thế, nên ngày trồng thành công hơn 600 cây chanh trên mảnh đất đồi rộng 1ha, ông Đại như vỡ òa trong hạnh phúc. Bởi, để một cây chanh sống được trên đất cằn, ông đã phải đổ vào đó không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức…
Đồi chanh bạc triệu
Không phụ công chăm sóc của người nông dân cần cù đã ngoài 60, sau 3 năm trồng đại trà, đến nay đồi chanh của ông Đại đã bước vào thời kỳ cho thu hoạch. Năm vừa qua, chỉ với hơn 600 gốc chanh nhưng ông Đại thu về đến 22 tấn chanh thương phẩm. Chanh được mùa, lại gặp đợt giá cao (có những thời điểm lên đến 28 nghìn đồng/kg), nên ông Đại bỏ túi hơn 150 triệu đồng.
Theo ông Đại, trên đất gò đồi, trồng chanh đạt hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với các cây trồng khác. Bởi giống cây này cho quả quanh năm và phải trên 20 năm thì cây mới bị cỗi. Hơn nữa, quả chanh lại tươi lâu nên không bị hư hao nhiều. Chỉ mất công chăm sóc trong thời gian đầu, đến nay khi chanh đã đến giai đoạn trưởng thành, ông Đại chỉ cần chăm chỉ bón phân vào trước mỗi đợt cây ra hoa và sau khi ra quả để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây.
Vì không được hái chanh vào buổi sáng bởi vỏ chanh đang mọng nước sẽ khiến quả bị bầm, nên từ 12 giờ trưa trở đi, hầu như ngày nào ông Đại cũng quần quật ngoài đồi để thu hoạch chanh, chứ chẳng mấy khi ở nhà. Gặp thời tiết thuận lợi, có ngày ông thu đến gần cả tấn chanh nên phải thuê từ 4 - 5 nhân công mới hái xuể. Đồi chanh rộng 1 ha của ông Đại, cây ít nhất cho 50 kg quả/năm, cây nhiều thì cho từ 70 - 80 kg quả/năm.
“So với thu nhập ở nông thôn, mô hình trồng chanh trên đất gò đồi của ông Đàm Đại mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Vì thế, địa phương đang tiến hành nhân rộng cho các hộ nông dân khác để giúp người dân thoát nghèo bền vững”, ông Đoàn Huy Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Phú cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Suốt 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá mú, anh Hưởng tự tin khẳng định mình chưa lần nào bị thất bại. Nhờ nuôi cá mú, mỗi năm gia đình anh Hưởng có thu nhập

Áp dụng cách nuôi này giảm đáng kể quy mô diện tích, dễ kiểm soát dịch bệnh, ngược lại tăng vượt trội mật độ thả nuôi.

Nông dân Võ Tuấn Tú thực hiện thành công mô hình nuôi cá chình (y học gọi là mạn lệ ngư), đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Lê Đình Hải với mô hình nuôi tôm mới của mình, mỗi năm mang lại nguồn thu trên dưới 1 tỷ đồng.

Khởi nghiệp bằng đàn 50 con vịt đẻ, anh Nguyễn Văn Đường (Thái Nguyên) không thể tin rằng 20 năm sau đã có cơ ngơi hàng chục tỷ đồng.