Trồng Trọt Dưới Tán Rừng
Nhiều năm qua, ông Lê Văn Đổng (khóm An Định B, thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang) trồng thử nghiệm các loại ngải xen vườn xoài ở vồ Đá Bạc và thành công với mô hình “nông – lâm kết hợp” trên đỉnh núi Dài lớn. Kết quả mang lại nguồn lợi đáng kể, nâng cao thu nhập gia đình, vừa tạo ra cách làm ăn mới, vừa bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Ông Lê Văn Đổng giới thiệu ngải trồng dưới tán rừng
Với 50 công vườn đồi ở vồ Đá Bạc (núi Dài lớn), ông Đổng trồng xoài bưởi chiếm hơn 2/3 diện tích, cây giống do Chi cục Kiểm lâm An Giang cung cấp theo chương trình trồng rừng phòng hộ đồi núi.
“Thực hiện Dự án 661, người ta đã lên thiết kế trồng cây theo từng khu vực, đâu phải nơi nào cũng trồng toàn cây rừng, mà có cả xen canh cây ăn trái và cây bản địa” – ông Đổng tỏ ra hiểu biết.
Theo thuật ngữ chuyên ngành, là “kỹ thuật trồng cây hỗn giao” hay còn gọi “phương pháp trồng cây xen canh”, giúp các chủ rừng “lấy ngắn nuôi dài” để gắn bó với rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
“Hồi đó, Kiểm lâm cung cấp giống xoài bưởi để trồng xen vườn đồi, vườn rừng thì ít người chịu nhận. Phần lớn họ đắn đo, sợ không hiệu quả, tốn công chăm sóc” – ông Đổng nói.
Đến khi giống xoài ghép cho trái, cư dân vùng núi không khỏi ngỡ ngàng, bắt đầu chú ý theo dõi.
Hướng dẫn leo núi Dài lớn, đi thăm miếng vườn đồi của mình, ông Lê Văn Đổng khoe, gia đình vừa thu hoạch trên 1.000kg xoài sớm, bán được khoảng 10.000 đồng/kg.
“Từ nay đến Tết, cây xoài vẫn tiếp tục ra hoa và cho trái liên tục, hết đợt này tới đợt khác. Bây giờ, xoài núi cho trái quanh năm, gần như không có thời gian nghỉ” – ông Đổng lý giải.
Nguyên nhân chính là khi kích thích ra hoa, kết trái, phòng trừ sâu bệnh thường xuyên thì khả năng cây xoài phát triển mạnh, đậu trái tốt và thu hoạch nhanh, chu kỳ khoảng cách thời vụ không xa.
Đối với giống xoài bưởi, xử lý từng đợt ít tốn tiền hơn so với xoài bản địa và xoài cát Hòa Lộc, do tính thích nghi thời tiết khô hạn và khả năng chống chọi sâu bệnh tốt, năng suất rất khả quan.
Vườn của ông Đổng không chỉ trồng xen xoài, mà còn tận dụng mặt đất đồi, hộc đá để trồng thêm các loại ngải, thuộc nhóm dược liệu quý hiếm đang được các nhà chuyên môn và doanh nghiệp nhắm tới.
Ngải trồng dưới tán rừng, ông xem như cây phụ trợ và nông – lâm kết hợp, sưu tập gầy giống ban đầu và dần dà nhân rộng khắp miếng vườn.
Mục đích chủ yếu là khai thác tiềm năng đất núi để gia tăng sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập, lấy công làm lời.
Ông Đổng cho biết, vườn của ông hiện có khoảng 15 loại ngải, phân bổ đều khắp diện tích 50 công đất đồi núi.
“Hễ chỗ nào trống, tui đưa ngải xuống, mùa mưa kết thúc thì đào lên bán. Giá cả thấp, cứ việc bỏ đại, ngải càng già thì củ càng chất lượng. Giống ngải tốt, hổng sợ ế” – ông tự tin.
Đối với cư dân trong khu vực, nếu có nhu cầu sử dụng ngải để làm thuốc, ông cũng sẵn sàng cho không. Khoảng 2 – 3 mùa gần đây, ông Lê Văn Đổng còn thành công khi trồng nghệ xà cừ - một loại củ dùng chế biến dược liệu, đạt năng suất trên 1.000 kg/công, giá bán trên 10.000 đồng/kg.
Ông là thành viên của Tổ hợp tác trồng nghệ xà cừ ở khu rừng Thalot (núi Cấm, xã An Hảo, Tịnh Biên), người lập vườn đồi, vườn rừng có hiệu quả kinh tế nhất ở khu vực núi Dài và núi Cấm.
“Đảm bảo cây xoài phát triển lâu dài, tui thường sử dụng phân hữu cơ bón gốc, coi như các loại khác cũng cộng hưởng. Cuối mùa mưa, tiến hành phát hoang bụi rậm, dây leo… cho mặt đất luôn giữ độ ẩm. Như vậy, mang lợi ích luôn cả việc phòng, chống cháy rừng mùa khô” – ông Lê Văn Đổng chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Cá chết hàng loạt tại các sông, hồ trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây khiến cho nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Vì thế, để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cần một kế hoạch quy mô, tầm nhìn dài hạn.
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Ninô nên cuối năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 nắng nóng gay gắt trên diện rộng khiến cây trồng, vật nuôi đối mặt với hạn hán. Tuy nhiên, nỗi lo này đã được giải tỏa nhờ những cơn mưa “vàng” vừa qua…
Bước vào vụ hè thu năm nay, tình hình khô hạn tiếp tục diễn ra gay gắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng hạn gây ra và đạt hiệu quả sản xuất cao nhất.
Theo các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, liên tục trong vòng 05 năm qua, giá dừa khô tăng giảm rất bất thường. Thời điểm cao nhất gần 160.000 đồng/chục và thấp nhất “rớt” xuống còn 15.000 - 20.000 đồng/chục.
Tuần đầu, vải thiều Việt Nam có giá 21 - 22 AUD/kg, sau đó đã giảm xuống 15 - 16 AUD/kg.