Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chăn Nuôi Vĩnh Phúc Gặp Khó

Chăn Nuôi Vĩnh Phúc Gặp Khó
Ngày đăng: 16/06/2013

Nằm ngoài vùng dịch bệnh, không có tình trạng gia cầm nhập lậu tại địa phương, nhưng người chăn nuôi ở Vĩnh Phúc vẫn đang phải đối mặt với tình trạng càng nuôi càng lỗ nặng.

Nuôi nhiều, lỗ nhiều

Là một chủ trang trại chăn nuôi lợn lớn ở xã Nguyệt Đức (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), có nhiều năm kinh nghiệm, anh Hoàng Quang Lộc - Chủ nhiệm Hợp tác xã Hồng Long tỏ ra khá bất ngờ với việc giá thịt lợn giảm sâu và kéo dài. Theo kinh nghiệm của anh Lộc, thời điểm nghỉ hè của học sinh, cùng với lịch sản xuất vụ mùa sẽ là thời điểm giá thịt lợn giảm sâu. Tuy nhiên, ngay từ sau Tết Nguyên đán, giá thịt lợn hơi trên thị trường đã giảm từ 45 - 46 nghìn đồng/kg xuống còn 40 - 41 nghìn đồng/kg, có thời điểm giá chỉ còn từ 32 - 38 nghìn đồng/kg. Hơn một năm qua, người nuôi lợn vẫn “ngập sâu” trong cơn giá thấp, chỉ có chút lãi trong tháng Tết, còn lại là hòa hoặc cầm chắc lỗ.

Xã Nguyệt Đức là xã có số hộ chăn nuôi nhiều nhất của huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) với hơn 700 con lợn nái. Theo ông Nguyễn Văn Trường – cán bộ thú y xã Nguyệt Đức tính toán, để ra một con lợn thịt xuất chuồng đạt trọng lượng từ 90 đến 100kg, người dân phải bỏ ra 1,5 triệu đồng tiền giống, 2,4 triệu đồng tiền cám, sau hơn ba tháng chăn nuôi, cùng với tiêm các loại thuốc vắc-xin, tổng cộng khoảng 3,9 triệu đồng. Với giá thành hiện nay, người dân đang lỗ từ 100 đến 300 nghìn đồng. Trong khi đó, để tính ra giá thành sản phẩm trong chăn nuôi phải bao gồm 13 khoản mục nhưng người dân hiện vẫn chỉ cộng dồn những chi phí đầu vào như: giống, thức ăn, thuốc mà chưa tính đến những chi phí khác như: khấu hao chuồng trại, công lao động, điện… Điều này đã khiến người dân đã thiệt thòi càng thiệt thòi hơn khi giá giảm mạnh như hiện nay.

Tương tự, đối với giá sản phẩm thịt gà, vào thời điểm này người nông dân bán tại chuồng với mức giá 22 đến 23 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi phải đang chịu lỗ khoảng 10.000 đồng/kg. Sau gần sáu năm mở rộng quy mô xây dựng trang trại lớn, ông Phùng Văn Sơn, thôn 6, xã Hướng Đạo (Tam Dương, Vĩnh Phúc) không thể ngờ giá gà giảm mạnh như hiện nay. Với khoảng 5.000 con hiện nay, ông Sơn nhẩm tính, mỗi ngày gia đình đang lỗ 2,5 triệu đồng. Nếu tình hình còn kéo dài, ông phải dừng lại không dám đầu tư, tiến tới giảm đàn đang nuôi xuống còn 3.000 con.

“Vẫn biết thông tin dịch bệnh sẽ lảm ảnh hưởng tới nhiều trang trại nhưng chưa năm nào nặng nề như năm nay. Thông tin về dịch cúm A (H5N1) và A (H7N9) trong những ngày qua đã khiến người tiêu dùng e ngại khi tiêu thụ thịt gà”, ông Sơn nói.

Giải pháp cứu ngành chăn nuôi

Tình trạng dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm xảy ra ở nhiều địa phương khiến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm chăn nuôi, chủ yếu là thịt gà và thịt lợn. Nắm bắt được tình hình này, thương lái đã lợi dụng thông tin để mạnh tay ép giá. Cùng với đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, khiến cho chi phí đầu vào tăng lên quá cao. Theo ước tính, để tạo ra giá thành sản phẩm chăn nuôi, giá thức ăn chiếm tới 75%. Một năm trở lại đây, giá thức ăn đã tăng từ 20 - 30%. Điển hình như năm 2012, bao cám loại 25kg có giá 270.000 đồng/bao, thì nay là 300.000 đồng/bao.

Theo anh Lê Quang Chung, Phòng Nông nghiệp huyện Tam Dương cho biết, bên cạnh sự bất thường về giá, hiện nay cung cầu đối với sản phẩm chăn nuôi có nhiều bất hợp lý, người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao, còn người chăn nuôi thì phải chịu lỗ.

Anh Chung lý giải: “Để đến người tiêu dùng, đường đi của một con lợn, con gà từ khi xuất chuồng có quá nhiều khâu trung gian. Sau khi xuất chuồng, sản phẩm được thương lái mua, đến lò mổ, vận chuyển, kiểm dịch, chợ đầu mối, sau đó tỏa đi khắp hệ thống siêu thị, chợ rồi mới đến người tiêu dùng”.

Huyện Tam Dương có quy mô tổng đàn, trang trại, hộ chăn nuôi nhiều nhất Vĩnh Phúc, tuy vậy hiện vẫn chưa có một khu vực chợ đầu mối, cũng như một đơn vị nào thu mua sản phẩm, tất cả đều phụ thuộc vào việc mua bán tự do của người dân và thương lái.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Như Ý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc cho biết: Để có thể tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi lâu dài cần phải thực hiện đồng bộ về cách thức tổ chức sản xuất, trong đó cần phải có đột phá từ khâu giống.

Hiện nay, việc lai tạo giống trong chăn nuôi chủ yếu do người dân tự thực hiện, chính điều này đã không tạo ra ưu thế lai cho vật nuôi, khiến tiêu tốn thêm thức ăn, ảnh hưởng tới tăng trọng vật nuôi. Vì vậy, cần phải xây dựng được bộ giống tốt cho vật nuôi sẽ góp phần làm giảm bớt những chi phí đầu vào cho sản phẩm.

Theo kết quả thống kê cho thấy, hiện Vĩnh Phúc có hơn 85.000 hộ nuôi lợn, trong đó chỉ có 686 hộ có hơn 20 con lợn nái trở lên có khả năng xây dựng được mô hình lai tạo giống theo chuẩn quy định. Chính vì nhỏ lẻ, manh mún, nhiều người chăn nuôi vẫn chưa ý thức cao trong việc phòng ngừa dịch bệnh, áp dụng những tiến bộ của khoa học về con giống.

Trước tình hình hiện nay, để giải quyết được vấn trước mắt và bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc đang xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013-2020 trong đó tập trung mạnh vào vấn đề xử lý chất thải trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh để nhằm giảm thiểu thấp nhất rủi ro cho người dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng mô hình tổ, nhóm liên kết các hộ chăn nuôi nhằm xây dựng chuỗi sản xuất cung cấp sản phẩm an toàn.

Từ việc cùng chủng loại, cùng nhóm thức ăn của các hộ chăn nuôi, tỉnh sẽ có điều kiện tập trung hỗ trợ máy móc, tập huấn công thức để người dân tự trộn thức ăn. Việc xây dựng mô hình liên kết như vậy, sẽ kiểm soát được nguồn thức ăn, phòng chống dịch bệnh được bảo đảm. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ liên kết với nơi tiêu thụ, từ giết mổ cho đến hệ thống siêu thị. Trước mắt sẽ xây dựng mô hình ở ba nhóm sản phẩm: thịt lợn, thịt gà và trứng gà. Nếu gắn kết được các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi, không chỉ góp phần làm tăng giá trị sản phẩm mà còn làm giảm sự chênh lệch giá từ trang trại đến người tiêu dùng, ổn định thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Dưa hấu ế vì thông tin thị trường mù mờ! Dưa hấu ế vì thông tin thị trường mù mờ!

Thông tin trong thời đại hiện nay không thể nói là khan hiếm và khó cập nhật. Nhưng sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản đều có tính thời vụ nhiều nên việc cập nhập không kịp thời khiến người sản xuất không nắm được tín hiệu của thị trường để chủ động điều tiết. Doanh nghiệp được trông đợi là người chắp mối giữa thị trường và sản xuất.

21/04/2015
Mô hình vườn dừa xiêm xanh hiệu quả Mô hình vườn dừa xiêm xanh hiệu quả

Xã Long Thới có diện tích trồng dừa lớn nhất huyện Chợ Lách (Bến Tre), với 257ha trồng dừa, chiếm khoảng 25%. Cây dừa gắn bó với nông dân ở đây khá lâu, hầu hết đều có độ tuổi vài chục năm.

21/04/2015
Hưng Yên triển vọng mới từ mô hình trồng rau thủy canh Hưng Yên triển vọng mới từ mô hình trồng rau thủy canh

Biết anh Nguyễn Hoàng Tùng xã Đình Dù (Văn Lâm - Hưng Yên) qua một cuộc hội thảo của ngành nông nghiệp. Chúng tôi bị lôi cuốn bởi niềm đam mê trồng rau thủy canh của anh.

21/04/2015
Trao “cần câu” cho nông dân Trao “cần câu” cho nông dân

Thời gian qua, Hội Nông dân xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) luôn chú trọng tập huấn kỹ thuật trồng rau và chuyển giao công nghệ mới cho người dân. Nhờ vậy, nhiều người dân trong xã ngày càng có thu nhập cao, đời sống ổn định.

21/04/2015
Kinh nghiệm thâm canh cây mì phát triển bền vững Kinh nghiệm thâm canh cây mì phát triển bền vững

Để trồng thâm canh theo hướng bền vững thì người trồng cần có chế độ canh tác hợp lý. Cây mì nếu trồng liên tiếp nhiều vụ mà không có biện pháp cải tạo đất thì đất sẽ bạc màu, khô cằn, chứa nhiều nấm, bệnh gây hại.

21/04/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.