Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chăn Nuôi Ứng Dụng Công Nghệ Cao Hiệu Quả Ổn Định, Thân Thiện Môi Trường

Chăn Nuôi Ứng Dụng Công Nghệ Cao Hiệu Quả Ổn Định, Thân Thiện Môi Trường
Ngày đăng: 17/06/2014

Ngoài việc phải bảo đảm điều kiện cách xa khu dân cư, quy trình chăn nuôi khép kín, mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao còn được chính quyền địa phương ủng hộ nhờ hiệu quả ổn định nên bà con nông dân xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) rất an tâm đầu tư thực hiện mô hình này.

Quy trình “Dùng cũi đậu nấu đậu”

Để vào tham quan bên trong khu vực chăn nuôi khách phải tuân thủ các điều kiện vệ sinh vô trùng của trang trại như phải tắm trước bằng xà bông, mặc đồng phục, đeo khẩu trang, ủng do trang trại trang bị và phải đi qua bồn khử khuẩn trước khi vào khu vực lạnh.

Bước qua cánh cổng kéo trong suốt bằng ni lông chúng tôi không khỏi bất ngờ vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa môi trường tự nhiên bên ngoài và bên trong chuồng chăn nuôi. Khoảng cách từ đầu đến cuối dãy chuồng khoảng 200m, chiều ngang trên 10m, sau cùng là hệ thống quạt hút công suất lớn tạo thành những làn gió mát lạnh thổi từ đầu đến cuối chuồng. Bên trong chuồng có nhiều ô, mỗi ô thả từ 150 -200 con heo với hệ thống máng ăn, nước uống hoàn toàn tự động nhằm bảo đảm vệ sinh và quan trọng hơn là không làm đổ tháo, lãng phí thức ăn, nước uống.

Ông Nguyễn Văn Phúc, chủ trại nuôi heo ở ấp Ông Thanh, xã Cây Trường, cho biết vào những ngày nắng nóng cả nhà ông thường kéo vào chuồng heo làm việc vì trong này rất mát, sạch sẽ và có điều kiện theo dõi sinh hoạt của đàn heo để hiểu biết thêm về đặc điểm sinh hoạt, sở thích, sức khỏe của chúng.

Ông Phúc cho biết thêm, toàn bộ khu vực này do Công ty CP thiết kế phù hợp với không gian môi trường tại đây, bảo đảm các điều kiện không rò rỉ, khép kín. Tất cả nước rửa chuồng, chất thải được thu hồi vào hệ thống ống dẫn ra hầm biogas.

Gas được thu hồi đưa về bồn thu cung cấp cho máy phát điện để vận hành hệ thống cấp nước, đèn chiếu sáng và cả hệ thống làm lạnh theo quy trình dân gian thường nói là “dùng cũi đậu nấu đậu làm tương” để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Hiệu quả ổn định

Sau chu kỳ nuôi 5 tháng với phí gia công 300 đồng/kg heo hơi, sau khi trừ các chi phí, khấu hao chuồng trại, lãi trên vốn đầu tư của gia đình ông Nguyễn Văn Phúc còn khoảng 200 triệu đồng. “Trước đây gia đình chăn nuôi tự phát hiệu quả không cao vì thất thoát lớn, dễ xảy ra dịch bệnh, lại gây ô nhiễm môi trường.

Bây giờ được tập huấn kỹ thuật, được trang bị kiến thức cơ bản, trong quá trình nuôi luôn có bác sĩ thú y, cán bộ kỹ thuật theo sát hướng dẫn nên rất an tâm. Vốn đầu tư cho một trại diện tích khoảng 2.000m2 là 2 tỷ đồng nhưng cho lãi từ 400 - 500 triệu đồng/năm. Tính ra hiệu quả rất cao so với 5 ha cao su gia đình đang thu hoạch hiện nay”, ông Phúc chia sẻ.

Hiện toàn xã Cây Trường có trên 30 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao hoạt động khá hiệu quả. Nhờ chủ trương xây dựng nông thôn mới bà con nông dân được tham gia học tập, lựa chọn các mô hình đầu tư phù hợp. Địa phương cũng rất ủng hộ, hỗ trợ bà con trong các khâu thủ tục vì xã được quy hoạch là vùng chăn nuôi tập trung. Điều quan trọng là các trại nuôi heo nằm cách xa khu dân cư, thường là trong rẫy cao su để vừa triệt tiêu mùi đặc trưng, tiếng ồn, vừa tận dụng nước từ hầm biogas để tưới cây trong mùa khô.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cây Trường Bùi Đức Trung, qua 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xã đã cử 28 cán bộ, công chức cùng 70 nông dân trong xã tham gia các lớp tập huấn do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, huyện tổ chức; đồng thời phối hợp tổ chức 23 lớp chuyển giao công nghệ với gần 990 người tham gia và mở 9 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ lao động ở xã đã qua đào tạo đạt trên 41%.

Đặc biệt là các mô hình sản xuất mới ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã cho hiệu quả ổn định, phát huy được tiềm năng, thế mạnh sẵn có trong nông dân nên rất được bà con đồng tình hưởng ứng thực hiện, qua đó góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn.


Có thể bạn quan tâm

Giá cam sành giảm mạnh Giá cam sành giảm mạnh

Trong tuần qua, giá cam sành tại thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang bất ngờ giảm mạnh với mức giảm trên 14.000 đồng/kg. Nếu như vào thời điểm cuối tháng 7, giá cam sành trên thị trường vẫn giữ ở mức 28.000 - 29.000 đồng/kg, nhưng hiện tại chỉ còn 14.000 - 18.000 đồng/kg.

12/08/2015
Chuyện thường gặp trước khi vào vụ ép mía Chuyện thường gặp trước khi vào vụ ép mía

Chưa tới một tháng rưỡi nữa thì nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ bước vào vụ thu hoạch mía chính vụ của niên vụ mía 2015 - 2016. Hiện nay, bên cạnh việc triển khai những giải pháp để chuẩn bị cho mùa vụ mới thì vấn đề đang gây tranh cãi và cứ lặp đi lặp lại trước khi vào vụ ép mía hàng năm là việc chưa thống nhất về thời gian vào vụ và giá thu mua mía của các nhà máy đường.

12/08/2015
Thông tin thất thiệt làm khổ nông dân Thông tin thất thiệt làm khổ nông dân

Thời gian gần đây, xuất hiện thông tin một số vùng rau của Hà Nội, nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cực độc để phun cho rau. Ngành nông nghiệp Hà Nội đã tiến hành rà soát lại các vùng RAT trên địa bàn cho thấy, đây là thông tin mang tính quy chụp, gây hoang mang dư luận...

12/08/2015
Ứng dụng quy trình thâm canh cây cà phê kết hợp tưới tiết kiệm nước Ứng dụng quy trình thâm canh cây cà phê kết hợp tưới tiết kiệm nước

Trong 2 năm (từ 2015 đến 2017), Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa sẽ triển khai đề tài “Ứng dụng quy trình thâm canh cây cà phê kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm phù hợp với điều kiện canh tác huyện Khánh Sơn".

12/08/2015
Triển vọng mới cho cây ngô Triển vọng mới cho cây ngô

Mặc dù là nước nông nghiệp, song mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó có khoảng trên 5 triệu tấn ngô. Do đó việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngô nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào ngô nhập khẩu đang được ngành nông nghiệp kỳ vọng lớn.

12/08/2015