Chăn Nuôi Lãi Như Múc Nước
Do tình hình thực phẩm khan hiếm, giá cả leo thang nên chưa bao giờ, người chăn nuôi lại có lãi như hiện nay. Có ông chủ trang trại còn sướng rân khoe: Chỉ một năm trúng miếng như năm nay, đã bằng cả chục năm ngụp lặn với nghiệp trang trại.
Một năm bằng cả chục năm
Theo dõi ngành chăn nuôi và tiếp xúc với nhiều người chăn nuôi, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của những ông chủ trang trại mà nhiều năm qua, gần như lúc nào họ cũng phải méo mó, cáu bẳn vì dịch bệnh, vì giá cả trồi sụt liên miên.
Đến các vùng chăn nuôi của huyện Văn Giang (Hưng Yên) lúc này chỉ còn lại một vài địa phương là còn giữ lại được đàn gia súc, gia cầm với số lượng đáng kể, trong đó Nghĩa Trụ là xã vẫn giữ được đàn gia cầm tương đối kha khá. Tới UBND xã, vừa nghe tới chuyện gà vịt, vị Phó Chủ tịch UBND xã này đã khoe ngay: “Năm nay anh nào còn giữ được lợn, vịt, gà thì thắng to! Thằng cháu tôi còn giữ lại được hơn một nghìn gà đẻ, nhưng nghe nó bảo chỉ 3 tháng gần đây đã ẵm hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Đó là nó chưa nói thật, chứ thực tế còn lãi khủng khiếp”.
Tôi xuống khu chăn nuôi tập trung của xã Nghĩa Trụ tại thôn 14, nằm tách biệt với các thôn đông dân cư khác qua một cánh đồng. Mặc dù bị dịch bệnh bao vây nhiều năm, nhưng vùng chăn nuôi tại đây hiện vẫn còn giữ được đàn thủy cầm (chủ yếu là vịt đẻ) khoảng hơn 2 vạn con, với trên 30 hộ dân có quy mô trên 500 con/hộ.
Gặp tôi, anh Trần Văn Giang, một chủ trang trại có hơn 1.500 vịt đẻ không giấu được sự sung sướng khoe ngay: Năm nào cũng được như năm nay thì sướng quá. Dịch dã bỗng nhiên yên ắng. Mà giá trứng thì không ngờ lại nhảy cao tót vót và duy trì ổn định như thế. Cuối năm 2010 mới chỉ 1.800 – 2.000 đ/quả, đến đầu năm 2011 bắt đầu tăng tới 2.400 đ/quả, rồi 3.000 đ/quả, và duy trì ổn định cho đến nay. Hiện tại, giá trứng 3.000 đ/quả, trời chưa sáng các chủ buôn đã tranh nhau đến tận chuồng nhặt trứng thay chủ, không dư quả nào. Năm ngoái, loại vịt đẻ “thải loại”, chủ buôn còn đến ỉ ôi với giá chỉ 40-50 nghìn đồng/kg. Còn bây giờ thì không cần phải cân kéo xem con to con bé thế nào nữa, chủ buôn “đánh hơi” được là đến tận chuồng mua “quạ” theo con với giá 90-100 nghìn/con.
“Tháng 5 và 6 vừa qua, nhờ tận dụng được mùa gặt cho vịt chạy đồng, mức lãi từ đàn vịt của tôi tăng vọt lên hơn 100 triệu đồng/tháng. Còn hiện tại vẫn duy trì ở mức 30 – 40 triệu đồng/tháng. Đây là mức lợi nhuận mà từ hồi vợ chồng tôi cơm đùm cơm nắm ra trang trại này từ năm 1992 đến nay, chưa bao giờ tôi dám mơ. Còn nói tầm 5 – 7 năm trở lại đây, thì năm nay gia đình tôi thu nhập bằng cả 5 – 7 năm đó cộng lại” – anh Giang tiết lộ.
Cái mà người chăn nuôi gia cầm ở Nghĩa Trụ hiện nay lo lắng nhất, là từ năm 2010 đến nay, vẫn chưa có vacxin H5N1 để tiêm phòng, và nguy cơ dịch bệnh bùng lên lúc nào không biết. Thứ hai là trước tình hình sốt giá, lượng người vào giống nuôi mới tăng vọt đã kéo theo tình trạng thị trường giống khan hiếm điên đảo. Hiện tại, giá vịt con sau nở tại thị trường Hưng Yên đã leo lên mức 13 – 14 nghìn đồng/con – tăng hơn gấp đôi thời điểm đầu năm 2011. Còn loại vịt đẻ bắt đầu thời kỳ khai thác trứng cũng tăng vọt lên mức 140 – 160 nghìn đồng/con (so với 60-70 nghìn đồng/con vào cuối năm 2010), và người chăn nuôi cũng rất khó tìm mua được giống để vào đàn mới.
Vùng "chăn nuôi chết" hồi sinh
Nếu như người nuôi gia cầm đầu tư bé và lãi bé, thì dân nuôi lợn từ đầu năm 2011 thắng đậm hơn cả. Tôi về lại xã Cẩm Hoàng (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) – nơi được mệnh danh là “vùng chết” của dịch lợn tai xanh quần đảo liên tục trong 3-4 năm gần đây. Cán bộ thú y xã này cho một vài thông tin khá sáng sủa về tình hình chăn nuôi ở đây, đó là đàn gia cầm trong xã đang bắt đầu tăng mạnh trở lại, ước tính từ đầu năm 2011 đến nay tăng mới khoảng 20 nghìn con, nâng tổng đàn gia cầm toàn xã lên gần 100 nghìn con. Trước việc chăn nuôi có giá, đã có nhiều hộ dân đầu tư mới dây chuyền nuôi gà đẻ khép kín, quy mô từ 10 – 20 nghìn con. Còn đàn lợn thì cũng đang dần dần hồi sinh sau nhiều năm dài bị dịch tai xanh vùi dập.
Tôi tìm đến trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Danh Tĩnh ở xã Cẩm Hoàng. Hơn một năm trước, có lẽ không ngoa khi người ta gọi anh là “thảm họa lợn tai xanh” của xã Cẩm Hoàng, bởi toàn bộ đàn lợn, cả lợn nái, lợn hậu bị, lợn thịt gần 100 con đều chết như ngả rạ, gia đình anh phải tự đào hố, thuê xe ôtô đưa đi tiêu hủy ròng rã hàng tuần. Chị Hiền, vợ anh Tĩnh đau xót quá đến độ, chôn hết lợn thì người cũng lăn ra ốm, phải nhập viện.
Gần như người chăn nuôi thời điểm này nuôi con gì cũng lãi sửng sốt. Một lái buôn chuyên mua ao cá trọn gói tại huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) cung cấp cho thị trường Hà Nội cho biết, giá cá trắm mua tại ao hiện đã lên tới 60 nghìn/kg, cá rô phi loại to 50 nghìn/kg…, đều tăng gấp đôi cuối năm 2010.
“Hôm kia tôi mới bắt một ao ở xã Cẩm Vũ, vị chủ ao ra giá 60 triệu, và đã sướng rân, đinh ninh như thế là đã lãi hơn 40 triệu – cao hơn gấp đôi năm ngoái. Thế nhưng tôi lại phải trả cho ông ấy tận 67 triệu. Cá mú đang sốt thế này, mua bán buộc phải thật như thế, không thì mất mối chú ạ” – vị này kể.
Sau đận ấy, cả gia đình chỉ còn lại vẻn vẹn một con lợn sề thoát chết, nhưng đến nỗi bị rụt cả hai tai vì bệnh. Nhờ có tiền hỗ trợ tiêu hủy nên cuối năm 2010, anh không nản chí và mua mới lợn giống để tái đàn. “Chị lợn nái”… rụt tai vì dịch cũng sinh thêm được hơn chục lợn con. Đến tháng 5/2011, gia đình anh Tĩnh mới bắt đầu có lứa lợn thịt xuất chuồng 10 con đầu tiên sau hơn một năm hết dịch. Rất may mắn là lứa xuất chuồng đúng vào dịp giá thịt lợn trên thị trường đang thượng đỉnh tới giá 69 nghìn đồng/kg hơi. Trừ chi phí gia đình cũng giắt túi được hơn 30 triệu đồng. Hiện tại, anh đang gây dựng 5 con lợn nái, và khoảng 40 lợn thịt, và tiếp tục tăng đàn trong thời gian tới.
Cái khó khăn nhất của các hộ chăn nuôi muốn tăng đàn, đó giá thịt lợn quá cao đã kéo theo lợn giống khan hiếm và giá đắt đỏ vô cùng. Hiện tại, giá lợn sữa từ 8- 10kg bán tại thị trường Hải Dương đã leo lên mức 1,4 – 1,5 triệu đồng/con, tăng gần 3 lần so với cuối năm 2010. Thị trường thịt lợn khan hiếm cũng đang hình thành một đội ngũ thương lái chuyên mua bán “trao tay” các loại lợn choai cỡ 30 – 45kg để kiếm lời.
Một thương lái tại xã Cẩm Hoàng chuyên đi “săn” lợn choai tiết lộ, nhiều hộ chăn nuôi muốn chớp thời cơ giá thịt lợn cao nên họ muốn mua ngay loại “lợn choai” cỡ 30 – 45kg để tập trung vỗ béo và bán thịt. Thế nhưng để mua được loại lợn choai này cũng không dễ. Nếu như giá “lợn choai” cỡ 30kg, thời điểm tháng 5 – tháng 6 năm 2011 mới chỉ khoảng 75 – 79 nghìn/kg, thì đến nay thị trường lợn choai “sốt” tới mức, trọng lượng lợn choai đã bị đẩy lên tới 40 – 45kg, và giá đã tăng tới 85 – 86 nghìn đồng/kg.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2013, thực hiện mô hình phát triển nuôi thủy sản mặn lợ, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã xây dựng mô hình nuôi cá chim vây vàng trong ao tại gia đình anh Hoàng Văn Tùng ở xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia.
Chỉ tính riêng nửa đầu năm nay, hơn 72.000 con bò Úc đã được nhập khẩu về Việt Nam. Con số này đã ngang bằng với lượng nhập khẩu của cả năm ngoái. Và dự báo đến hết năm, sẽ có tổng cộng khoảng 150.000 con bò Úc đổ bộ để phục vụ người tiêu dùng Việt.
Phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn (Cà Mau) đã hoàn thiện các thủ tục điều kiện đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể đối với thương hiệu cua Năm Căn.
Thời điểm này, khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn đang căng sức đối phó với “mùa đổ bộ của gia cầm lậu”. PV Báo NNVN đã thâm nhập các điểm nóng buôn lậu gia cầm nhức nhối nhất từ trước đến nay. Gia cầm lậu vẫn đổ bộ, tuy nhiên đã giảm so với trước đây.
Là đơn vị đi đầu phát triển nuôi giống cá tầm tại Việt Nam, sau một thời gian nỗ lực và tâm huyết, Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng hệ thống nuôi cá tầm chuẩn mực, khoa học với quy mô rộng khắp, đưa Việt Nam thành một quốc gia dẫn đầu về nuôi và sản xuất một loài cá quý hiếm đang đứng bên bờ tuyệt chủng.