Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Chưa An Tâm Về Cây Mía

Nông Dân Chưa An Tâm Về Cây Mía
Ngày đăng: 18/12/2014

Vụ thu hoạch mía năm 2014 - 2015 đã bắt đầu hơn một tháng nay. Theo phản ánh của nông dân nhiều nơi, việc thu hoạch mía năm nay có nhanh hơn so với các năm trước, tâm lý sợ mía khô, sợ mía cháy của bà con nông dân cũng giảm bớt. Có điều - cũng theo lời bà con nông dân, cây mía hiện nay không còn mang lại nhiều lợi nhuận như trước nên không tạo được sự an tâm để nông dân có thể tiếp tục gắn bó với cây mía.

Anh Nguyễn Thành Long - một nông dân ở xã Trà Vong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh có hợp đồng trồng mía với Nhà máy đường Bourbon cho biết, năm nay anh thấy mừng vì tốc độ thu hoạch mía không kéo dài như mọi năm. Đầu vụ nhà máy tập trung chặt mía sớm không chỉ riêng mía mùa ba mà cả mía mùa đầu. Có lẽ do mía ít hơn các năm trước và mía từ Campuchia hiện chưa về nhiều. “Mía chặt sớm mình cũng thấy đỡ lo hơn. Giá mía năm nay vẫn giữ như năm trước, nhà máy vẫn bao 8 chữ đường.

Tuy nhiên, giá hỗ trợ thì lại giảm”- anh Long băn khoăn nói. Theo giải thích, năm nay Nhà máy đường Bourbon chỉ hỗ trợ thêm (tiền công, tăng bo) 50.000 đồng/tấn mía (năm trước là 100.000 đồng) cho nông dân và lại không có nhiều mốc hỗ trợ như các năm trước. Đến đầu tháng 12, khoản hỗ trợ này chỉ còn 30.000 đồng/tấn. Anh Long nhận xét: “Với giá này, nếu mía từ 9 chữ đường trở lên thì nông dân mới có thể có lời nhưng rớt nữa thì khó cho bà con”.

Anh Long có gần 4 ha mía đất trồng chủ yếu là đất thuê. Với chi phí thuê đất khoảng 20 triệu đồng/ha/năm thì người trồng mía khó mà có lời. Theo lời anh: “Đất giờ không thể mướn rẻ hơn được nhưng doanh thu từ mía lại không cao nên có khả năng sang năm tôi không tiếp tục thuê đất để trồng mía nữa. Cả năm trời vất vả mà chỉ kiếm được khoảng chục triệu, thậm chí ít hơn trên 1 ha đất thì khó chấp nhận được”.

Anh Tống Hồng Thanh - cũng là một nông dân trồng mía tại xã Tân Phong, huyện Tân Biên chia sẻ điều không vui: năm nay lợi nhuận thu lại từ gần 6 ha mía vụ ba của anh không đáng là bao. Toàn bộ chi phí đầu tư, tiền thuê đất gần như ăn trọn hết khoản thu hoạch mía. Anh cũng bày tỏ sự băn khoăn về một điều mà bản thân anh cũng như nhiều bà con nông dân khác đến nay còn thấy thắc mắc, khó hiểu. Đó là tại sao cùng một vị trí đất, mía chặt cùng một ngày nhưng chất lượng chữ đường của các xe mía lại khác nhau?

Anh Hùng - nông dân trồng mía tại xã An Cơ, huyện Châu Thành thì lại có nỗi lo về việc thu hoạch mía trễ. Đây là nỗi lo nhiều năm qua của anh, bởi thu hoạch trễ đồng nghĩa với việc làm giảm đi sản lượng cũng như chất lượng cây mía. Giá thành thu hoạch mía mấy năm nay cũng chưa làm anh cảm thấy an tâm được. Nhiều lúc anh cảm thấy chán nản muốn từ bỏ cây mía, nhưng rồi vì “tình thế” mà vẫn cố theo.

Đó là do vị trí đất chỗ anh canh tác, ai cũng trồng mía nên anh cũng phải làm theo. Nếu mọi người cùng chuyển đổi cây trồng thì anh cũng sẽ không ngại “nói không” với cây mía, vì thấy trồng mía không cho lợi nhuận nhiều như các loại cây trồng khác. Hiện tại thu nhập từ mía thua xa cây mì.

Nông dân có tâm lý chán cây mía nên tình trạng nhiều địa phương giảm sút diện tích mía như hiện nay cũng là điều đương nhiên. Toàn huyện Tân Biên niên vụ này chỉ còn 2.170 ha mía so với 4.900 của niên vụ trước. Trong đó tại xã Tân Phong - một trong những xã có diện tích mía lớn huyện Tân Biên năm nay chỉ còn 311 ha mía - giảm khoảng 100 ha so với niên vụ trước. Còn ở xã An Cơ, huyện Châu Thành - niên vụ mía nay cũng giảm so với vụ trước khoảng 30% diện tích (hiện diện tích mía toàn xã chỉ 170 ha). Một vị lãnh đạo xã cho biết khoảng 3 năm trước xã có phối hợp với Công ty Bourbon lập vùng nguyên liệu với diện tích 250 ha.

Có hội thảo, tập huấn cho nông dân nhưng vẫn không thực hiện được quy hoạch này, do người dân không thay đổi được tập quán trong sản xuất cũng như lợi nhuận từ cây mía không đủ sức hấp dẫn bà con. Khi cây mía xuất hiện tại xã An Cơ khoảng 8 năm trước thì lợi nhuận từ 1 ha mía có thể lên tới 30 triệu đồng, nay thì không được như vậy, người dân cũng dần xa cây mía. Diện tích mía không giữ được nên những vùng quy hoạch, khoanh vùng nguyên liệu tại các địa phương cũng không thể duy trì.

Theo ông Mai Văn Chuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong, khoảng 10 năm trước xã này có quy hoạch vùng nguyên liệu mía với diện tích 500 ha, tuy nhiên đến nay quy hoạch coi như… tan rã, bởi nông dân cứ dần dần rời bỏ cây mía. Hiện, trên toàn xã, mía chỉ trồng rải rác, không còn tập trung nhiều như trước.

Thật ra, trong thực tế không phải tất cả bà con nông dân đều quay lưng lại với cây mía. Chẳng hạn như anh Thanh ở Tân Phong, anh cho biết vụ sau anh cũng sẽ tiếp tục thuê đất trồng mía nhưng sẽ chuyển sang hướng cơ giới hoá để giảm bớt chi phí, tăng lợi nhuận, còn nếu tiếp tục sản xuất theo kiểu thủ công như hiện nay thì sẽ khó có lãi. Vẫn theo lời anh Thanh, trồng mía được cái an tâm là sản phẩm luôn được bao tiêu, còn các loại cây khác dù lợi nhuận có cao hơn nhưng lại bấp bênh, không có gì bảo đảm.

Cơ giới hoá mang lại lợi ích trong sản xuất nông nghiệp là điều đã rõ ràng. Nhưng hiện nay không phải nông dân nào cũng có điều kiện thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất. Chính vì vậy, diện tích cây mía càng bị thu hẹp lại. Theo một cán bộ nông nghiệp xã Tân Phong thì diện tích cây mía trên địa bàn xã này năm sau sẽ còn tiếp tục giảm, do bà con nông dân ở đây chỉ sản xuất nhỏ lẻ lại không có điều kiện thực hiện cơ giới hoá.

Nguồn bài viết: http://www.baotayninh.vn/van-de-su-kien/nong-dan-chua-an-tam-ve-cay-mia-66467.html


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Lóc Mùa Lũ Cho Hiệu Quả Kinh Tế Nuôi Cá Lóc Mùa Lũ Cho Hiệu Quả Kinh Tế

Nhiều năm qua, phong trào nuôi cá lóc mùa lũ ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) thu nhiều kết quả khả quan, được bà con nông dân nhân rộng.

06/09/2013
Anh Trần Đình Toàn Vươn Lên Khá Giàu Nhờ Nuôi Ba Ba Anh Trần Đình Toàn Vươn Lên Khá Giàu Nhờ Nuôi Ba Ba

Anh Trần Đình Toàn ở ấp An Định, xã An Bình (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) với mô hình nuôi ba ba thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao. Mỗi đợt thu hoạch, anh thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Từ nghèo khó, nhờ con ba ba mà gia đình anh đã vươn lên khá giàu.

06/09/2013
Nông Dân Châu Phú Trúng Giá Cá Lóc Giống Nông Dân Châu Phú Trúng Giá Cá Lóc Giống

Nhiều thương lái ở trong và ngoài tỉnh An Giang đến tận nơi thu mua cá lóc giống với giá dao động từ 320.000 đến gần 400.000 đồng/kg (tăng hơn khoảng 100.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước) để chở đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng Nam Bộ và xuất bán sang thị trường Campuchia.

06/09/2013
Giúp Người Nuôi Tôm Tiếp Cận Với VietGAP Giúp Người Nuôi Tôm Tiếp Cận Với VietGAP

Chi cục Thủy sản Tiền Giang phối hợp với Chi đoàn Chi cục Thủy sản và UBND xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông vừa tổ chức lớp tập huấn về Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP), có 60 bà con nuôi tôm dự.

06/09/2013
Phản Đối Mức Thuế Trong Quyết Định Sơ Bộ POR9 Của DOC Đối Với Cá Tra Xuất Khẩu Phản Đối Mức Thuế Trong Quyết Định Sơ Bộ POR9 Của DOC Đối Với Cá Tra Xuất Khẩu

VASEP yêu cầu DOC phải thực hiện nhất quán trong việc sử dụng Bangladesh làm quốc gia thay thế để tính giá trị đầu vào đối với cá tra Việt Nam trong quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 08 và 09 như các năm trước đây.

06/09/2013