Sản Xuất Thành Công Giống Ốc Hương Ở Quảng Ngãi
Sau 2 năm triển khai dự án “Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống ốc hương tại Quảng Ngãi”, Trung tâm Giống thuỷ sản Quảng Ngãi đã sản xuất thành công ốc hương giống, góp phần cung cấp nguồn ốc giống đảm bảo chất lượng cho người nuôi trong và ngoài tỉnh.
Dự án được triển khai tại Trại thực nghiệm giống thủy sản Đức Phong, thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức). Quy trình sản xuất giống ốc hương được thực hiện theo các bước sau: Tuyển chọn ốc bố mẹ, nuôi vỗ thành thục cho đẻ trứng, thu và ấp trứng; ương nuôi ấu trùng; ương nuôi ốc giống; thu hoạch.
Ốc bố mẹ đưa vào vỗ là 148 cặp. Năm 2011, ốc bố mẹ tham gia sinh sản với 180 cặp, trong 2 lần đẻ (lần 1 là 60 cặp, lần 2 là 120 cặp). Số bọc trứng thu được từ ốc bố mẹ là 6.252 bọc trứng, nở được 5.212 bọc (tỷ lệ nở đạt 82,5%), sau khi ấp thu được 2.450.000 ấu trùng veliger. Trung bình một con cái đẻ khoảng 35 bọc trứng/lần đẻ, sức sinh sản bình quân 25.807 trứng. Sau thời gian 1,5 tháng ương nuôi thu được 445.000 con ốc giống. Năm 2012, ốc bố mẹ tham gia sinh sản là 95 cặp, số bọc trứng thu được từ ốc bố mẹ là 3.798 bọc trứng, nở được 3.418 bọc (tỷ lệ nở đạt 90%), sau khi ấp thu được 2.540.000 ấu trùng veliger. So sánh tỷ lệ nở giữa hai năm thì năm 2012 ốc bố mẹ có sức sinh sản cao hơn năm 2011, điều này chứng tỏ trong điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng đàn ốc bố mẹ như nhau, nhưng khi ốc càng trưởng thành thì sức đẻ càng tăng, ông Phạm Tấn Quang - Chủ nhiệm dự án cho biết.
Bên cạnh đó, để đánh giá chất lượng ốc giống, dự án đã thả nuôi thử nghiệm ốc hương thương phẩm. Năm 2011, dự án thả nuôi 445.000 con ốc giống tại hộ ông Nguyễn Kim Đức ở xã Bình Thuận (Bình Sơn). Trong thời gian đầu, ốc phát triển bình thường và ăn tốt. Hai tháng sau, ốc bắt đầu chết dần. Nguyên nhân là do mưa lớn liên tục, chất thải sinh hoạt trong khu dân cư đổ ra vùng nước nuôi. Bên cạnh đó, đê chắn sóng của cảng Dung Quất cản trở sự tuần hoàn nước giữa trong vịnh với ngoài vịnh, nên vùng nuôi bị ô nhiễm, làm cho ốc bỏ ăn, yếu dần và chết.
Năm 2012, dự án phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm ốc hương trong đăng trên diện tích 1.330 m2 tại xã Bình Thuận. Số lượng ốc thả nuôi là 411.000 con ốc giống, trọng lượng khoảng 9.000 con/kg. Qua theo dõi mô hình, ông Nguyễn Hữu Thái - Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ngãi cho biết: Ốc giống được thả nuôi có màu sắc vỏ tươi sáng, kích cỡ đồng đều, khoẻ mạnh.
Thời gian vận chuyển từ Trại sản xuất đến địa điểm thả nuôi ngắn; đồng thời các yếu tố môi trường có sự chênh lệch không lớn nên sau khi thả ốc vùi mình vào cát nhanh, tỷ lệ sống đạt khá cao. Sau 6 tháng nuôi, ốc sinh trưởng, phát triển tốt và không có dấu hiệu bị bệnh. Trọng lượng bình quân đạt 100 con/kg. Sản lượng thu được 3.200kg. Với giá ốc thương phẩm khoảng 180.000 đồng/kg, mô hình thu về khoảng 576 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 180 triệu đồng.
Với kết quả đạt được, dự án “Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống ốc hương tại Quảng Ngãi” không chỉ ứng dụng thành công kỹ thuật để hoàn thiện quy trình sản xuất giống ốc hương tại Quảng Ngãi mà còn góp phần giúp người dân chủ động được nguồn giống ốc hương, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người nuôi thuỷ sản, góp phần xoá đói giảm nghèo cho các vùng nông thôn ven biển.
Có thể bạn quan tâm
Sau hai năm thực hiện mô hình cấy và gieo thẳng lúa theo phương thức hàng rộng, hàng hẹp, nhiều nông dân Thái Bình đã thừa nhận hiệu quả của phương thức này, đó là: giảm 30% lúa giống, tăng năng suất 10%, giảm sâu bệnh và không còn dấu hiệu của bệnh vàng lùn, lùn sọc đen
Lũ bất ngờ lên nhanh khiến hàng nghìn nhà dân ở miền Trung bị ngập trong nước, giao thông bị chia cắt, đời sống khốn đốn. Tại tỉnh Quảng Trị, sáng 17/10 đã có gần 14.000 ngôi nhà bị ngập, nơi sâu nhất lên tới 2,5m
Hải Dương đã tuyển chọn và phát triển một số giống lúa chất lượng cao nhằm khuyến cáo, mở rộng diện tích giống lúa kháng rầy.
Tình trạng tôm chết xảy ra nhiều nhất trên diện tích nuôi công nghiệp ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời… với thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng. Xã Lương Thế Trân thuộc huyện Cái Nước là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với hơn 30 ha nuôi tôm công nghiệp của 50 hộ dân bị thiệt hại hàng tỷ đồng
Sáng ngày 20/10, Bộ NN&PTNT tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện NĐ số 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Qua 5 năm triển khai, việc phát triển ngành nghề nông thôn ở các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế