Cây Vải Thiều Ghép Ở Nam Xuân (Đắk Nông)
Gia đình anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Nam Xuân, xã Nam Đà (Krông Nô - Đắk Nông) hiện có vườn vải 400 gốc, cho thu hoạch mỗi năm 25 tấn, đưa lại tổng thu nhập 700 triệu đồng.
Theo anh Minh thì vải thiều vốn là cây truyền thống được trồng hiệu quả ở các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Bắc Giang nhưng khi được trồng ở vùng đất cao nguyên Đắk Nông cũng rất “có duyên”. Tuy nhiên, để có được kết quả như ngày hôm nay, anh cũng đã mất nhiều năm mày mò học tập cách trồng, chăm sóc, ghép giống với nhiều bài học được rút ra sau những lần thất bại.
Không nản lòng, vừa học, vừa làm, anh đã từng bước khắc phục được những hạn chế của mình về việc trồng cây đúng mật độ, biết cách kích thích cho cây ra hoa, đậu quả. Trong đó, anh đã nắm bắt nhanh chóng và triển khai ghép thành công các giống vải cho ra hoa sớm, năng suất cao.
Theo đó, trước khi ghép, anh tiến hành chăm sóc nhiều hơn để cây phát triển khỏe mạnh, tăng sức đề kháng và không bị sâu bệnh gây hại. Phương pháp lấy và bảo quản mắt ghép cũng được anh tuân thủ đúng kỹ thuật.
Cụ thể, mắt ghép được lấy trên đoạn cành có độ tuổi 50-120 ngày tuổi. Cành mắt ghép được cắt xuống, loại bỏ ngay lá để tránh mất nước. Gốc ghép chỉ trừ lại 1-2 cành ở giữa, còn lại dùng cưa sắc cắt bỏ toàn bộ những cành ở độ cao 1,5m so với mặt đất; dùng vôi hoặc oxyclorua đồng quét lên trên vết cắt.
Phương pháp là ghép vải đoạn cành. Nếu cây từ 8 năm tuổi trở xuống thì anh chọn và định vị cành ghép phân bố đều theo các hướng, không chọn ghép vào các cành dưới, thấp quá hay các cành ở trung tâm. Anh dùng kéo sắc hoặc cưa nhỏ cắt toàn bộ cành để ghép ở vị trí cành có đường kính 2,1-2,5 cm sao cho sau khi ghép, bộ tán mới sau này sẽ có hình bán cầu dẹt và có độ cao hợp lý tùy theo tuổi cây hay tùy theo vườn cây.
Đối với cây trên 8 năm tuổi, trên mỗi đầu cành đã cưa đốn của gốc ghép, anh chọn ghép trên 2-3 chồi hướng ra ngoài hoặc chồi bên có đường kính từ 1,5-2,5cm, sao cho các cành định ghép phân bố đều xung quanh tán; không ghép vào các chồi mọc hướng vào trung tâm và các cành ở trung tâm tán.
Điểm mấu chốt là giống ghép phải là những giống chín sớm, chất lượng cao, quả to, ngọt mát đã được Bộ Nông nghiệp- PTNT công nhận như U hồng, U trứng, U thâm, Bình Khê. Sau ghép, gia đình tiến hành chế độ chăm sóc thích hợp để cành phát triển nhanh.
Cũng theo anh Minh thì vải thiều cũng là cây có khả năng kháng sâu bệnh khá tốt, những loại sâu bệnh thường gặp như bọ xít nâu, sâu đục đầu quả, rệp hại quả non, mốc sương đều có thể phòng và chống được bằng các biện pháp thủ công như cắt tỉa cành tạo sự thông thoáng, làm sạch cỏ dại, phun các loại thuốc trong danh mục cho phép…
Nhờ ghép những giống tốt, chăm sóc đúng quy trình mà hàng năm, thời vụ thu hoạch vải của gia đình thường sớm hơn so với các tỉnh phía Bắc từ 15- 30 ngày nên tiêu thụ hết sức dễ dàng.
Nói về đầu ra cho sản phẩm, anh Minh cho biết: "Hơn 3 năm nay, toàn bộ sản lượng vải đều được một tư thương ở chợ đầu mối Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) bao tiêu với giá cao. Tôi cũng rất sẵn sàng truyền đạt những kinh nghiệm của mình cho những hộ dân muốn học tập, nhân rộng mô hình”.
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Văn Mười, xã Long Hưng (Châu Thành - Tiền Giang), được nhiều người biết đến bởi sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, ông đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, giúp gia đình mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Theo ông Liễm, nếu nuôi chuyên tôm lãi rất lớn nhưng mật độ rủi ro rất cao. Năm 2014, gia đình thả nuôi 3 ha, với hơn 30 vạn con giống, năm nay nhờ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên tất cả diện tích ao hồ nuôi của gia đình không bị dịch. Lâu lắm rồi gia đình tui mới có niềm vui trọn vẹn, cá, tôm nuôi vừa được mùa lại được giá, ông Liễm phấn khởi.
Hơn nửa tháng nay, nông dân làng bè vô cùng phấn khởi do giá cá điêu hồng được các thương lái thu mua với giá 40.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với tháng trước và nông dân lãi hơn 7.000 đồng/kg cá. Tuy nhiên, giá cá bấp bênh, dịch bệnh tăng, chất lượng con giống và thức ăn giảm… là những vấn đề khiến nông dân nuôi cá điêu hồng không khỏi lo lắng.
Trong khi đó, giá bán ở chợ Đà Lạt lên đến 25.000đ/kg và khả năng sẽ còn lên giá nếu nguồn hàng vẫn tiếp tục khan hiếm như hiện nay. Với giá bán này (1.000-1.300đ/củ), mỗi sào củ dền nhà vườn có lãi không dưới 20 triệu đồng mà không phải mất công chăm sóc.
Mô hình “Nuôi thử nghiệm lợn hương theo hướng an toàn sinh học” vừa được Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng triển khai trên địa bàn huyện Đạ Huoai với 5 hộ gia đình ở xã Mađagui, xã Đạ Oai và thị trấn Mađagui tham gia với số lượng đầu con giống không nhiều.