Cây Thuốc Chữa Nghèo Ở Lai Châu
Đến cuối năm 2010, mô hình trồng thí điểm cây actiso từ nguồn vốn Nghị quyết 30a của Chính phủ được triển khai trên diện tích đất khô cằn trồng lúa một vụ thì bài toán ấy đã có hướng giải.
Sìn Hồ là huyện biên giới của tỉnh Lai Châu thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Trong khi đời sống người dân ở các xã vùng thấp được nâng lên nhờ chương trình tái định cư lòng hồ thủy điện Sơn La và dự án trồng mới 20 nghìn ha cây cao su thì việc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các xã vùng cao vẫn là một bài toán chưa có lời giải. Vốn là vùng đất khô cằn, đời sống của bà con lại chủ yếu dựa vào diện tích đất cấy lúa có một vụ nên tỷ lệ các hộ nghèo và tái nghèo cao.
Từ khảo sát thực tế, vùng này nằm ở độ cao trên 1.500m, nhiệt độ quanh năm mát mẻ phù hợp với thổ nhưỡng của nhiều loại cây thuốc quý (trước đây nhiều loại dược liệu như tam thất đen, đẳng sâm có nhiều ở các xã vùng cao, nhưng do đồng bào các dân tộc nơi đây khai thác “tận diệt” nên dần cạn kiệt).
Tháng 12.2010, từ nguồn vốn của Chương trình 30a, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ đã thực hiện mô hình trồng thí điểm 1.500 ha cây actiso tại các xã Tả Ngảo, Tả Phìn, Phăng Sô Lin và thị trấn Sìn Hồ.
Các hộ tham gia thực hiện mô hình được đầu tư hỗ trợ 100% về giống, vật tư, phân bón và được tập huấn về cách trồng, chăm sóc.
Ông Nguyễn Khắc Tiệp - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ cho biết: Actiso là cây trồng chịu hạn tốt, dễ trồng, phù hợp với đồng đất một vụ tại các xã vùng cao huyện Sìn Hồ.
Khi trồng cây con bà con có thể tận dụng được lượng phân chuồng trong chăn nuôi của gia đình và chỉ phải bón thêm một lần phân đạm vào giữa vụ. Sau 3 tháng trồng, cây đã bắt đầu cho thu hoạch lá và kéo dài tới 2-3 tháng sau.
Sau 6 tháng triển khai mô hình, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ đánh giá cây actiso đã khắc phục được những nhược điểm của vùng đất khô cằn vốn chỉ trồng được một vụ lúa. Nếu trước đây, diện tích ruộng ở các xã vùng cao cấy một vụ lúa, rồi bỏ đất hoang, thì nay cây actiso đã tạo việc làm ổn định.
Sau 3 tháng đã có thể thu hoạch, mang lại thu nhập, và góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân địa phương. Ông Phùng Cù Pao, dân tộc Dao ở xã Tả Phìn cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2.000m2 ruộng, trước đây chỉ cấy lúa được một vụ rồi bỏ hoang. Nhờ tham gia dự án trồng thí điểm cây actiso của huyện, nên vụ vừa qua gia đình đã thu được hơn 9 tấn (thân cây, lá, hoa, củ). Với giá bán trung bình 2.500 đồng/kg, gia đình đã thu được hơn 20 triệu đồng, trừ chi phí cũng cho thu nhập khoảng 16 triệu đồng”.
Được biết, hiện nay đầu ra cho cây actiso được bà con bán cho một số hộ thu mua ngay tại thị trấn huyện Sìn Hồ với giá khoảng 3.000 đồng/kg. Các hộ gia đình ở đây mua về thường đem phơi hoặc sấy khô theo một số phương pháp thủ công rồi chế biến thành thuốc nam hoặc bán cho các thương lái xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian qua do trời mưa nên việc thu mua sản phẩm của bà con đôi lúc bị ngưng trệ vì “sấy khô tốn nhiều nhiên liệu”, trong khi cây actiso đến lứa mà không thu hoạch sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, thậm chí phần lá có thể bị thối rữa, nên các điểm thu mua ép giá. Điều đó đồng nghĩa với việc bà con vẫn hoàn toàn bị động về đầu ra cho sản phẩm.
Có thể khẳng định, cây actiso đã mở ra một hướng giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc ở vùng cao của Sìn Hồ. Đất ruộng của người dân sẽ không còn bị bỏ hoang, thu nhập của đồng bào được cải thiện. Nếu được chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc, mở rộng diện tích trồng và thị trường tiêu thụ ổn định thì tin rằng đồng bào các dân tộc vùng cao sẽ không còn “những mùa đói”.
Actiso là cây thảo lớn, cao từ 1 – 1,2m, có thể đến 2m. Thân ngắn, thẳng và cứng, có khía dọc. Đây là loại cây thuốc có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, được người Pháp di thực vào trồng ở VN từ hàng trăm năm nay ở các vùng có khí hậu ôn đới như Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... Đến nay actiso được phát triển trồng ở nhiều nơi, kể cả vùng đồng bằng. Càng ngày, actiso càng được tin dùng trong hệ thống Y, dược. (Theo Wikipedia)
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, nghề chăn nuôi thủy sản (CNTS) trên địa bàn huyện Bắc Quang đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần quan trọng thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. Đặc biệt, với tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước CNTS, huyện đã có nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm đưa nghề CNTS phát triển theo hướng bền vững.
Những cánh đồng lúa mùa ở xã Đạo Đức (Vị Xuyên) đang vào mùa gặt, thế nhưng nhiều hộ gia đình trong xã không khỏi lo lắng khi nhiều diện tích lúa có khả năng bị mất trắng hoặc giảm năng suất đáng kể do rầy nâu gây hại và ngập úng do mưa lớn và gió giật ảnh hưởng từ hoàn lưu Bão số 3 trong ngày 17, 18.9 vừa qua.
Ngoài việc được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, chè Độ Khoa còn vinh dự được lựa chọn là 1 trong 5 sản phẩm của tỉnh được gửi đi tham dự bình chọn sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực sẽ được tổ chức tại Lào Cai tới đây.
Sở hữu trên 4,4 nghìn ha chè, trên 3,2 nghìn ha cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi hàng năm trên 12 nghìn tấn... nhưng sản phẩm chè Hoàng Su Phì chưa thực sự tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Và giấc mơ một thương hiệu thống nhất cho dòng sản phẩm độc đáo của mảnh đất cửa ngõ miền Tây không biết bao giờ mới thành hiện thực!
Với một huyện miền núi như Hạ Hòa, việc phát triển sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở hạ tầng thiếu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, người nông dân vẫn giữ thói quen canh tác cũ cho nên chưa tạo được vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa…