Anh Khiêm Giàu Từ Trang Trại Nuôi Gà

Từ một người nông dân lam lũ, anh Nguyễn Xuân Khiêm ở thôn Đồng Đò, xã Bình Khê (Đông Triều - Quảng Ninh) đã vươn lên làm giàu, nhờ sự tính toán năng động, đã đầu tư phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê chiêm trũng huyện Ninh Giang (Hải Dương), trong gia đình có đông anh em, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên anh Nguyễn Xuân Khiêm phải nghỉ học từ sớm. Năm 1984, do ở quê đất chật người đông, nên gia đình anh đã chuyển đến thôn Đồng Đò, xã Bình Khê (huyện Đông Triều) để khai hoang lập nghiệp.
Nhận thấy vùng đất nơi đây rộng rất thuận lợi cho trồng cây ăn quả và chăn nuôi, nhưng vì không có vốn và kinh nghiệm, giai đoạn đầu, gia đình anh chủ yếu cấy lúa và trồng một số loại cây truyền thống, nên hiệu quả kinh tế thấp, đời sống gia đình cũng rất khó khăn.
Năm 2007, thấy ở xã có nhiều mô hình phát triển kinh tế VAC được nhiều người thực hiện thành công, anh đã đi tham khảo ở một số địa phương trong huyện tìm hiểu và học hỏi cách làm. Sau khi tham khảo kinh nghiệm về, anh quyết định đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, thời gian đầu, anh tập trung chủ yếu vào chăm sóc 2ha diện tích trồng na, ổi, thả cá và kết hợp chăn nuôi khoảng 700 con gà ta. Vì chưa có kinh nghiệm, anh cũng chỉ dám chăn mỗi năm một lứa với tiêu chí vừa làm, vừa học để xem hiệu quả ra sao, nếu hiệu quả kinh tế sẽ đầu tư tiếp.
Đồng thời, anh dành nhiều thời gian tham gia tích cực các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức và đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi về công tác chăn nuôi theo mô hình trang trại. Năm 2012, do đã có kiến thức và kinh nghiệm nuôi từ trước đó, anh đã vay 200 triệu đồng của Ngân hàng NN&PTNT huyện Đông Triều, để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lên 4 lứa một năm, trung bình mỗi lứa anh nuôi khoảng 3.000 con gà ta, theo mô hình nuôi trang trại với quy mô lớn.
Anh Nguyễn Xuân Khiêm cho biết: “Để làm kinh tế trang trại thành công, ngoài cái chung phải có ý chí làm giàu, dám nghĩ, dám làm, chăm chỉ và kiên trì, người chăn nuôi cũng cần phải có kỹ thuật, có kinh nghiệm lựa chọn con giống, kỹ thuật úm gà khi còn nhỏ và chú ý tiêm vắc xin theo đúng định kỳ.
Trong năm nay, mặc dù, một số địa phương trong huyện đã xảy ra dịch cúm gia cầm và giá cả xuống thấp, nhưng nhờ làm tốt đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, nên việc chăn nuôi của gia đình tôi phát triển vẫn ổn định, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng tấn thịt gà.
Từ việc nuôi gà ta theo hình thức trang trại này, mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng. Trong thời gian tới, tôi dự định sẽ mở rộng thêm quy mô trang trại nhưng lại khó khăn về nguồn vốn đầu tư, tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho tôi được tiếp cận vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư”.
Từ những kết quả gặt hái được, gia đình anh Nguyễn Xuân Khiêm đã nhiều năm liền được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Đông Triều. Bản thân anh cũng chính là một trong những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên để mọi người học tập và noi theo.
Có thể bạn quan tâm

Gia đình ông Vũ Quang Huy ở thôn 14 hiện có hơn 1.000 trụ tiêu và 1 ha đất trồng các loại cây ngắn ngày; hàng năm, luôn có mức thu nhập từ 600 triệu đồng trở lên. Về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo ông Huy thì đối với tiêu, nếu như trước đây thường có tâm lý bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật một cách tràn lan thì nay, cách làm của gia đình đã khác.

Sau 5 tháng triển khai nuôi, tỉ lệ cá sống đạt 90%, trọng lượng đạt 0,5 kg/con, lợi nhuận đạt 20 triệu đồng/sào. Trong quá trình nuôi, các hộ dân đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Cán bộ của Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư thị xã Gia Nghĩa đã phổ biến kỹ thuật và phát tài liệu về kỹ thuật nuôi một số loại cá cho các hộ dân và khuyến nông viên.

Xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo có 2.300ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Hầu hết diện tích rừng nằm trong khu vực phòng hộ sông Đà nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ môi trường sống con người... Những năm qua xã Mường Mùn luôn xác định bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính quyền và nhân dân trên địa bàn.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, những năm qua, huyện Điện Biên Đông luôn nỗ lực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho người dân. Thông qua các hình thức chuyển giao đào tạo, bồi dưỡng; trực tiếp hướng dẫn nông dân áp dụng KHKT vào sản xuất thông qua các mô hình trình diễn... Đó là yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu trái cây và rau quả trong năm 2014 có khả năng đạt mức hơn 1,4 tỷ USD, con số cao nhất từ trước cho đến nay. Dự báo sẽ có làn sóng nhập khẩu lớn từ thị trường Việt Nam trong những năm tới sẽ là cơ hội cho nông dân và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản.