Cây Quế Ở Đại Sảo (Bắc Kạn)
Hơn các cây trồng khác, cây quế là cây trồng khi đến tuổi khai thác có thể tận thu cả vỏ, thân, lá, cành và có giá trị kinh tế cao. Từ những năm 2000, cây quế đã giúp nhiều hộ dân của xã Đại Sảo (Chợ Đồn - Bắc Kạn) có cuộc sống ấm no, sung túc hơn và đã thật sự là cây trồng giúp xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương này.
Mỗi năm xã Đại Sảo trồng mới gần 50ha quế, nhờ quế mà nhiều hộ dân trong xã đã có cuộc sống sung túc hơn. (trong ảnh: người dân đang chăm sóc rừng quế).
Cây quế “bén duyên” với đất Đại Sảo từ những năm 90 của thế kỷ trước. Khi đó, Ban định canh định cư của huyện triển khai, lúc đó người dân vẫn chưa biết cây quế có giá trị kinh tế như thế nào, chỉ biết rằng “trồng cây, đổi lấy gạo”. Một, hai năm sau người dân cũng trồng được hơn 100ha tập trung ở hai thôn Nà Ngà và Nà Luông. Do đất tốt, khí hậu thuận lợi hợp với sự phát triển của cây quế, đến năm 2000 thì người dân bắt đầu được khai thác tỉa.
Nhận thấy được giá trị kinh tế từ cây quế mang lại, không ai bảo ai, người dân tích cực trồng quế, trồng rừng. Hiệu quả kinh tế thấy rõ, diện tích không ngừng được mở rộng và thông qua các Dự án trồng rừng, xã Đại Sảo có hơn 1000ha rừng trồng, trong đó 40-50% là cây quế. Cây quế không những có giá trị về kinh tế mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi dốc; đồng thời góp phần quan trọng giúp nhiều hộ dân xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Thôn Nà Ngà là một trong hai thôn có diện tích quế nhiều nhất xã. Đây là thôn của những người miền xuôi lên định canh định cư, do ít đất sản xuất nông nghiệp nên người dân sống chủ yếu dựa vào rừng, khai thác và phát huy thế mạnh từ rừng.
Nhờ hưởng ứng phong trào trồng quế theo chương trình “trồng cây đổi gạo” người dân nơi đây đã không còn hộ nghèo mấy năm trở lại đây, đời sống vật chất cũng ngày một sung túc hơn. Để có được sự thay đổi đó, có sự góp phần quan trọng từ phát triển cây quế, tính đến nay ngoài những diện tích quế đã được khai thác thì thôn Nà Ngà có hơn 40ha diện tích quế đang ở giai đoạn khai thác tỉa và có thể khai thác trắng.
Mỗi năm, thôn Nà Ngà trồng mới quế từ 5-10ha. Chu kì phát triển của cây quế từ 10 trở lên là cho khai thác tỉa, cây quế càng to giá trị kinh tế càng cao, với 1ha thu về được khoảng 200-400 triệu đồng, khác với cây trồng khác cây quế có thể khai thác cả vỏ với giá bán dao động từ 8-10 nghìn đồng/kg tươi, thân cây tính theo đầu vanh. Quế thường thu hoạch vào tháng 3 và tháng 8 trong năm. Lúc đó, quế mới róc vỏ và cho đúng chất lượng sản phẩm.
Là một trong những hộ đi tiên phong trong phong trào trồng quế từ những năm 1991 và có diện tích nhiều nhất nhì thôn, gia đình ông Phạm Bá Lanh, thôn Nà Ngà (Đại Sảo) đã có cuộc sống ổn định hơn nhờ khai thác quế. Ông Lanh cho biết: cây quế so với cây mỡ đem lại lợi nhuận cao gấp 3,5 lần, bởi cây quế ngoài sản phẩm chính là vỏ ra thì có thể tận dụng hết được cả cành, lá là nguyên liệu sản xuất tinh dầu quế, thân cây to có thể dùng trong xây dựng, đầu vanh thân cây càng to càng được nhiều tiền.
Cây quế là cây trồng sống dai, ít có sâu bệnh và cũng không tốn nhiều công chăm sóc, trong hai năm đầu khi quế chưa quá nhiều tán thì người dân trồng xen cây ngắn ngày và khi đến tuổi khai thác tỉa thì nên để lại khoảng cách mỗi cây cách nhau 6m, lúc này cây quế tán rộng, nếu đủ ánh sáng thì thân cây phát triển, vỏ sẽ dầy hơn. Đồng thời, thời điểm này người dân cũng trồng gối quế vào những diện tích sắp được tận thu, cứ như vậy khoảng thời gian đợi khai thác cũng được rút ngắn.
Nhờ quế mà nhiều hộ dân ở Đại Sảo đã thoát nghèo, có thể làm nhà, mua xe... Xác định hướng đi chủ lực của địa phương là lâm nghiệp nên với việc phát huy thế mạnh từ rừng đã được người dân nơi đây thực hiện có hiệu quả.
Nhờ đó, đời sống kinh tế-xã hội của Đại Sảo cũng đã ngày một đổi thay, tỉ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, hiện xã chỉ còn 36 hộ nghèo chiếm 7,04%. Mỗi năm, Đại Sảo trồng mới trên 100ha rừng. Năm 2014, hiện đã thiết kế xong trên 157ha, trong đó người dân đăng kí trồng quế hơn 150ha.
Có thể bạn quan tâm
Các đại biểu đến từ Đức đã mang đến một “giấc mơ” cho ngành chăn nuôi gà Việt Nam. Tuy nhiên, nói như Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều, đây không phải là một giấc mơ xa vời.
8 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, bà Trần Thị Nhường ở thôn Khả Đông, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà (Thái Bình) đã biến vùng đất trũng thành trang trại tiền tỷ.
Với việc phục tráng thành công giống đậu nành thuần chủng Cư Jút, các cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) đã góp phần tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ ngày nhiều gia đình trong bản T.P (thuộc một xã vùng cao của tỉnh V) chuyển sang làm kinh tế trang trại VAC với quy mô lớn, thì sự khá giả cũng đến nhanh trông thấy.
Bí quyết đưa đến thành công trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam chính là sự đồng thuận từ cán bộ đến người dân. Nhờ thế, Đại Hiệp đã sớm về đích NTM trước thời hạn một năm.