Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Quế Ở Đại Sảo (Bắc Kạn)

Cây Quế Ở Đại Sảo (Bắc Kạn)
Publish date: Saturday. March 22nd, 2014

Hơn các cây trồng khác, cây quế là cây trồng khi đến tuổi khai thác có thể tận thu cả vỏ, thân, lá, cành và có giá trị kinh tế cao. Từ những năm 2000, cây quế đã giúp nhiều hộ dân của xã Đại Sảo (Chợ Đồn - Bắc Kạn) có cuộc sống ấm no, sung túc hơn và đã thật sự là cây trồng giúp xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương này.

Mỗi năm xã Đại Sảo trồng mới gần 50ha quế, nhờ quế mà nhiều hộ dân trong xã đã có cuộc sống sung túc hơn. (trong ảnh: người dân đang chăm sóc rừng quế).

Cây quế “bén duyên” với đất Đại Sảo từ những năm 90 của thế kỷ trước. Khi đó, Ban định canh định cư của huyện triển khai, lúc đó người dân vẫn chưa biết cây quế có giá trị kinh tế như thế nào, chỉ biết rằng “trồng cây, đổi lấy gạo”. Một, hai năm sau người dân cũng trồng được hơn 100ha tập trung ở hai thôn Nà Ngà và Nà Luông. Do đất tốt, khí hậu thuận lợi hợp với sự phát triển của cây quế, đến năm 2000 thì người dân bắt đầu được khai thác tỉa.

Nhận thấy được giá trị kinh tế từ cây quế mang lại, không ai bảo ai, người dân tích cực trồng quế, trồng rừng. Hiệu quả kinh tế thấy rõ, diện tích không ngừng được mở rộng và thông qua các Dự án trồng rừng, xã Đại Sảo có hơn 1000ha rừng trồng, trong đó 40-50% là cây quế. Cây quế không những có giá trị về kinh tế mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi dốc; đồng thời góp phần quan trọng giúp nhiều hộ dân xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Thôn Nà Ngà là một trong hai thôn có diện tích quế nhiều nhất xã. Đây là thôn của những người miền xuôi lên định canh định cư, do ít đất sản xuất nông nghiệp nên người dân sống chủ yếu dựa vào rừng, khai thác và phát huy thế mạnh từ rừng.

Nhờ hưởng ứng phong trào trồng quế theo chương trình “trồng cây đổi gạo” người dân nơi đây đã không còn hộ nghèo mấy năm trở lại đây, đời sống vật chất cũng ngày một sung túc hơn. Để có được sự thay đổi đó, có sự góp phần quan trọng từ phát triển cây quế, tính đến nay ngoài những diện tích quế đã được khai thác thì thôn Nà Ngà có hơn 40ha diện tích quế đang ở giai đoạn khai thác tỉa và có thể khai thác trắng.

Mỗi năm, thôn Nà Ngà trồng mới quế từ 5-10ha. Chu kì phát triển của cây quế từ 10 trở lên là cho khai thác tỉa, cây quế càng to giá trị kinh tế càng cao, với 1ha thu về được khoảng 200-400 triệu đồng, khác với cây trồng khác cây quế có thể khai thác cả vỏ với giá bán dao động từ 8-10 nghìn đồng/kg tươi, thân cây tính theo đầu vanh. Quế thường thu hoạch vào tháng 3 và tháng 8 trong năm. Lúc đó, quế mới róc vỏ và cho đúng chất lượng sản phẩm.

Là một trong những hộ đi tiên phong trong phong trào trồng quế từ những năm 1991 và có diện tích nhiều nhất nhì thôn, gia đình ông Phạm Bá Lanh, thôn Nà Ngà (Đại Sảo) đã có cuộc sống ổn định hơn nhờ khai thác quế. Ông Lanh cho biết: cây quế so với cây mỡ đem lại lợi nhuận cao gấp 3,5 lần, bởi cây quế ngoài sản phẩm chính là vỏ ra thì có thể tận dụng hết được cả cành, lá là nguyên liệu sản xuất tinh dầu quế, thân cây to có thể dùng trong xây dựng, đầu vanh thân cây càng to càng được nhiều tiền.

Cây quế là cây trồng sống dai, ít có sâu bệnh và cũng không tốn nhiều công chăm sóc, trong hai năm đầu khi quế chưa quá nhiều tán thì người dân trồng xen cây ngắn ngày và khi đến tuổi khai thác tỉa thì nên để lại khoảng cách mỗi cây cách nhau 6m, lúc này cây quế tán rộng, nếu đủ ánh sáng thì thân cây phát triển, vỏ sẽ dầy hơn. Đồng thời, thời điểm này người dân cũng trồng gối quế vào những diện tích sắp được tận thu, cứ như vậy khoảng thời gian đợi khai thác cũng được rút ngắn.

Nhờ quế mà nhiều hộ dân ở Đại Sảo đã thoát nghèo, có thể làm nhà, mua xe... Xác định hướng đi chủ lực của địa phương là lâm nghiệp nên với việc phát huy thế mạnh từ rừng đã được người dân nơi đây thực hiện có hiệu quả.

Nhờ đó, đời sống kinh tế-xã hội của Đại Sảo cũng đã ngày một đổi thay, tỉ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, hiện xã chỉ còn 36 hộ nghèo chiếm 7,04%. Mỗi năm, Đại Sảo trồng mới trên 100ha rừng. Năm 2014, hiện đã thiết kế xong trên 157ha, trong đó người dân đăng kí trồng quế hơn 150ha.


Related news

Cẩn Thận Với Giống Cây Trồng Nhập Ngoại Cẩn Thận Với Giống Cây Trồng Nhập Ngoại

Nỗi ám ảnh về giống Trung Quốc của bà con nông dân Quảng Nam ngày càng lớn sau câu chuyện cây ớt chết hàng loạt ở Duy Xuyên, Đại Lộc…

Saturday. June 8th, 2013
Nông Dân Trúng Mùa Trái Sơ Ri Nông Dân Trúng Mùa Trái Sơ Ri

Nông dân huyện Chợ Mới (An Giang) đang thu hoạch rộ và trúng mùa trái sơ ri. Đây là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đầu ra ổn định.

Saturday. June 8th, 2013
Mãng Cầu Vẫn Là Loại Trái Cây Có Giá Mãng Cầu Vẫn Là Loại Trái Cây Có Giá

Những ngày này, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang cố gắng mở rộng diện tích mãng cầu ta trong toàn tỉnh lên vài ngàn ha thay vì 2.000 ha như hiện nay. Người dân được khuyến khích thâm canh mãng cầu qua việc Trung tâm Khuyến nông của tỉnh giúp nông dân thực hiện những khu vườn mãng cầu thí điểm mà năng suất đạt 7 tấn trái/vụ, với giá bán tùy theo loại, từ 12 - 32 ngàn đồng/kg. Ước tính người trồng mãng cầu thu lãi trên 100 triệu đồng/ha/vụ.

Saturday. June 8th, 2013
Cần Ưu Tiên Vốn Cho Giao Thông Nông Thôn, Thủy Lợi Cần Ưu Tiên Vốn Cho Giao Thông Nông Thôn, Thủy Lợi

Đây là ý kiến của ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) tại phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội 2013 về vấn đề phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM hiện nay. NTNN xin trích đăng một phần ý kiến của đại biểu Thúy.

Saturday. June 8th, 2013
Làm Giàu Từ Nuôi Tôm - Cua - Cá Kết Hợp Làm Giàu Từ Nuôi Tôm - Cua - Cá Kết Hợp

Mỗi năm huyện Giá Rai có hơn 2.000 nông dân sản xuất giỏi các cấp. Nhiều hộ nhờ cần cù, chịu khó, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chăn nuôi và thực hiện tốt chủ trương đa cây, đa con, nên đã trở thành giàu có. Ông Nguyễn Văn Hiền ở ấp 10A (xã Tân Phong) là một điển hình.

Saturday. June 8th, 2013