Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Ngô Trên Đất Tủa Chùa

Cây Ngô Trên Đất Tủa Chùa
Ngày đăng: 11/08/2014

Được xác định là một trong những loại cây lương thực quan trọng trong cơ cấu cây trồng nông nghiệp, những năm qua, cây ngô luôn giữ vai trò quan trọng giúp người dân trên địa bàn huyện Tủa Chùa xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, việc canh tác cây ngô tại một số vùng trên địa bàn huyện có dấu hiệu chững lại cả về diện tích và năng suất. Làm gì để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực hiện chiến lược phát triển cây ngô tại địa phương là nội dung cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn trên địa bàn luôn quan tâm, trăn trở.

Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, năm 2013, tổng diện tích gieo trồng ngô trên địa bàn là 4.947ha (giảm 41ha so với năm 2012); năng suất bình quân đạt 17,9 tạ/ha; tổng sản lượng đạt 8.893 tấn, chiếm gần 50% sản lượng các loại cây lương thực có hạt trên địa bàn.

Nhiều năm nay, ngô là loại lương thực chủ yếu của người dân Tủa Chùa và là thứ hàng hóa luôn được tư thương ưa chuộng. Bên cạnh đó, ngô cũng được người dân sử dụng làm thức ăn nuôi gia súc, gia cầm và nguyên liệu nấu rượu...        

Xác định được giá trị của cây ngô trong chiến lược phát triển kinh tế huyện nói chung; vai trò của cây ngô đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn nói riêng, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và nhân dân tập trung mọi nguồn lực phát triển cây ngô thành cây chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp địa phương.

Từ năm 2010, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển sản xuất ngô trên địa bàn với các nội dung cơ bản: Tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân tăng vụ, mở rộng diện tích trồng ngô, đặc biệt là tận dụng diện tích đất nương có độ dốc lớn không thể canh tác các loại cây trồng khác, hoặc những vạt đất xen lẫn trong các triền núi đá; đất bồi ven sông, suối.

Các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác ngô: sử dụng giống là các loại ngô lai: VN 10, CP 888, VN 885; cách trồng, chăm sóc, sử dụng các loại phân bón, xử lý sâu bệnh trên cây ngô...

Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm huyện Tủa Chùa phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức từ 3 - 5 đợt tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm khuyến nông - Khuyến ngư; cán bộ khuyến nông xã, thị trấn trên địa bàn. Đặc biệt, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện tổ chức thực hiện mô hình trình diễn ngô lai trên đất tái định cư tại thôn Huổi Lực II, xã Mường Báng.

Mô hình đã trang bị cho nông dân những kỹ thuật cơ bản trong canh tác ngô lai, từ kỹ thuật làm đất, gieo trồng, bón phân tới cách phát hiện và phòng trừ sâu bệnh. Năng suất mô hình đạt 60 tạ/ha (gấp hơn 3 lần năng suất bình quân trong toàn huyện) đã góp phần quan trọng thay đổi tư duy, tập quán canh tác lạc hậu của người dân trên địa bàn.

Với việc cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Tủa Chùa đưa ra các biện pháp chỉ đạo, diện tích, năng suất, sản lượng ngô tại một số địa phương trong huyện đã tăng đáng kể. Điển hình, tại xã Tả Sìn Thàng năm 2008, diện tích trồng ngô toàn xã mới có 100ha, đến năm 2013, đạt trên 700ha.

Ông Hạng A Náng, Chủ tịch UBND xã Tả Sìn Thàng cho biết: Hiệu quả từ việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác ngô từ cánh đồng Huổi Lực II (xã Mường Báng) và Tà Là Cáo (xã Sính Phình) là cơ sở để người dân trong xã mở rộng diện tích, tăng vụ trong canh tác cây ngô. Với trên 700ha chuyên canh, cây ngô chiếm trên 60% tổng diện tích đất nông nghiệp của xã.

Cũng đạt được nhiều thành quả trong phát triển cây ngô như xã Tả Sìn Thàng, diện tích, năng suất ngô tại xã Sính Phình luôn có mức tăng trưởng cao, diện tích trồng ngô của xã năm 2013 tăng 200% so với năm 2008. Trong đó, năm 2013 diện tích trồng ngô đông của xã chiếm trên 90% tổng diện tích ngô đông toàn huyện.

Bên cạnh một số kết quả tích cực trong việc phát triển cây ngô, tại một số địa bàn, việc phát triển cây ngô có chiều hướng chững lại, thậm chí thụt lùi.

Nếu như, từ năm 2009 - 2012 ngô đông phát triển mạnh tại các xã Xá Nhè, Tủa Thàng thì đến niên vụ 2014 diện tích ngô đông tại các xã này giảm mạnh (giảm 80% so với diện tích canh tác năm 2009). Diện tích ngô xuân tại những xã này có tăng, song chỉ số tăng rất thấp (năm 2014 tăng 11% so với năm 2010).

Theo ông Đỗ Xuân Huấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc cây ngô phát triển chậm, thậm chí thụt lùi tại một số địa phương trong huyện thời gian qua là do: Một số bộ phận dân cư coi nhẹ việc sản xuất tăng vụ ngô đông; tình hình biến đổi khí hậu thời gian qua mang tính cực đoan: nắng hạn kéo dài dẫn đến khó khăn trong việc làm đất, gieo trồng.

Bên cạnh đó, địa bàn huyện thường xuyên xảy ra rét đậm, rét hại, sương muối làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng của cây ngô. Từ đó, dẫn đến năng suất ngô đông, ngô xuân không cao nên người dân chán nản, bỏ sản xuất. Cấp ủy, chính quyền cơ sở một số nơi chưa làm tốt công tác vận động nhân dân canh tác; việc hỗ trợ giống, kỹ thuật... có lúc, có nơi chưa kịp thời đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch phát triển cây ngô tại địa phương.

Khắc phục những hạn chế nêu trên, UBND huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích canh tác cây ngô; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông cấp xã, từ đó hướng dẫn người dân áp dụng KHKT trong canh tác các giống ngô có sản lượng, chất lượng cao; tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn canh tác ngô lai tại những vùng còn nhiều quỹ đất mở rộng phát triển sản xuất...


Có thể bạn quan tâm

Mở Rộng Khu Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Mở Rộng Khu Nông Nghiệp Công Nghệ Cao

Ban Quản lý cũng đang xúc tiến làm việc với các đơn vị để tiếp nhận khu đất khoảng 180ha tại Nông trường An Hạ (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) để xây dựng Khu NNCNC chuyên về chăn nuôi, chủ yếu nghiên cứu phát triển giống heo, bò…

11/09/2014
Tìm Thị Trường Cho Chè Ba Trại Tìm Thị Trường Cho Chè Ba Trại

Xã Ba Trại thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội) với thương hiệu chè sạch truyền thống. Chè sạch Ba Trại đã được chứng nhận thương hiệu cách đây 4 năm nhưng người nông dân nơi đây vẫn đang vất vả tìm đường cho sản phẩm truyền thống của mình, nơi mà một thị trường rộng lớn chỉ cách 60km...

11/09/2014
Giữa Năm 2015, Việt Nam Sẽ Trồng Đại Trà Cây Biến Đổi Gene Giữa Năm 2015, Việt Nam Sẽ Trồng Đại Trà Cây Biến Đổi Gene

Với việc Bộ TNMT cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học (ATSH) cho ngô biến đổi gene, đại diện Hội đồng ATSH cho rằng, chỉ còn một thủ tục là đăng ký giống với Bộ NNPTNT để tiến hành khảo nghiệm kết hợp diện hẹp, diện rộng một vụ nữa là nông dân sẽ được trồng loại cây này.

11/09/2014
Vì Sao Lê Trung Quốc Để 5 Tháng Không Hỏng Viện Trưởng Cũng “Bó Tay“! Vì Sao Lê Trung Quốc Để 5 Tháng Không Hỏng Viện Trưởng Cũng “Bó Tay“!

Viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia cho biết, ông cũng tự mua một quả lê Trung Quốc để tại phòng làm việc tại Viện. Đến nay, đã 5 tháng mà quả lê này không bị hỏng và việc tìm nguyên nhân vì sao trái cây vẫn tươi mới là điều rất khó khăn.

11/09/2014
Nông Dân Kiên Giang - Cà Mau Nguy Cơ Về Một Mùa Mía Đắng Nông Dân Kiên Giang - Cà Mau Nguy Cơ Về Một Mùa Mía Đắng

Thông tin Nhà máy Đường Thới Bình thuộc Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam (gọi tắt là NMĐ Thới Bình), tại ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau) ngừng thu mua mía trong vụ mùa tới khiến hàng ngàn hộ dân trồng mía ở Cà Mau, Kiên Giang như đang ngồi trên lửa.

11/09/2014