Cây Ngô Trên Đất Tủa Chùa
Được xác định là một trong những loại cây lương thực quan trọng trong cơ cấu cây trồng nông nghiệp, những năm qua, cây ngô luôn giữ vai trò quan trọng giúp người dân trên địa bàn huyện Tủa Chùa xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, việc canh tác cây ngô tại một số vùng trên địa bàn huyện có dấu hiệu chững lại cả về diện tích và năng suất. Làm gì để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực hiện chiến lược phát triển cây ngô tại địa phương là nội dung cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn trên địa bàn luôn quan tâm, trăn trở.
Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, năm 2013, tổng diện tích gieo trồng ngô trên địa bàn là 4.947ha (giảm 41ha so với năm 2012); năng suất bình quân đạt 17,9 tạ/ha; tổng sản lượng đạt 8.893 tấn, chiếm gần 50% sản lượng các loại cây lương thực có hạt trên địa bàn.
Nhiều năm nay, ngô là loại lương thực chủ yếu của người dân Tủa Chùa và là thứ hàng hóa luôn được tư thương ưa chuộng. Bên cạnh đó, ngô cũng được người dân sử dụng làm thức ăn nuôi gia súc, gia cầm và nguyên liệu nấu rượu...
Xác định được giá trị của cây ngô trong chiến lược phát triển kinh tế huyện nói chung; vai trò của cây ngô đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn nói riêng, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và nhân dân tập trung mọi nguồn lực phát triển cây ngô thành cây chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp địa phương.
Từ năm 2010, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển sản xuất ngô trên địa bàn với các nội dung cơ bản: Tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân tăng vụ, mở rộng diện tích trồng ngô, đặc biệt là tận dụng diện tích đất nương có độ dốc lớn không thể canh tác các loại cây trồng khác, hoặc những vạt đất xen lẫn trong các triền núi đá; đất bồi ven sông, suối.
Các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác ngô: sử dụng giống là các loại ngô lai: VN 10, CP 888, VN 885; cách trồng, chăm sóc, sử dụng các loại phân bón, xử lý sâu bệnh trên cây ngô...
Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm huyện Tủa Chùa phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức từ 3 - 5 đợt tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm khuyến nông - Khuyến ngư; cán bộ khuyến nông xã, thị trấn trên địa bàn. Đặc biệt, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện tổ chức thực hiện mô hình trình diễn ngô lai trên đất tái định cư tại thôn Huổi Lực II, xã Mường Báng.
Mô hình đã trang bị cho nông dân những kỹ thuật cơ bản trong canh tác ngô lai, từ kỹ thuật làm đất, gieo trồng, bón phân tới cách phát hiện và phòng trừ sâu bệnh. Năng suất mô hình đạt 60 tạ/ha (gấp hơn 3 lần năng suất bình quân trong toàn huyện) đã góp phần quan trọng thay đổi tư duy, tập quán canh tác lạc hậu của người dân trên địa bàn.
Với việc cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Tủa Chùa đưa ra các biện pháp chỉ đạo, diện tích, năng suất, sản lượng ngô tại một số địa phương trong huyện đã tăng đáng kể. Điển hình, tại xã Tả Sìn Thàng năm 2008, diện tích trồng ngô toàn xã mới có 100ha, đến năm 2013, đạt trên 700ha.
Ông Hạng A Náng, Chủ tịch UBND xã Tả Sìn Thàng cho biết: Hiệu quả từ việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác ngô từ cánh đồng Huổi Lực II (xã Mường Báng) và Tà Là Cáo (xã Sính Phình) là cơ sở để người dân trong xã mở rộng diện tích, tăng vụ trong canh tác cây ngô. Với trên 700ha chuyên canh, cây ngô chiếm trên 60% tổng diện tích đất nông nghiệp của xã.
Cũng đạt được nhiều thành quả trong phát triển cây ngô như xã Tả Sìn Thàng, diện tích, năng suất ngô tại xã Sính Phình luôn có mức tăng trưởng cao, diện tích trồng ngô của xã năm 2013 tăng 200% so với năm 2008. Trong đó, năm 2013 diện tích trồng ngô đông của xã chiếm trên 90% tổng diện tích ngô đông toàn huyện.
Bên cạnh một số kết quả tích cực trong việc phát triển cây ngô, tại một số địa bàn, việc phát triển cây ngô có chiều hướng chững lại, thậm chí thụt lùi.
Nếu như, từ năm 2009 - 2012 ngô đông phát triển mạnh tại các xã Xá Nhè, Tủa Thàng thì đến niên vụ 2014 diện tích ngô đông tại các xã này giảm mạnh (giảm 80% so với diện tích canh tác năm 2009). Diện tích ngô xuân tại những xã này có tăng, song chỉ số tăng rất thấp (năm 2014 tăng 11% so với năm 2010).
Theo ông Đỗ Xuân Huấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc cây ngô phát triển chậm, thậm chí thụt lùi tại một số địa phương trong huyện thời gian qua là do: Một số bộ phận dân cư coi nhẹ việc sản xuất tăng vụ ngô đông; tình hình biến đổi khí hậu thời gian qua mang tính cực đoan: nắng hạn kéo dài dẫn đến khó khăn trong việc làm đất, gieo trồng.
Bên cạnh đó, địa bàn huyện thường xuyên xảy ra rét đậm, rét hại, sương muối làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng của cây ngô. Từ đó, dẫn đến năng suất ngô đông, ngô xuân không cao nên người dân chán nản, bỏ sản xuất. Cấp ủy, chính quyền cơ sở một số nơi chưa làm tốt công tác vận động nhân dân canh tác; việc hỗ trợ giống, kỹ thuật... có lúc, có nơi chưa kịp thời đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch phát triển cây ngô tại địa phương.
Khắc phục những hạn chế nêu trên, UBND huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích canh tác cây ngô; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông cấp xã, từ đó hướng dẫn người dân áp dụng KHKT trong canh tác các giống ngô có sản lượng, chất lượng cao; tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn canh tác ngô lai tại những vùng còn nhiều quỹ đất mở rộng phát triển sản xuất...
Related news
Bước sang năm 2014 là năm thứ 4, Công ty CP Cao su Hà Giang triển khai trồng, chăm sóc các giống cao su kháng lạnh. Ký ức về thiệt hại do giá rét năm 2010 vẫn chưa nguôi, nhưng đó cũng là bài học, là kinh nghiệm vô cùng quý giá để cho người trồng cao su thêm phần quyết tâm trên vùng đất khó.
Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết trong thời gian vừa qua như rét đậm, rét hại kéo dài, hạn hán... việc triển khai sản xuất vụ Xuân ở Yên Minh theo đúng khung thời vụ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Với lợi thế thời gian nuôi ngắn và sản lượng cao, cùng với giá cả liên tục tăng cao, tôm chân trắng đã được nông dân chọn làm đối tượng nuôi công nghiệp. Trong khi đó, tỉnh Cà Mau chưa sản xuất được con giống thẻ chân trắng. Ngành chức năng chưa ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng kiểm tra chất lượng giống tôm chân trắng. Vì thế, người nuôi tôm có nguy cơ thiếu nguồn tôm giống chất lượng.
Tại các bến bãi của xã, một không khí nhộn nhịp và đông đúc chưa từng thấy. Những con đường dẫn vào bãi sò tắc nghẽn liên tục vì lượng sò ngư dân vận chuyển quá lớn. Trên bãi sò, hàng trăm lao động tất bật chen nhau vận chuyển, phân loại, cạy tách vỏ sò. Các bãi sò ở Chí Công liên tiếp, nối liền nhau như một đại công trường khai thác hải sản.
Vụ chiêm xuân 2013 – 2014, toàn tỉnh gieo cấy 8.273ha, đạt 98,25% kế hoạch. Để đảm bảo nước tưới cho lúa chiêm xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp cung cấp nguồn nước, kịp thời cho cây lúa.