Cây mận Bắc Hà trên đất Ham Soong
Gian nan con đường “bén rễ”
Nhắc đến câu chuyện về cây mận Bắc Hà và cái “duyên” để loài cây này bén rễ đất Ham Soong, có lẽ không thể không nhắc đến người đàn ông dân tộc Mông gần 70 tuổi, có tên Mùa A Sình. Bởi lẽ, ông là một trong số những người đầu tiên đưa cây mận Bắc Hà lên trồng trên đất Ham Soong, đồng thời cũng nằm trong số ít người kiên trì gìn giữ gốc mận, sau gần 20 năm vất vả mà không mang lại giá trị kinh tế.
Cũng giống như gần 50 hộ dân khác trong bản Ham Soong, ông Sình sinh ra và lớn lên trên quê hương Bắc Hà (Lào Cai) - nơi được biết đến với những vườn mận tam hoa bạt ngàn. Cũng bởi cuộc sống khó khăn, thiếu đói, năm 1997 họ đã rời bỏ quê hương, tìm vùng đất mới lập nghiệp. Sau nhiều ngày “ăn cơm nắm và ngủ đường” mỏi mệt, Ham Soong là mảnh đất họ lựa chọn để sinh sống, do có khí hậu trong lành, hơi se lạnh, gần tương đồng với quê hương cũ. Trong hành trang mang theo, có một thứ được họ hết sức trân trọng và dành nhiều kỳ vọng, đó là giống mận Bắc Hà.
Những hạt giống đầu tiên sau một thời gian trồng thử, đã nảy mầm. Thấy có triển vọng, ông Sình rủ ông Tráng A Chu cùng quay lại quê hương Bắc Hà lấy thêm giống lên trồng tiếp. Với bản tính chăm chỉ, cần cù, họ đã cải tạo cả một khu đồi rộng đầy cỏ hoang thành những vườn mận tam hoa xanh tốt. Những tháng ngày đầu cơ cực, thiếu ăn, thiếu đói nhưng họ vẫn dồn công sức và cả tâm huyết để chăm cho cây mận phát triển.
Bên dòng suy tư về những ngày tháng cũ, ông Sình tâm sự: “Cây mận Bắc Hà rất phù hợp với khí hậu ở Ham Soong nên lớn nhanh lắm. Cứ đến mùa là cây nào cây ấy sai trĩu quả. Thế nhưng, Ham Soong ngày ấy là vùng heo hút, xa trung tâm, lại cách trở về giao thông nên dù tốt đến mấy, quả có ngọt cỡ nào, thì cũng chẳng ai biết đến. Không bán được đi đâu, chỉ có bọn trẻ trong nhà, trong bản ăn, mà ăn mãi thành chán. Những quả mận “chen nhau” ra kín cành ngày nào, thì rồi cũng lại “lũ lượt” rụng đầy dưới gốc. Như một lẽ tất yếu, vài năm như thế, những người dân ở Ham Soong đã không còn hy vọng vào cây mận nữa, đành bỏ mặc chúng “sống, chết” theo cách tự nhiên. Hiện ở Ham Soong chỉ có gia đình ông Sình và ông Chu là còn diện tích trồng mận Bắc Hà lớn (khoảng gần 1ha), còn lại trung bình mỗi hộ chỉ có khoảng 15 - 20 gốc. Không biết có phải vì xót xa với tâm huyết, công sức bao năm bỏ ra hay không mà một số hộ vẫn cố giữ lại vài gốc quanh nhà, nhưng với ông Sình thì “đó như là cách để lưu giữ hình ảnh quê hương”.
“Âm thầm” cho mùa “quả ngọt”
Thế nhưng, sự kiện làm đổi thay “số mệnh” của cây mận Bắc Hà ở Ham Soong là từ khi chia tách, thành lập huyện Nậm Pồ. Ông Mùa Chớ Sùng, Chủ tịch UBND xã Vàng Đán thành thật chia sẻ: “Sống ở đất này lâu, nhưng tôi cũng mới biết đến quả mận tam hoa Bắc Hà ở Ham Soong khi xã Vàng Đán chia tách (năm 2013), tôi về đây nhận công tác và được ông trưởng bản Mùa A Chùa mang biếu. Nếm thử thấy vị ngon đặc biệt, lại róc hạt hơn hẳn một số loại mận trong vùng nên tôi đã mua một ít mang biếu một vài người thân trên huyện. Tiếng lành đồn xa, từ những người quen của tôi, rồi nhiều người được nếm thứ quả này đã tìm về đây hỏi mua. Chẳng mấy chốc, chưa hết mùa mà những người dân ở Ham Soong đã chẳng còn mận để bán”.
Mùa đầu tiên được nhiều người biết đến, người dân Ham Soong không phải mang mận đi đâu bán mà phần lớn là người ta tự tìm về tận vườn hỏi mua. Nhiều gia đình đã thu hoạch hàng tấn mận, với giá bán bình quân 10 nghìn đồng/kg. Sang mùa thứ 2 cuối tháng 5 vừa qua, cây mận Bắc Hà đã mang lại nguồn thu đáng kể và ổn định cho hơn 40 hộ ở Ham Soong, với mức bình quân trên 10 triệu đồng/hộ/vụ. Riêng gia đình ông Sình và ông Chu, do diện tích lớn hơn nên thu nhập vài chục triệu đồng.
Sau mùa mận đầu nức tiếng, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nậm Pồ đã cử cán bộ về tận bản Ham Soong để nghiên cứu, tìm hiểu. Với những đánh giá khả quan và các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu... thuận lợi, huyện đã cho chủ trương nhân rộng diện tích trồng, nhưng phải có quy hoạch cụ thể nhằm tránh việc trồng ồ ạt gây khó khăn về đầu ra và đảm bảo chất lượng quả. Cuối năm 2014 huyện cử cán bộ chuyên môn chuyển giao kỹ thuật chiết cành cho 5 hộ và hướng dẫn cách chăm sóc cho hơn 40 hộ có mận trong bản. Cho đến nay, 5 hộ được chuyển giao kỹ thuật chiết cành đã tiến hành trồng mới và cây đang phát triển khá tốt. Riêng gia đình ông Tráng A Chu, với hơn 100 cành chiết đợt 1, ông cho trồng mở rộng diện tích, cung cấp giống cho một số hộ khác trong bản và hiện đang tiến hành chiết đợt 2.
Theo Chủ tịch UBND xã Vàng Đán thì mục tiêu chính quyền địa phương xác định là quy hoạch Ham Soong thành vùng trồng mận Bắc Hà trong thời gian tới, với diện tích khoảng 50ha, bình quân mỗi hộ trồng 1ha để đảm bảo chăm sóc tốt và duy trì phát triển ổn định.
Ham Soong là vùng đất đồi khô cằn, xưa nay người dân vẫn quen với những cây trồng truyền thống, như: ngô, lúa, đậu tương... Nhiều năm về trước, mảnh đất này đã được các cấp chính quyền địa phương cho thử nghiệm chuyển đổi nhiều giống cây trồng, nhưng đều chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Trong khi đó, cây mận Bắc Hà gần như không phải bỏ ra nguồn vốn nào, lại đang cho những tín hiệu vui bước đầu. Xem ra, với sự quan tâm, định hướng và hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn của huyện, cũng như chính quyền xã, cây mận Bắc Hà đang là hướng đi hứa hẹn kết quả tích cực trong xóa đói giảm nghèo, thậm chí có thể làm giàu cho nhiều gia đình ở Ham Soong.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 3/6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số bất cập trong Nghị định 36 về nuôi, chế biến xuất khẩu cá tra vừa ban hành; đồng thời lùi thời gian bắt đầu thực hiện đến 1/7/2015, thay vì từ 20/6 năm nay.

Theo UBND huyện Krông Nô, hàng năm, địa phương có trên 2.700 ha lúa nước vụ hè thu, 1.795 ha lúa nước vụ đông xuân và hơn 1.900 ha ngô. Những năm gần đây, việc đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã đưa lại những hiệu quả kinh tế lớn.

Để giúp nông dân phòng chống bệnh rệp sáp tấn công, ngành Nông nghiệp huyện Chư Jút đã phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương hướng dẫn nông dân mua các loại thuốc đặc trị rệp sáp về phun và khuyến cáo nông dân nên tiến hành cắt và tiêu hủy những cành, chùm quả đã bị khô nhằm hạn chế sự phát triển của rệp sáp.

Đến thời điểm này đã có 12 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, như điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dầu thô; thủy sản; gỗ và sản phẩm gỗ; cà phê; gạo...

Cuối tháng 5, nông dân huyện Mường Chà bước vào những ngày thu hoạch cuối cùng của vụ lúa đông xuân. Vụ này Mường Chà được mùa, mang lại niềm vui lớn cho người nông dân. Trong các thôn bản, bà con tận dụng từng khoảng trống bằng phẳng, tranh thủ trời nắng để phơi lúa.