Dù Giá Tăng, Người Chăn Nuôi Nói Vẫn Lỗ

Mặc dù giá các sản phẩm chăn nuôi đã tăng nhẹ trong hơn 1 tháng qua nhưng ngành chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với tình trạng càng nuôi càng lỗ.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội, cho hay giá heo loại 1 bán tại HTX dao động từ 40.000 đến 41.000 đồng/kg, cao hơn so với mức đáy vài tháng trước khoảng 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá bán này, nông dân vẫn lỗ 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Ông Chiến cho hay, tình trạng thua lỗ của nông dân diễn ra từ giữa năm 2012 và kéo dài tới bây giờ đã khiến cho kinh tế của nông dân trong HTX ngày càng kệt quệ, họ phải bán đất, vay ngân hàng và nay không còn khả năng trả nợ.
“Chúng tôi đã cố hết sức cầm cự rồi, nhưng nếu thị trường không khả quan thì sẽ rất nhiều hộ nông dân tại HTX không còn khả năng tái đàn” – ông Chiến bức xúc.
Ông Nguyễn Đình Thành ở Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội, chủ của một trang trại gà thịt trên 3.000 con, nói rằng giá gà xuất chuồng đang được thu mua với giá 25.000 - 26.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi kí lô gà người chăn nuôi đang chịu lỗ 2.000 - 3.000 đồng.
Ông Thành giải thích, nuôi gà từ khi bóc trứng tới khi xuất chuồng, tính tổng cộng chi phí từ thức ăn, giống, phí đầu tư chuồng trại... giá gà bán ra thấp nhất phải 28.000 đồng/kg mới hòa vốn. Vì thế, với số gà 500 con xuất chuồng thời điểm này anh đang lỗ nặng.
Ông Chiến cho hay, số hộ trong HTX nuôi gia công cho công ty nước ngoài chiếm 60%. Những hộ này ổn định hơn so với những hộ khác vì được bao tiêu đầu ra. Tuy nhiên, theo ông Chiến, các hộ này gần như đang làm không công cho các công ty nước ngoài.
“Về lâu dài, nếu nhà nước không có một chính sách thích đáng thì ngành chăn nuôi sẽ thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài và chúng ta sẽ phụ thuộc họ cả về chi phí đầu vào lẫn giá cả đầu ra” – ông Chiến lo ngại.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2013 của ngành chăn nuôi diễn ra ngày 3-7, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho hay, 6 tháng đầu năm nay, ngành chăn nuôi gặp khó khăn nhất về tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Dương lại cho rằng: “hiện ngành chăn nuôi đang dần ổn định trở lại, giá đang tăng và người chăn nuôi đang có lãi” và ông hy vọng “đến cuối năm ngành chăn nuôi sẽ không thiếu thịt”. Đồng thời ông cũng cho rằng “chưa bao giờ chúng ta (ngành chăn nuôi) làm tốt như 6 tháng qua”.
Theo ông Dương, trong tháng 7 này, Cục chăn nuôi sẽ hoàn tất một số đề án lớn để trình lên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, bao gồm đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đề án phát triển thụ tinh nhân tạo, đề án nâng cao năng lực quản lý giống vật nuôi và các chính sách phát triển chăn nuôi nông hộ.
Cục Chăn nuôi cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thịt các loại sản xuất trong nước đạt 2,62 triệu tấn, tăng 2,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thịt heo hơi đạt 1,94 triệu tấn (chiếm 74%), thịt gia cầm hơi đạt 439.200 tấn (chiếm 16%), thịt trâu, bò hơi đạt 230.000 tấn (chiếm 9%). Theo Cục Chăn nuôi, do tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn nên đàn heo, gia cầm chỉ tăng nhẹ trong khi đàn trâu, bò giảm. Cụ thể, hiện đàn heo cả nước đạt 26,9 triệu con (tăng 1,08%), đàn gia cầm đạt 314 triệu con (tăng 1,17%).
Có thể bạn quan tâm

TS. Đặng Thị Hoàng Oanh, Khoa Thủy sản (Trường đại học Cần Thơ), vừa có buổi trao đổi kinh nghiệm với nông dân về điều trị bệnh gan thận mủ ở cá tra. Theo TS. Oanh, ngoài các loại thuốc đặc trị, thị trường đã có vaccine ALPHA JECT Panga 1, chuyên phòng bệnh cho cá tra. Vaccine được nhập khẩu từ Na Uy, qua khảo nghiệm giúp cá chống lại vi khuẩn Edwardsiella ictaluri trong suốt quá trình nuôi.

Ốc len hay còn gọi là linh hoa (tên khoa học Cerithidea obtusa) sống tự nhiên ở những khu rừng ngập mặn hay các bãi bồi ven biển, là loại đặc sản quý có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nuôi ốc len cho thu nhập không cao bằng một số loài thủy sản khác như tôm sú, cua biển, sò huyết... nhưng có ưu thế là phù hợp điều kiện của hộ nghèo, nhất là hộ đang nhận giao khoán chăm sóc và bảo vệ rừng.

Thời gian qua, nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện nhỏ phát triển quá mức, mang tính tận diệt… làm nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị cạn kiệt. Trước thực trạng đó, nhiều tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ đã được xây dựng tại huyện Tuy An (Phú Yên) nhằm góp phần bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Dù bài học về vụ nuôi cá sấu khiến cho nhiều người nông dân ở Cà Mau và Bạc Liêu trắng tay cách đây chưa lâu, nhưng trước tình trạng người dân Đồng bằng sông Cửu Long ồ ạt nuôi trở lại khiến cho ngành chức năng lo lắng cảnh cũ lại tái diễn.

Đến thời điểm này, nông dân tỉnh Hậu Giang đã thả nuôi thủy sản trên ruộng lúa được hơn 1.303ha, đạt gần 35% kế hoạch. Trong đó, cá - ruộng 1.299ha, tôm càng xanh - ruộng 4,4ha, tập trung ở các huyện: Phụng Hiệp, Long Mỹ, Châu Thành A, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh.