Cây gừng ở Mỹ Thanh (Bắc Kạn)
Đưa gừng lên núi
Quyết định chọn thôn Thôm Ưng, thôn xa nhất xã để tìm hiểu việc trồng gừng của bà con. Con đường mòn dẫn lên Thôm Ưng vắt vẻo ngang sườn núi, đi lại chẳng dễ dàng chút nào, vậy mà nhiều năm nay bà con dân tộc Dao ở đây tự thồ hàng tạ gừng xuống núi để mang ra chợ Bắc Kạn bán.
Vượt đoạn đường dài 13km với đèo dốc quanh co, đá hộc lởm chởm chúng tôi đến thôn Thôm Ưng khi trời đã xế trưa. Thôm Ưng hiện có 29 nóc nhà với phần lớn là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Bốn bề bao quanh bởi đồi núi, lại ở trên cao, khí hậu khắc nghiệt thường có sương muối vào mùa đông vì vậy chỉ cấy được một vụ lúa trong năm, thời gian còn lại các hộ tập trung vào trồng gừng. Tìm đến hộ ông Sằm Long Du, người đầu tiên trong thôn đưa cây gừng về đây trồng chúng tôi được biết gia đình ông gắn bó với cây gừng đến nay đã được 10 năm.
Trước đó, bản thân ông cũng chưa biết trồng cây gì để thoát nghèo, nhất là ở nơi có điều kiện về thời tiết, địa hình phức tạp như Thôm Ưng. Có cơ hội đi vài nơi trong tỉnh thấy người dân trồng gừng cho năng suất cao nên ông cũng mạnh dạn tìm tòi rồi mua giống về trồng trên đất đồi dốc, do khí hậu thích hợp nên cây gừng phát triển tốt, củ to. Dần dần ông cải tạo những diện tích đất đồi rừng kém hiệu quả để chuyển đổi sang trồng cây gừng, và trở thành hộ tiên phong đưa cây gừng lên núi trồng với diện tích và thu nhập luôn đứng đầu thôn.
Hộ thứ hai trong thôn nối tiếp trồng gừng là gia đình anh Nguyễn Thanh Mộng. Vốn là người gốc Cà Mau, anh nên duyên với vợ mình rồi chuyển hẳn về Thôm Ưng sinh sống đã được 6 năm. Anh Mộng chia sẻ: Thời gian đầu về đây cuộc sống quá khó khăn, giao thông đi lại trắc trở, thậm chí anh còn không dám đi xe máy xuống núi. Dần dà học mãi cũng quen, thấy gia đình ông Du trồng gừng cho hiệu quả, thu nhập cao nên anh thấy ham và rồi bắt tay vào gom tiền mua giống về trồng. Ban đầu chưa có vốn, anh chỉ mua khoảng 20kg giống về trồng, lấy ngắn nuôi dài đến nay vợ chồng anh đã phát triển lên khoảng 1ha chuyên trồng gừng.
Thời gian đầu chưa mấy ai hứng thú với cây trồng này vì chưa biết hiệu quả ra sao, thế nhưng khi thấy ông Du làm ăn có hiệu quả thì các hộ khác học tập và làm theo. Đến nay thôn Thôm Ưng có hơn 10 hộ tham gia trồng gừng và có thu nhập từ cây trồng này.
Thu nhập cao từ gừng
Được biết, mỗi một héc ta trồng gừng gia đình ông Du thu được bình quân từ 7 đến 10 tấn, giá bán từ 10.000 đến 20.000đồng/kg tùy theo từng loại to, nhỏ, đem lại thu nhập 100 triệu đồng/ha. Với 2ha, ông thu được khoảng 20 tấn gừng, thu nhập 200 triệu đồng. Nhờ cây trồng này mà gia đình ông Du đã mua được đất xuống gần trung tâm xã và xây được nhà khang trang, kiên cố.
Qua câu chuyện của anh Mộng chúng tôi biết thêm, mỗi chuyến anh chở từ 1 đến 2 tạ gừng xuống chợ Bắc Kạn bán là đã có thu nhập từ 2 đến 4 triệu đồng/ngày. Hiện anh còn giữ khoảng 1 tấn gừng già để cuối vụ bán giống cho bà con, hứa hẹn sẽ có thu nhập khoảng trên dưới 30 triệu đồng.
Để minh chứng, anh Mộng dẫn chúng tôi đi thực tế tại hai vạt đồi mà bà con trồng gừng. Địa điểm dừng chân đầu tiên là đồi Khau Sáng, chỉ tay lên phía vạt đồi anh cho biết hiện nay đang là thời vụ nên toàn bộ những diện tích này đã được bà con trồng gừng. Những củ gừng được vùi xuống đất đang nhú mầm chỉ vài tháng nữa thôi là sẽ phát triển xanh tốt.
Dừng chân trên diện tích trồng gừng của gia đình, anh Mộng lấy tay bới những khóm gừng già được anh giữ làm giống để cuối vụ xuất bán, với giá bán gừng giống là 27.000đồng/kg thì anh cũng có một khoản thu nhập khá. Hiện bên xã cũng đã liên hệ với gia đình anh để mua khoảng 2 tấn giống cung ứng cho bà con của thôn Thôm Ưng. Nghe đâu đây là vốn của Chương trình 135 hỗ trợ cho hộ đồng bào dân tộc vùng cao phát triển kinh tế.
Anh Triệu Văn Hữu, trưởng thôn Thôm Ưng cho biết: Hiện cả thôn có hơn 10 hộ tham gia trồng gừng. Thu nhập cao nhất là gia đình ông Triệu Văn Ái, Sằm Long Du với hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, các hộ còn lại thu nhập bình quân hàng chục triệu đồng. Nhờ cây trồng này mà nhiều hộ đã có của ăn của để, thôn hiện còn 5 hộ nghèo theo chuẩn mới.
Ngoài thôn Thôm Ưng, cây gừng cũng được phát triển mạnh tại thôn Phiêng Kham với 50% người dân tham gia trồng. Theo như lời trưởng thôn Triệu Phúc Tiến, hộ trồng nhiều nhất là gần 2ha, hộ ít thì vài nghìn mét vuông. Trong đó, tiêu biểu có hộ bà Nguyễn Thị Thắm trồng 1,5ha gừng, thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi vụ. Cũng từ phát triển trồng cây gừng, cây chít mà giờ đây ở Phiêng Kham đã có nhiều nhà cao tầng khang trang mọc lên, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.
Theo báo cáo của xã Mỹ Thanh, hiện nay toàn xã có khoảng 15ha gừng, sản lượng bình quân hằng năm đạt gần 200 tấn. Có hai loại gừng được trồng phổ biến ở địa phương này mà bà con cứ quen gọi là gừng to và gừng nhỏ. Giống gừng to năng suất cao hơn giống gừng củ nhỏ từ 8 đến 10% nhưng giá bán trên thị trường thấp hơn gừng củ nhỏ. Bởi giống củ nhỏ chịu hạn tốt, dễ trồng, có độ cay mạnh và thơm được người tiêu dùng ưa chuộng nên bán được giá cao hơn.
Đồng chí Đặng Quốc Bảo - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thanh cho biết: Hiện nay tại địa phương có 3 loại cây trồng chính giúp nâng cao thu nhập cho người dân là gừng, chít, khoai môn. Nhận thấy cây gừng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên chính quyền địa phương đã có định hướng phát triển cây trồng này trong giai đoạn 2015 - 2020.
Trong đó chỉ đạo nhân dân thực hiện thâm canh cây gừng hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung. Theo đó, năm 2015 xã đã sử dụng nguồn vốn 58 triệu đồng trong hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135 để mua giống hỗ trợ cho nhân dân thôn Thôm Ưng trồng. Đồng thời sẽ chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho cây gừng giúp nhân dân phát triển ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Vì còn nhiều thời gian chuẩn bị, người trong cuộc ngành chăn nuôi Việt Nam tự tin còn nhiều cơ hội để thắng, chí ít là không thua trên sân nhà.
Hiện nay, thời tiết trên địa bàn thường xuất hiện những đợt nắng, mưa thất thường - là điều kiện có thể phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm (GS,GC).
Con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi tới trang trại rộng trên 3 ha với thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm của anh Phan Văn Miền, xã Yên Mạc (Yên Mô - Ninh Bình) khiến chúng tôi phần nào mường tượng ra con đường vươn lên làm giàu của người nông dân này cũng thật gian nan.
Tỉnh Sóc Trăng có khoảng 18.600 hộ chăn nuôi, với tổng đàn gia cầm hơn 4,9 triệu con, gia súc hơn 315 ngàn con. Theo Chi cục Thú Y tỉnh, hằng ngày có trên 1.153 tấn chất thải trong chăn nuôi cần xử lý.
Ở Chư Sê (Gia Lai), nói về đại gia chân đất thì nhiều vô kể, nhưng có một con người mà bất kể ai ngay từ lần gặp đầu tiên cũng đều ấn tượng mạnh, đó là Đào Tiến Tình (SN 1971, thường trú tại huyện Chư Sê).