Tập Trung Phòng, Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi
Thời gian này đang là vụ nuôi tôm chính trong năm, song ở nhiều vùng nuôi tôm trọng điểm, lại đang bùng phát dịch bệnh gây thiệt hại nặng cho hàng nghìn ha nuôi tôm của bà con nông dân. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với Phó Cục trưởng Thú y Dương Tiến Thể về tình hình dịch bệnh và các giải pháp ngăn chặn dịch lan rộng.
Phóng viên (PV): Ðề nghị đồng chí cho biết cụ thể về diễn biến dịch bệnh trên tôm nuôi hiện nay? Nguyên nhân do đâu?
Phó Cục trưởng Dương Tiến Thể: Từ đầu năm đến nay, theo báo cáo của các địa phương, có khoảng 14 nghìn ha nuôi tôm tại 232 xã của 60 huyện thuộc 19 tỉnh, thành phố đã bị thiệt hại. Trong đó, khoảng 10 nghìn ha bị thiệt hại là do dịch bệnh, chủ yếu do bệnh đốm trắng (khoảng 5.000 ha), bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (khoảng 1.700 ha) và một số bệnh khác.
Nguyên nhân khách quan chủ yếu là do biến đổi thời tiết, lạnh vào các tháng sau Tết Nguyên đán và hiện nay nắng nóng, mưa nhiều ảnh hưởng lớn đến môi trường nước (thay đổi độ mặn, độ pH) làm tôm bị suy yếu, dễ nhiễm và phát bệnh.
Về chủ quan, do một số địa phương chưa quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản cho nên chưa có đầu tư về hệ thống điện lưới và thủy lợi bảo đảm yêu cầu nước sạch cho sản xuất, chưa có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản hoặc có kế hoạch nhưng không bố trí kinh phí hoặc có bố trí kinh phí cũng rất ít.
Do đó, các hoạt động phòng, chống không được triển khai. Một số địa phương chưa thống nhất phân công nhiệm vụ thú y thủy sản, do đó chưa huy động được lực lượng cán bộ thú y để triển khai công tác phòng bệnh thủy sản.
Công tác tổng hợp thông tin, số liệu báo cáo diện tích dịch bệnh thủy sản chưa kịp thời, không chẩn đoán xét nghiệm cho nên không xác định được bệnh và báo cáo không đúng với thực tế.
Bên cạnh đó, thông tin tuyên truyền còn nhiều hạn chế, dẫn đến người nuôi trồng thủy sản chưa thật sự có ý thức phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên xả thải nước và thủy sản bị bệnh chưa qua xử lý ra môi trường, làm lây lan dịch bệnh. Nhiều hộ nuôi trồng nhỏ lẻ chưa tuân thủ lịch mùa vụ, mua con giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch thú y cho nên chất lượng con giống không bảo đảm, dễ phát bệnh.
PV: Cục Thú y đã triển khai các biện pháp nào để phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi?
Phó Cục trưởng Dương Tiến Thể: Ngay từ đầu năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng, chống như: cải tạo và xử lý ao nuôi trước khi thả giống, điều chỉnh lịch thả giống để tránh các điều kiện thời tiết bất lợi và tránh dịch bệnh...
Ðồng thời, Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y thành lập nhiều đoàn đến các địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản (Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Tiền Giang, Ðồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) để hướng dẫn, kiểm tra, đánh gía tình hình nuôi, dịch bệnh và để phát hiện những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cục Thú y đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả và đã triển khai kế hoạch hành động khắc phục những bất cập trong công tác thú y thủy sản, gồm: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn cho người nuôi kỹ thuật nuôi an toàn vệ sinh; kiểm tra công tác quản lý nhà nước ở các địa phương trong việc bảo đảm điều kiện sản xuất kinh doanh và chất lượng sản phẩm các loại thuốc, hóa chất dùng trong thủy sản.
Các đoàn công tác do trực tiếp lãnh đạo Cục Thú y, các cơ quan thú y vùng đã đi kiểm tra thực tế, góp ý, cung cấp các tài liệu cho cơ quan hữu quan của địa phương để có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập.
PV: Ðề nghị đồng chí cho biết các giải pháp cấp bách cần làm trong lúc này để ngăn chặn dịch lan rộng, hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm?
Phó Cục trưởng Dương Tiến Thể: Hiện, dịch bệnh trên tôm nuôi có xu hướng tiếp tục tăng mạnh và diễn biến phức tạp, nhất là trong tháng 6 này.
Vì vậy, các địa phương cần rà soát, chấn chỉnh công tác thống kê, chẩn đoán xét nghiệm, tổng hợp thông tin, số liệu báo cáo về diện tích dịch bệnh thủy sản; thống nhất phân công nhiệm vụ thú y thủy sản cho Chi cục Thú y theo quy định hiện hành; hướng dẫn người nuôi thực hiện quy trình kỹ thuật được tổng kết từ các mô hình nuôi tôm thành công; tổ chức phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo kế hoạch phê duyệt.
Trong đó, chú ý tới việc tổ chức hệ thống chuyên môn nghiệp vụ đến cơ sở để phát hiện sớm, xác định nhanh, chính xác dịch bệnh và tổ chức chống dịch có hiệu quả. Thực hiện kiểm tra điều kiện sản xuất kinh doanh và chất lượng các sản phẩm con giống, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản theo quy định.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đầy đủ về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người nuôi không lạm dụng các loại thuốc, hóa chất trong phòng bệnh, chỉ sử dụng thuốc, hóa chất có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; ngừng sử dụng trước khi thu hoạch theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất, của cơ quan chuyên môn để tránh tồn dư trong sản phẩm, ảnh hưởng tới xuất khẩu.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Có thể bạn quan tâm
Từ nguồn vốn này, hàng nghìn hộ ngư dân đã đầu tư đóng các loại tàu, thuyền có công suất lớn hơn 90CV, đánh bắt tại những ngư trường xa bờ. Nhiều hộ dân đầu tư nuôi trồng thủy sản, mỗi hộ vài ha mặt nước nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương, ngao... doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
Trước tình hình hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn biện pháp chống hạn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.
Những ngày này rất nhiều ngư dân ở các xã vùng bãi ngang ven biển huyện Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tĩnh) đang được mùa sứa biển, giá thành khá cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể...
Con banh lông là loại hải sản còn ít người biết đến. Nhìn bề ngoài banh lông có hình dạng tròn như trái banh loại nhỏ, sống vùi sâu dưới lớp bùn. Lâu nay hầu như ngư dân ít khai thác loại hải sản này.
Nhiều năm trở lại đây, nuôi tôm trên cát ở vùng ven biển tỉnh Quảng Bình phát triển khá mạnh với diện tích tăng lên mỗi năm. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch vùng nuôi mang tính chiến lược vẫn còn nhiều hạn chế và việc nuôi tôm trên cát phát triển manh mún, tự phát. Vì vậy, để hướng đến mục tiêu phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc tháo gỡ những khó khăn và mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi tôm là điều cần thiết.