Trắng Tay Vì Hành Tây Trung Quốc Lũng Đoạn Thị Trường
Rất nhiều nhà vườn, thương lái tích trữ hàng trăm tấn hành tây tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) chờ cơ hội tăng giá để kiếm lời, nay trở nên trắng tay. Nguyên nhân là do hành cùng loại của Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường, bán với giá rẻ mạt, khiến hành tây Đà Lạt không còn chỗ đứng.
Tiền tỷ đổ theo hành thối
Tranh thủ buổi sáng nắng ráo, gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, đường Thánh Mẫu, phường 7 (Đà Lạt) huy động tất cả thành viên trong gia đình, kể cả cô con gái út mới học lớp 3 cũng ra phụ giúp ba mẹ nhặt bỏ những củ hành thối, bung rễ, mọc mầm để đổ bỏ.
Vụ hành này gia đình chị Hằng tích trữ được khoảng 20 tấn hành tây. Do khi thu hoạch hành gặp mưa, trời ẩm, để trong kho lâu nên đã có tới 50% sản lượng hành đã bung rễ, bắt đầu nảy mầm, nếu không được cắt rễ, đem phơi nắng thì chỉ cần một hai tuần nữa là toàn bộ số hành này phải đổ bỏ...
Từ nhiều năm qua, chưa khi nào người trồng, kinh doanh hành tây Đà Lạt lại lâm vào cảnh khốn khó như hiện nay. Chính giữa vụ hành, giá tại vườn cũng chỉ vào khoảng 6.000đ/kg. Với mức giá như vậy, lời lãi không được bao nhiêu sau hơn 3 tháng canh tác, nhiều gia đình và thương lái đã đặt cọc thu mua hành từ trước đành thuê người thu hoạch cho tất cả vào kho tích trữ.
Theo quan sát, dọc đường Thánh Mẫu, phường 7 (Đà Lạt) dưới những hố đất sâu là hàng chục tấn hành tây đã bị khổ chủ đổ bỏ trước đó, nay gặp mưa nảy mầm lên cây xanh rì. Không ai muốn tin rằng, đây chính là sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của người dân địa phương sau gần nửa năm bỏ công sức, tiền bạc dày công làm ra.
Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng hành, nông dân và giới kinh doanh tại Đà Lạt vẫn tin rằng vào giữa tháng 5 hằng năm trở đi, khi hành tây Trung Quốc không còn ồ ạt đổ sang thị trường Việt Nam nữa thì hành tây Đà Lạt sẽ tăng mạnh, chắc chắn không thể dưới 10.000đ/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 18.000đ/kg bán tại nhà.
Anh Đinh Xuân Đức, một thương lái chuyên thu mua nông sản Đà Lạt vận chuyển đi TP. HCM tiêu thụ cho biết, vào thời điểm thu hoạch hành tây vừa qua, thấy giá hành rẻ nên rất nhiều thương lái đã bỏ ra hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mua hành tích trữ chờ giá lên.
Thế nhưng, đến nay đã quá nửa số hành trong kho của các gia đình đã bị hư thối, mọc rễ, trong khi giá bán chỉ 4.500đ/kg nhưng vẫn rất ít có người mua. Nhiều thương lái do sợ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nên vào đêm khuya họ phải lẳng lặng thuê máy tới chở hành đi đổ, chấp nhận mất trắng.
“Chết” vì hàng Trung Quốc
Chi phí đầu tư cho mỗi sào hành tây (1.000m2) mất khoảng 30 triệu đồng, nếu bán với giá trung bình khoảng 9.000đ/kg, nhà vườn thu về không dưới 50 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, hành tây Đà Lạt chỉ giữ được mức giá cao như vậy khi xuất hiện hàng cùng loại của Trung Quốc trên thị trường Việt Nam. Còn nhiều như hiện nay, hành tây Đà Lạt sẽ rất khó bán, thậm chí không có người mua, hoặc chỉ bán được với giá rẻ mạt gần như cho không.
Theo những người làm nông nghiệp tại Đà Lạt, việc nông sản của họ làm ra phải đổ bỏ làm phân xanh hoặc cho bò ăn không phải là hiếm, những năm gần đây tình trạng này xuất hiện thường xuyên. Rất nhiều nhà vườn, thương lái bị thua lỗ nặng dẫn đến phá sản.
Ông Nguyễn Văn Cường, GĐ Công ty TNHH Đà Lạt GAP cho biết, hàng Trung Quốc đã phá hoại nông sản Việt Nam quá nhiều. Người làm vườn chỉ làm ăn được khi chưa hoặc xuất hiện nông sản cùng loại của Trung Quốc trên thị trường. “Khi chúng đã đổ bộ vào nước ta thì hàng Việt Nam chỉ còn cách ra rìa vì không thể cạnh tranh nổi, giá các mặt hàng nông sản của Trung Quốc rẻ như cho, hành tây Đà Lạt cũng không phải ngoại lệ” – ông Cường nói.
Có thể bạn quan tâm
Mới ra đời từ năm 2011, “gạo nhân tạo” còn quá mới để thuyết phục người tiêu dùng, nhưng dù sao hướng đi của các nhà khoa học Indonesia trong chuyện tìm kiếm sản phẩm thay thế gạo hoàn toàn đúng đắn. Bài học “gạo nhân tạo” của Indonesia đáng để nhiều quốc gia học hỏi.
Người nuôi tôm ở phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa trong những ngày này như ngồi trên đống lửa. Tôm thả được khoảng 2 tháng thì bỗng nhiên chết hàng loạt. Nhiều hộ nuôi bị mất trắng mấy chục vạn tôm, không vớt vát được đồng nào.
Hiện nay, giá tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) đang giảm mạnh, khiến nhiều hộ nuôi đến lứa thu hoạch lâm vào cảnh lao đao.
Trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, nếu môi trường không được xử lý tốt sẽ lập tức bị ô nhiễm bởi lượng thức ăn dư thừa, xác chết của một số đối tượng nuôi, chất thải của các đối tượng nuôi...
CHLB Đức hiện đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong số các nước EU, vì vậy có thể nói Đức thực sự là thị trường tiềm năng rất đáng quan tâm để mở rộng xuất khẩu.