Cây Dâu, Con Tằm Nội Địa Lên Ngôi
Nếu như trước đây 90% giống dâu, tằm có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ thì nay người trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chuyển sang nuôi trồng giống dâu, tằm nội địa. Giống dâu, tằm này do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng (TTNCTNNLN) nghiên cứu và đưa vào sản xuất đại trà thời gian gần đây.
Việc sử dụng giống dâu, tằm “made in” Việt Nam đã mở ra một hướng đi mới, từng bước vực dậy ngành sản xuất tơ tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Cuối năm 2012, TTNCTNNLN Lâm Đồng đã chính thức công bố 2 giống dâu mới do chính Trung tâm nghiên cứu. Đó là giống TPL 03 và TPL 05. Đây được xem là những giống dâu nội địa “siêu năng suất”. Trong giai đoạn trồng thử nghiệm và trồng đại trà tại các hộ dân, 2 giống dâu này đã đạt hiệu quả vượt trội. Về năng suất, giống TPL 03 và TPL 05 vượt xa các giống cũ. Ngoài ra, do được nghiên cứu phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ngay tại vùng Lâm Đồng nên 2 giống dâu này còn có khả năng chống sâu bệnh rất tốt.
Trước khi có 2 giống dâu này, TTNCTNNLN Lâm Đồng cũng đã chọn tạo được giống dâu VA 201 và S7 - CB (từ năm 2009) với năng suất bình quân từ 30 - 35 tấn lá/ha. Theo đánh giá, các dòng dâu mới lai tạo (đặc biệt là TPL 03 và TPL 05) có sức sinh trưởng mạnh, kích thước lá lớn, năng suất và khả năng chống chịu bệnh đều cao hơn giống đối chứng.
Ngoài nghiên cứu về giống dâu, Trung tâm còn tiếp tục thuần dòng 8 dòng tằm (từ BL1 đến BL8). Những dòng tằm này mới được chọn tạo trong giai đoạn 2006 – 2010. Kết quả cho thấy cả 8 dòng tằm đều đạt các tiêu chí về sức sống và tỷ lệ vỏ kén. Hiện tại, Trung tâm đã hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống tằm tứ nguyên LĐ 09. Tiến sỹ Nguyễn Mậu Tuấn, Giám đốc TTNCTNNLN Lâm Đồng, cho biết: “Giống tằm LĐ 09 là kết quả nghiên cứu từ việc lai tạo các giống tằm với nhau.
Công trình nghiên cứu này được triển khai từ năm 2006 và đến năm 2008 – 2009 thì những con lai đầu tiên đã được đem ra nuôi thử nghiệm. Đến nay, giống này đã được triển khai nuôi tại các nông hộ với quy mô lớn. Bước đầu, chất lượng kén cũng đã được khẳng định”. Giống tằm LĐ 09 đã được nuôi tại nhiều địa phương như Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh và Bảo Lộc. Năng suất kén bình quân đạt 38 – 40 kg/hộp trứng. Đặc biệt, chất lượng kén đồng đều, cùi dầy, nhộng sống cao.
Từ đó, tỷ lệ tơ tốt và hệ số tiêu hao từ kén ra một kg tơ thấp. “Hiện nay, có 2 cơ sở ươm tơ tại TP Bảo Lộc và huyện Di Linh đã phối hợp với Trung tâm để chuyển giao trứng tằm và tằm con từ giống LĐ 09 để bà con nông dân nuôi. Sau đó, 2 cơ sở này sẽ mua kén về ươm tơ theo công nghệ tự động (trước đây là ươm tơ theo công nghệ cơ khí). Kết quả cho thấy chất lượng tơ tằm rất cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường thế giới” - tiến sỹ Tuấn cho biết thêm.
Trong những năm gần đây, TTNCTNNLN Lâm Đồng đã có nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ và địa phương về cải thiện giống dâu tằm vùng Tây Nguyên. Đề tài “Nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng tơ kén ở Tây Nguyên” là đề tài trọng điểm cấp Bộ được triển khai từ cuối năm 2011 và đến nay đang nhân rộng mô hình.
Theo ghi nhận, việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật từ trồng, thâm canh giống dâu đến kỹ thuật nuôi tằm tiên tiến (như nuôi tằm con tập trung, nuôi tằm 2 giai đoạn) đã làm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng kén, tăng thu nhập.
Ngoài ra, Trung tâm đang triển khai một số đề tài khác như “Nghiên cứu chọn tạo công nghệ nhân giống dâu, tằm”, “Nghiên cứu các biện pháp phòng trừ tổng hợp một số dịch hại chính trên tằm dâu ở Lâm Đồng”, “Thu thập, bảo tồn và đánh giá nguồn gen giống dâu, tằm miền Nam”, “Xây dựng mô hình nuôi tằm giống mới”…
Với những nghiên cứu đã và đang thực hiện, TTNCTNNLN Lâm Đồng đã góp phần đáng kể trong việc phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, việc chủ động nguồn giống dâu, tằm được sản xuất tại chỗ đã giúp người nông dân yên tâm hơn về chất lượng, không còn lâm vào cảnh dở khóc dở cười do trứng tằm kém chất lượng như trước đây. Hiện tại, nhiều địa phương đang dần khôi phục lại ngành nghề truyền thống này với giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích cao hơn so với các loại cây trồng khác.
Có thể bạn quan tâm
Cá nác hoa là loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Cá nác hoa trước đây phân bố tự nhiên rất nhiều ở vùng bãi triều ven biển và vùng cửa sông, cửa lạch các tỉnh ven biển miền Bắc. Tuy nhiên hiện nay, do việc quây đầm, nuôi ngao, sử dụng thuốc diệt tạp bừa bãi nên loài hải sản này phân bố tự nhiên không còn đáng kể và có nguy cơ cạn kiệt.
Để kịp thời tái tạo và bổ sung nguồn lợi này, Dự án “Tái tạo, thả bổ sung giống thuỷ sản tại một số cửa sông nội đồng, ven biển tỉnh Cà Mau” đã được thực hiện gần 2 năm qua, nhưng để được kết quả như mục tiêu đề ra còn rất nhiều việc phải làm.
Trái với mong đợi của nhà nông, sau khi xịt thuốc dưỡng lúa hiệu “9 trong 1” do Công ty Hóa nông lúa vàng sản xuất, nhiều đồng lúa ở ấp Đòn Dong (xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nguy cơ thất thu nặng… Chuyện xảy ra khoảng hơn nửa tháng nay.
Sau 10 năm vất vả làm ăn, trồng đủ loại cây mà kinh tế gia đình vẫn khó khăn. Anh khăn gói vào Nam làm ăn và tìm hiểu những kinh nghiệm trồng cây TLRĐ ở tỉnh Tiền Giang. Năm 2009, anh trở về và đầu tư gần 150 triệu đồng làm đường, đưa các cột bê tông lên khu vườn, kéo điện, đường nước bắt đầu trồng thử nghiệm cây TLRĐ.
Có thể kể thêm câu chuyện tương tự với thịt gà nhập khẩu, cho dù sản phẩm gia cầm nhập khẩu ít được bàn tán hơn. Và vế còn lại là câu chuyện thịt heo, được dự báo sẽ diễn ra tương tự với thịt bò và thịt gà, khi mà châu Âu đang có những bước chuẩn bị tích cực để thâm nhập thị trường Việt Nam.