Cầu Nối Giữa Nông Dân Với Tiến Bộ Khoa Học Kỹ Thuật
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống cây, con mới vào sản xuất để giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN - KN) tỉnh đã thực hiện thí điểm nhiều mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao để chuyển giao cho nông dân.
Đây là động lực quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và là cầu nối chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh kiểm tra mô hình đỗ tương DT 26 tại xã Quốc Dân (Quảng Uyên).
NHỮNG MÔ HÌNH SẢN XUẤT HIỆU QUẢ
Từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2010, Trung tâm KN - KN đã triển khai thực hiện mô hình “chăn nuôi gà an toàn sinh học” tại 2 xã Đức Hồng (Trùng Khánh), Đề Thám (Thị xã), quy mô 3.754 con gà thịt giống Lương Phượng với 30 hộ dân tham gia.
Các hộ nông dân đều thực hiện các yêu cầu trong quá trình nuôi và chăm sóc, do đó, đàn gà sinh trưởng và phát triển khá tốt, không xảy ra dịch bệnh lớn trong suốt quá trình nuôi; tỷ lệ nuôi sống đạt trên 90%. Gà nuôi 12 tuần tuổi, trọng lượng bình quân 2,8 kg/con, với giá thị trường hiện nay là 55.000 đồng/kg, trừ chi phí về giống, thức ăn, thuốc thú y, công lao động, điện thắp sáng, chất độn chuồng..., lãi khoảng 28 nghìn đồng/con gà.
Mô hình giúp người dân tăng thu nhập, tận dụng được sản phẩm phụ trong nông nghiệp, học hỏi được kỹ thuật nuôi gà thịt an toàn sinh học, tránh tổn thất trong chăn nuôi. “Tôi mong có nhiều mô hình chuyển giao cho nông dân nắm bắt khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giúp vươn lên xóa nghèo”, chị Dương Thị Đào, xóm Nà Khiêu, xã Đức Hồng (Trùng Khánh) bày tỏ.
Mô hình nhân giống đậu tương mới DT 26 vụ hè thu triển khai tại xã Ngọc Chung (Trùng Khánh), với diện tích 10 ha, 60 hộ tham gia. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ 60% phân bón và 80% giống, phần còn lại do các hộ tham gia mô hình đảm nhiệm.
Giống đậu tương DT 26 sinh trưởng và phát triển tốt, độ đồng đều khá cao, sau trồng 35 ngày cây bắt đầu ra hoa, thời gian ra hoa làm quả tập trung; quả dài hơn, to hơn so với giống địa phương, thời gian sinh trưởng từ 90 - 95 ngày, năng suất đạt 20 ta/ha. Với giá bán 15 nghìn đồng/kg, người dân thu được 2 tấn/1 ha, trừ chi phí lãi hơn 16 triệu đồng (giống địa phương năng suất chỉ đạt 1 tấn/1 ha, trừ chi phí lãi 6 triệu đồng/ha).
Chị Nông Thị Mục, xóm Cốc Chia, xã Ngọc Chung (Trùng Khánh) cho biết: Những năm trước, gia đình trồng 1.200 m2 đậu tương giống cũ, năng suất chỉ đạt 900 kg. Năm 2010, được Trung tâm KN - KN triển khai mô hình tại xã, với diện tích 1.200 m2 giống đỗ tương DT 26, năng suất cao hơn so với giống địa phương, trừ chi phí gia đình lãi gần 1 triệu đồng. Qua mô hình, bà con trong xã thấy hiệu quả. Năm nay nhiều hộ đưa giống DT 26 vào trồng, diện tích tăng lên hơn 13 ha.
Ngoài ra, Trung tâm KN - KN triển khai các mô hình, dự án hiệu quả, như: Dự án Sản xuất lúa gieo thẳng bằng công cụ cấy sạ, quy mô 22 ha tại xã Hoàng Tung (Hòa An), Hưng Đạo (Thị xã); Cơ giới hóa khâu thu hoạch mía bằng máy chặt mía rải hàng, quy mô 1 máy tại huyện Phục Hòa, Hạ Lang, Thạch An; Sản xuất lúa BiO 404 tại xã Lê Lợi (Thạch An); Lạc L23 tại xã Vân Trình (Thạch An)...
Việc tích cực triển khai và đa dạng hóa các mô hình khuyến nông trong thời gian qua đã giúp nông dân ngày càng được tiếp cận nhiều với các phương thức sản xuất mới, mở rộng kiến thức, thay đổi cách làm ăn, từng bước xây dựng kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Cùng với triển khai các mô hình, Trung tâm KN - KN tổ chức 37 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho gần 2.000 lượt người tham gia, tổ chức 6 đợt tham quan tại các mô hình chăn nuôi, trồng trọt trong và ngoài tỉnh với 214 người tham gia; tổ chức 5 cuộc hội thảo với 307 người tham gia.
NÂNG CAO HIỆU QUẢ NHỮNG MÔ HÌNH
Để nâng cao hiệu quả của những mô hình, cần củng cố hệ thống cán bộ khuyến nông cơ sở, tăng cường đào tạo tập huấn để mỗi cán bộ khuyến nông vừa am hiểu kiến thức về lĩnh vực nông nghiệp, vừa có năng lực làm công tác dân vận, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở trong chỉ đạo nhân rộng các mô hình khuyến nông theo vùng quy hoạch, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương. Đồng thời, các địa phương cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, cho thuê đất, chuyển đổi ruộng cấy lúa kém hiệu quả để xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp.
Các đơn vị ngành nông nghiệp, khi xây dựng mô hình cần gắn với định hướng thị trường, thực hiện tốt khâu chuyển giao kỹ thuật, coi trọng mối liên kết “4 nhà” trong tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Phương pháp tuyên truyền, vận động cần được đổi mới theo hướng cụ thể, thiết thực và dễ hiểu để người dân dễ tiếp cận. Sau mỗi mô hình, nông dân có thể liên kết với nhau theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã để được hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, giống, vốn và bao tiêu sản phẩm...
Đồng chí Hoàng Thị Nương, Giám đốc Trung tâm KN - KN cho biết: Gần đây, Trung tâm triển khai nhiều mô hình sản xuất mới, có giá trị kinh tế cao, được thực hiện thí điểm và chuyển giao cho nông dân. Những mô hình này góp phần đa dạng hóa sản phẩm cây trồng, vật nuôi, hướng đến nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích. Trung tâm ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm ở các mô hình trình diễn. Từ đó giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định, phát triển sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Liên tục trong 8 năm qua, nông dân xã Pró, Đơn Dương đã chuyển đổi diện tích 125ha lúa sang trồng cây củ năng. Thu nhập tăng lên vượt trội, nhưng người nông dân vẫn đang rất cần những mô hình liên kết thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ ổn định, lâu dài.
Nghề dệt thảm xơ dừa ở Cửu Lợi bắt đầu từ những năm 30 của thế kỷ trước. Thời điểm hưng thịnh của làng nghề là những năm sau giải phóng, khi HTX thảm xơ dừa Tam Quan Nam còn hoạt động mạnh mẽ. Bấy giờ thảm sản xuất chủ yếu xuất sang thị trường Liên Xô (cũ).
Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng (Sở NN-PTNT), việc pha chế một số loại thuốc trừ sâu thảo mộc có tác dụng cao nhưng không ảnh hưởng xấu tới chất lượng nông sản và môi trường đang được nhiều hộ nông dân trong tỉnh quan tâm.
Mặc dù Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra đã có hiệu lực hơn 2 tháng nhưng công tác triển khai còn chậm chạp. Cả người nuôi lẫn doanh nghiệp đều lâm cảnh ngóng chờ hiệu ứng của chính sách.
Từng là cán bộ của một hợp tác xã nông nghiệp, ông Tín đã quen dần với những kỹ thuật mới về nuôi gà. Khi đã về hưu, ông tiếp tục phát triển nghề chăn nuôi này. Ông nói: “Thấy diện tích đất cát bỏ hoang hóa nhiều quá, bỏ thì phí nhưng làm mùa thì không đạt hiệu quả.