Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Rô Đầu Vuông Nỗi Lo Đầu Ra

Nuôi Cá Rô Đầu Vuông Nỗi Lo Đầu Ra
Ngày đăng: 12/01/2015

Cá rô đầu vuông đã được nông dân xã Cam Tân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) thả nuôi từ năm 2013 đến nay. Chưa kịp vui khi cá thích nghi tốt thì người nuôi lại đứng trước nỗi lo thiếu đầu ra.

Cá thích nghi tốt

Theo nhiều người dân thôn Vinh Bình, ban đầu, nông dân chỉ nuôi cá rô đầu vuông với số lượng ít để khảo nghiệm. Do thấy cá thích nghi tốt, lớn nhanh nên một số hộ đã mạnh dạn mua thêm con giống về nuôi. Ông Hồ Nhâm Bảo - hộ nuôi cá trong thôn chia sẻ: “Trước đây, tôi đã có thời gian nuôi cá trê lai, nhưng lợi nhuận rất ít do địa hình thấp, có năm bị mất trắng do lũ lụt. Cuối năm 2013, thấy cá rô đầu vuông của một số hộ trong thôn thả nuôi lớn rất nhanh nên tôi gửi mua một ít giống về thả thử.
Ai ngờ thả chơi mà thu thật, chỉ vài ba tháng mà trọng lượng cá đạt 3 - 4 con/kg”. Năm 2014, khi UBND xã Cam Tân hỗ trợ giống cá rô đầu vuông cho nông dân phát triển sản xuất theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Bảo đã đăng ký nhận 12kg cá giống về nuôi. Sau đó, ông tiến hành cải tạo ao để nuôi ghép cá rô đầu vuông với cá chim. Qua vụ nuôi từ tháng 4 đến tháng 7-2014, cá rô đầu vuông lẫn cá chim đều phát triển tốt, không thấy xuất hiện các loại bệnh trên cá.
Từ 12kg cá giống ban đầu, ông Bảo thu hoạch được 700kg, do thời gian nuôi dài nên cá đạt 2 - 3 con/kg. Hiện nay, ông Bảo tiếp tục thả nuôi ghép cá rô đầu vuông với cá rô phi, cá chim. Trong đó, lượng cá rô giống gần 15kg. “Số cá tôi thả nuôi từ tháng 10-2014, đến nay đã có thể cho thu hoạch. Hiện nay, tôi đang cho ăn cầm chừng để đợi xuất bán vào dịp Tết” - ông Bảo nói.
Năm 2014, hộ ông Nguyễn Dầu (thôn Xuân Lập) cũng được UBND xã hỗ trợ 12kg giống cá rô đầu vuông để nuôi thử nghiệm. Ông Dầu nói: “Qua theo dõi, tôi thấy cá rô đầu vuông thích nghi tốt với vùng nước Cam Tân. Nuôi loại cá này khá dễ, tỷ lệ hao hụt ít, thức ăn phong phú. Sau một thời gian nuôi, từ 12kg cá giống ban đầu, tôi thu được hơn 600kg cá thương phẩm”.
Theo các nông dân trong xã, 1kg con giống cá rô đầu vuông có từ 210 đến 230 con; sau khi nuôi khoảng 4 tháng, tỷ lệ hao hụt chỉ 10%, người nuôi sẽ thu hoạch hơn 50kg cá thương phẩm. Với giá thị trường hiện nay (50.000 đồng/kg), cứ 1kg con giống sau khi nuôi thành phẩm sẽ bán được 2,5 triệu đồng.
Ông Đỗ Thanh Phong, cán bộ khuyến nông - khuyến ngư xã Cam Tân cho biết: “Loại cá này chịu được nhiệt độ khắc nghiệt, cá phát triển tốt ở nhiệt độ từ 25 đến 320C, chủ yếu sống tầng đáy nên cần có thức ăn thích hợp. Giai đoạn đầu cho cá ăn thức ăn tươi sống, khi cá trưởng thành có thể cho ăn thức ăn công nghiệp và một số loại thức ăn khác như: rau, ốc, cá tạp. Trước khi thả cá, người nuôi phải dùng các biện pháp diệt cá tạp, cải tạo ao phơi nắng từ 15 đến 20 ngày; khi thả cá, trên mặt nước thả các loại bèo hoặc rau muống để che bóng mát cho cá trú ẩn. Cá từ khi thả nuôi đến khi thu hoạch khoảng 4 - 5 tháng”.
Nỗi lo đầu ra
Theo thống kê của UBND xã Cam Tân, trên địa bàn xã đang có 8 hộ nuôi cá rô đầu vuông ghép với một số loại cá khác. Theo ông Nguyễn Dầu, điều khiến người nuôi lo lắng là đầu ra của cá. “Cá nuôi đến ngày thu hoạch thì rất khó tìm được người thu mua, thậm chí có hộ phải tự mang đi khắp các chợ trong huyện để bán lẻ. Chính vì vậy, nông dân phải nuôi ghép cá rô đầu vuông với các loại cá khác để giảm bớt rủi ro, không ai dám mạo hiểm đầu tư nuôi riêng cá rô đầu vuông” - ông Dầu nói.
Hiện nay, để đầu tư nuôi 1kg cá thương phẩm đạt kích cỡ 2 - 3 con/kg tốn chi phí khoảng 30.000 đồng; còn đối với cá có kích cỡ 8 - 9 con/kg thì chi phí khoảng 20.000 đồng. Ông Hồ Nhâm Bảo cho biết: “Chi phí đầu tư nuôi cá khá cao, trong khi đó giá bán chỉ khoảng 45.000 đồng/kg cá cỡ 2 - 3 con/kg, còn cá có kích cỡ nhỏ thì giá bán thấp hơn. Cá rô đầu vuông tuy nuôi dễ nhưng tiêu thụ khá khó khăn, bởi cá được nuôi ở nhiều địa phương trong cả nước”.
Chúng tôi được biết, cá rô đầu vuông được nuôi ở các tỉnh miền Tây Nam bộ từ 10 năm nay, được khởi phát từ huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang). Tuy nhiên, thời gian gần đây, do khó khăn trong tiêu thụ, chi phí đầu tư tăng cao, người nuôi thua lỗ nên diện tích nuôi loài cá này ở tỉnh Hậu Giang đã giảm hơn 50%.
Tại xã Cam Tân, hiện nay, số hộ và diện tích nuôi cá cũng đang giảm dần. Chính vì vậy, UBND xã rất thận trọng trong việc phát triển đối tượng nuôi này. Ông Đỗ Thanh Phong cho biết: “Do khó khăn trong việc tiêu thụ cá rô đầu vuông nên chúng tôi chưa khuyến khích người nuôi tăng diện tích, nếu muốn phát triển thì trước hết cần phải có kênh tiêu thụ ổn định”.


Có thể bạn quan tâm

Giá khoai tăng, ổi lê giảm Giá khoai tăng, ổi lê giảm

Nông dân trồng khoai thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đang rất phấn khởi vì khoai lang đang bán được giá. Hiện tại, giá khoai đang tăng gấp 3 – 4 lần so với thời điểm tháng 7 - 8, với mức giá này, người trồng khoai có thể thu được số lãi kha khá.

26/11/2015
Tất bật vụ rau Tết Tất bật vụ rau Tết

Để chuẩn bị có đủ lượng rau màu phục vụ dịp Tết Nguyên đán Bính Thân sắp tới, các gia đình nông dân trồng rau màu trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang khẩn trương dọn đất, xuống giống để bước vào vụ sản xuất mới.

26/11/2015
Chủ động bảo vệ lúa đông xuân Chủ động bảo vệ lúa đông xuân

Năm nay, lũ nhỏ nên các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có An Giang, mất một lượng phù sa màu mỡ, nông dân gặp khó trong việc vệ sinh đồng ruộng, khó có thể cắt nguồn bệnh từ vụ lúa thu đông…

26/11/2015
Giá củ hành tím tăng gần 10.000 đồng/kg Giá củ hành tím tăng gần 10.000 đồng/kg

Theo lãnh đạo UBND xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh từ đầu năm 2015 đến nay, nông dân trong xã đã xuống giống 160ha củ hành tím.

26/11/2015
Loại khỏi danh mục 368 tên thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây rau, quả, chè Loại khỏi danh mục 368 tên thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây rau, quả, chè

Bắt đầu từ ngày 23/11, Thông tư 34 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực loại bỏ khỏi danh mục 368 tên thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây rau, quả, chè.

26/11/2015