Cấp Bách Cứu Ngành Cá Tra
Thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam chiếm 97% thị trường thế giới nhưng 3 năm nay, giá xuất khẩu bình quân giảm, hàng loạt doanh nghiệp, người nuôi liên tục thua lỗ và phá sản.
Tại hội thảo “Liên kết trong chuỗi cá tra - Vấn đề tín dụng và hợp đồng” do Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức ngày 9-10 ở TP Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do việc mạnh ai nấy làm, dẫn tới thừa nguyên liệu. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp (DN) cạnh tranh không lành mạnh đã đẩy con cá tra từ thế mạnh xuất khẩu của nước ta thành gánh nặng nợ nần cho người nuôi.
Người nuôi đang... sạt nghiệp
Theo TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ năm 2011-2013, kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm. Cụ thể, năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này là 1,8 tỉ USD, năm 2012 phấn đấu đạt 2 tỉ USD nhưng thực tế chỉ đạt hơn 1,75 tỉ USD. Ngành cá tra rơi vào tình trạng gần như khủng hoảng, kéo dài sang năm 2013. Ước tính năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cũng chỉ đạt xấp xỉ năm 2012.
Cá tra Việt Nam chiếm 97% thị trường thế giới nhưng ngành sản xuất này đang lao đao do thừa sản lượng.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Châu Phú (An Giang), đặt vấn đề: “Tại sao người nuôi cá tra ngày càng kiệt quệ? Nếu không kiểm soát lại cung cầu thì sang năm 2014, 2015 cũng thế, người nuôi ngày càng tệ hơn”.
Ông Trương Quang Phú, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long, cho rằng trong nhiều năm qua, người nuôi cá rất thiệt thòi, bấp bênh, gần như bán hết tài sản và hiện đã sạt nghiệp. “Vì sao cũng là con cá tra, chế biến như nhau nhưng có DN xuất khẩu được 8 USD/kg, có DN chỉ xuất được 1-1,5 USD/kg? DN uy tín sẽ xuất được giá cao, còn DN dùng nhiều mánh khóe giật nợ của nông dân, gian lận bơm nước vô cá, chất lượng không bảo đảm mới bán giá thấp như vậy”- ông Phú phản ánh.
PGS-TS Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, thông tin: “Việt Nam đang chiếm 97% thị phần cá tra của thế giới. Theo nghiên cứu trong nhiều năm qua, chuỗi giá trị cá tra không dự báo được nhu cầu của thị trường về số lượng và chất lượng, dẫn tới không quy hoạch sản xuất, xảy ra tình trạng cung lớn hơn cầu hay ngược lại”.
Các DN thủy sản chiếm 50%-70% sản lượng cá tra nguyên liệu, số còn lại là của hộ nhỏ lẻ nuôi. Nếu thị trường hút hàng thì không sao, còn bán chậm thì nông dân thua lỗ là điều chắc chắn. “Thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam là các nước EU và Mỹ nhưng đang suy thoái kinh tế nên nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm. Chúng ta cứ sản xuất như hiện nay, nếu chất lượng không nâng lên thì ngành này sẽ lao đao” - PGS-TS Võ Thị Thanh Lộc cảnh báo.
Giảm sản lượng, tăng giá bán
Ông Nguyễn Văn Kịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhìn nhận: “Sản lượng cá tra xuất khẩu hiện đã quá thừa so với nhu cầu thế giới. Thừa nên giá bán thấp là điều đương nhiên. Vì vậy, cần giảm sản lượng để tăng giá bán”.
TS Võ Hùng Dũng nêu khó khăn: Ai cũng đều thấy được nguyên nhân nhưng không làm được. Nghịch lý nằm ở chỗ ai hy sinh cho ai và lợi ích thuộc về người nào. Khi tỉnh này hoặc DN, người nuôi thấy nơi khác tăng diện tích, tăng sản lượng thì mình cũng tăng theo. Vấn đề hiện nay là giữa các tỉnh cũng như DN, người nuôi đang thiếu thông tin dự báo về sản lượng cá tra.
“Hiệp hội sẽ họp 2 lần/tháng để cung cấp thông tin cho người sản xuất cá tra. Nếu chỗ nào tăng sản lượng thì nơi khác có sự điều chỉnh cho hợp lý” - ông Dũng nói. PGS-TS Võ Thị Thạnh Lộc đề nghị: “Cần có tổ nhóm dự báo cung cầu thị trường cá tra một cách nghiêm chỉnh. Đồng thời, cấp quota cho các tỉnh về diện tích và sản lượng, không cho nông dân nuôi tự phát. Sản xuất giống cá tra tập trung, nhu cầu bao nhiêu thì sản xuất bấy nhiêu, nếu thiếu hụt nguồn cung một chút thì giá trị cá tra tăng lên”.
Bảo vệ người nuôi
Nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua, người nuôi cá tra tại ĐBSCL bị một số công ty chiếm dụng vốn nhưng không thể làm được gì. Nguyên nhân là do hợp đồng mua bán cá giữa nông dân và DN còn sơ sài, chưa đủ tính pháp lý.
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, cho biết đã soạn thảo 2 mẫu hợp đồng (hợp đồng có giá trị ổn định và hợp đồng có giá sàn) nhằm củng cố hoạt động trong liên kết giữa DN và nông dân. Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, trung tâm sẽ cử chuyên gia phối hợp với đoàn luật sư, thẩm phán, trọng tài viên và Hiệp hội Cá tra Việt Nam xây dựng mẫu hợp đồng để bảo vệ quyền lợi người nuôi cũng như sử dụng hợp đồng mẫu quốc tế khi DN xuất khẩu ra nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Do giá quế xuống thấp, hơn 100 ha quế có đường kính từ 15 đến 30cm đã bị người dân bỏ mặc không khai thác; nhiều hộ dân còn có ý định chặt bỏ để làm củi hoặc nhường diện tích cho cây bời lời.
30 triệu đồng là số tiền hằng tháng mà gia đình ông Phan Minh Úc (45 tuổi) ở ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) thu về từ mô hình trồng dừa.
Từ ngày 01 đến ngày 03, phía bắc nhiều mây, đêm và sáng có mưa sương mù vài nơi, có nơi có mưa nhỏ, phía nam mây thay đổi, phổ biến không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng. Gió nhẹ.
Mặc dù là cây trồng xen vụ, song cây ngưu tất (còn gọi là cỏ xước, một loại cây dược liệu) không những giúp nhiều nông dân xã Thống Nhất (huyện Hưng Hà, Thái Bình) thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Ngày 28/2/2014, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam-Vinamilk đã khởi công xây dựng Trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 tại xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.