Cao Su Đông Bắc: Cuộc Thí Nghiệm Khổng Lồ

Ông có nhận định gì về chuyện ào ào trồng cao su ở các tỉnh Đông Bắc?
Chuyện trồng cao su ở miền núi phía Bắc không phải chỉ bây giờ mới đặt ra mà ngay từ những năm 80 của thế kỷ 20, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp chỉ đạo cử một đoàn sang tham quan tỉnh Vân Nam của Trung Quốc khảo sát về cây cao su. Trong báo cáo kết luận dày mấy chục trang khi đó đã đưa ra hai kết luận chính. Thứ nhất trồng cao su của Vân Nam năng suất mủ rất thấp. Thứ hai muốn trồng cao su ở miền núi phải có bộ giống chịu lạnh.
Hiện tại Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và PTNT không có bất kỳ quy hoạch nào cho việc trồng cao su ở Đông Bắc mà chỉ có ở Tây Bắc gồm các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La (không có Hòa Bình) với diện tích khoảng 50.000 ha. Cao su ở Tây Bắc đang phát triển bình thường, tỷ lệ chết dưới 5%, tuy nhiên năng suất mủ thế nào chưa được kiểm chứng vì chưa đến thời kỳ khai thác. Riêng Đông Bắc, không nằm trong quy hoạch nhưng bốn địa phương vùng này là Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai đều được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch trồng cao su với tổng diện tích giai đoạn 2009-2020 là 47.000 ha.
Tại sao Thủ tướng không phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và PTNT không quy hoạch mà các địa phương cũng như Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN lại phát triển cao su ở Đông Bắc?
Trồng cao su ở Đông Bắc, Chính phủ dứt khoát không cho, Ban Bí thư thì chỉ cho thử nghiệm trên diện tích nhỏ nhưng do Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN bỏ vốn thành lập 3 cty cao su ở Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang - những tỉnh nghèo, rất khát dự án đầu tư nên họ vẫn cứ làm, đưa nông dân vào cuộc "thí nghiệm" khổng lồ. Nói thẳng, khi chưa có ý kiến Thủ tướng mà trồng cao su ở Đông Bắc là vi phạm.
Do nóng vội mở rộng diện tích nên phần lớn bộ giống cao su sử dụng ở các tỉnh Đông Bắc là các giống đưa từ Tập đoàn Công nghiệp Cao su ra trồng. Thực tế gần như cao su ở Đông Bắc vụ rét năm 2010-2011 chết xấp xỉ 100%, thiệt hại rất lớn. Theo tôi thiệt hại này là bởi chưa nghiên cứu kỹ về thời tiết, giống, quy trình kỹ thuật đã vội trồng. Phải thẳng thắn khẳng định là cây cao su không phù hợp với điều kiện thời tiết các tỉnh Đông Bắc. Dù một số nơi cá biệt ở Đông Bắc trồng cao su có phát triển nhưng lý thuyết là năng suất cao su với các giống ta đang trồng là trung bình và thấp.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi nhiệt độ dưới 14 độ C, cao su không cho mủ trong khi mùa đông ở Đông Bắc nhiều ngày dưới 10 độ C. Không phát triển cao su quy mô lớn ở Đông Bắc nhưng khi trồng thất bại, đồng bào sẽ mất lòng tin lớn vì họ đã góp đất vào các cty nên diện tích chết ta vẫn nên trồng lại, tuy nhiên diện tích thử nghiệm không nên vượt quá 10% diện tích quy hoạch cao su của các tỉnh.
Một số tỉnh ở TQ cao hơn ta, lạnh hơn ta mà vẫn trồng cao su thành công thì sao thưa ông?
Vấn đề quan trọng theo tôi là giống, sau đó là cách trồng. Phải tạo ra giống cao su chịu lạnh của ta chứ phụ thuộc hoàn toàn vào TQ sẽ rất nguy hiểm. Sở dĩ các tỉnh Đông Bắc hào hứng với việc trồng cao su bởi giá mủ có lúc lên tới trên 4.000 USD/tấn. Vấn đề đặt ra là 70% sản lượng cao su của VN đang bán cho TQ lục địa chưa kể Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao. Giả sử thị trường lớn đó có vấn đề thì thế nào? Kịch bản giá sắn giảm mạnh như hiện nay có lặp lại? Trong khi chi phí cho trồng 1 ha cao su đến lúc thu hoạch ở miền núi phía Bắc rất lớn, phải 160-170 triệu.
Hình như, các nhà khoa học nông nghiệp còn nợ vùng Đông Bắc nói riêng và miền núi phía Bắc nói chung một cơ cấu cây trồng hợp lý, ông thấy thế nào?
Bao dự án cà phê chè, trẩu, sở, cải dầu, mận, mơ từng bị thất bại. Không cẩn thận việc trồng cao su tới đây lại đưa người dân miền núi phía Bắc vào cuộc thử nghiệm vĩ đại. Tỉnh Hòa Bình thử nghiệm trồng cao su diện hẹp thất bại, họ biết dừng lại ngay, theo tôi đó là sự tỉnh táo bởi đã tránh cho địa phương này trồng trên một diện tích lớn. Nhiệt tình quá có khi thành phá hoại. Chủ trương sai sẽ cho ra quy hoạch sai. Những dự án cây trồng thất bại ở miền núi phía Bắc từ trước chủ yếu thuộc về giai đoạn lịch sử, duy ý chí. Theo kinh nghiệm của tôi những gì vượt quá quy hoạch thường dính hậu quả thảm bại.
Ví dụ sắn chúng ta quy hoạch đến năm 2010 là 375.000 ha, năm 2015 là 500.000 ha thì ngay 2010 diện tích trồng sắn đã lên đến 496.000ha, năm nay diện tích trồng không dưới 700.000 ha, giá giảm là điều đương nhiên. Cách làm quy hoạch đúng phải bám vào lợi thế tự nhiên, lợi thế xã hội (thị trường, lao động, vốn) và dứt khoát phải tạo ra sản phẩm hàng hóa chứ không thể tự sản, tự tiêu. Cà phê, lúa gạo, cá tra… không ai tranh giành được với chúng ta bởi điều kiện tự nhiên, kỹ thuật cũng như lao động đã quá thành thục. Nguyên nhân việc thất bại của cao su Đông Bắc theo tôi sâu xa là do ý chí chủ quan. Giả sử nếu tiền của tư nhân, của địa phương bỏ ra có dám trồng cây cao su trên một diện tích lớn như vậy không? Không bao giờ! Tiền của Tập đoàn cao su cũng là tiền của nhà nước, của nhân dân thôi. Đừng bao giờ “chia vàng ở giữa sông” như thế.
Qua vấn đề các địa phương và Tập đoàn Công nghiệp Cao su vượt rào trồng cao su ở Đông Bắc, có thể thấy nổi lên vấn đề, quy hoạch nông nghiệp của ta không nghiêm?
Đúng, nhiều quy hoạch nông nghiệp của ta bị vượt rào và chưa có chế tài nào phạt những người làm sai cả. Ở các nước vùng nào trồng cây ấy, nuôi con ấy đi kèm theo đó là những chính sách hỗ trợ của chính phủ. Chính phủ có vệ tinh để theo dõi sát sao xem người dân có thực hiện đúng quy hoạch không và xử lý rất kịp thời, còn ta thì…
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm

Đồng Tháp là tỉnh có nhiều tiềm năng về kinh tế. Ngoài sản lượng lúa ổn định hàng năm trên 2,8 triệu tấn, thủy sản là thế mạnh thứ hai với chủ lực là con cá tra, mỗi năm xuất khẩu sản phẩm đông lạnh trên dưới 120.000 tấn. Những năm gần đây, con tôm càng xanh được lãnh đạo các địa phương quan tâm với mô hình nuôi trên ruộng lúa mùa nước nổi. Diện tích nuôi tôm ngày càng gia tăng. Giá trị kinh tế từ con tôm càng xanh ngày càng được khẳng định.

Những năm gần đây, mô hình nuôi chồn hương được các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư, nhưng nếu chỉ nuôi đơn thuần chồn hương lấy thịt thì hiệu quả không cao. Tại xã Minh Lập (Chơn Thành - Bình Phước), anh Đặng Ngọc Tuân đã gây dựng mô hình nuôi chồn hương lấy thịt, giống, đặc biệt kết hợp sản xuất cà phê chồn mang lại tiền tỷ.

Điều kiện môi trường bất lợi, hàng trăm người nuôi tôm ở phường 12 (TP. Vũng Tàu) đã bỏ nghề, nhưng nhiều năm nay, tại ao nuôi của ông Lê Quang Hùng guồng quay máy sục khí vẫn hoạt động bền bỉ. Ao nuôi tôm của ông là một trong số ít những điểm sáng trên vùng đất nuôi thủy sản đã bỏ hoang nhiều năm của khu vực này.

Sở Khoa học và Công nghệ Long An vừa tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả điều tra “Tình hình chăn nuôi, đặc điểm ngoại hình gà tàu và đề xuất quy trình chăn nuôi gà tàu theo hướng an toàn sinh học sẽ thực hiện từ nay đến tháng 10/2013 tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An” đây là giai đoạn 1 của đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình chăn nuôi gà tàu theo hướng an toàn sinh học tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An” do phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành đăng ký chủ trì thực hiện; tiến sĩ Đoàn Đức Vũ giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam và kỹ sư Nguyễn Thị Đậm trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành làm chủ nhiệm đề tài.

Từ lâu, các nhà khoa học đã khuyến cáo nông dân nên chuyển sang trồng các loại rau màu hoặc luân canh lúa màu trên đất lúa kém hiệu quả.