Cao Bằng: Xây Dựng Nhiều Mô Hình Sản Xuất Hàng Hóa
Nhờ làm tốt các phong trào, thúc đẩy phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại, Hội Làm vườn Cao Bằng đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo. Không những vậy, Hội còn tập trung chú trọng xây dựng những mô hình sản xuất hàng hóa, cho thu nhập cao làm điểm học tập cho hội viên.
Coi trọng công tác dịch vụ
Vừa dẫn tôi đi thăm mô hình trồng quýt của gia đình ông Nguyễn Văn Tập ở xã Đức Công (huyện Thạch An), ông Lò Văn Rực, Phó chủ tịch HLV Cao Bằng vừa kể: "Thay đổi tập quán canh tác của đồng bào vùng cao là một điều vô cùng khó khăn. Vì thế, không còn cách nào khác, chúng tôi phải làm thí điểm, xây dựng những mô hình thiết thực mới mong thu hút hội viên tham gia các phong trào của Hội". Ông Rực cho biết, mô hình trồng quýt của ông Tập cũng được khởi nguồn từ phong trào vận động bà con làm VAC của Hội. Theo đó, Hội đã mở các lớp tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đồng thời cung cấp cây, con giống cho hội viên. Nhờ ứng dụng hiệu quả kiến thức kỹ thuật do cán bộ Hội tư vấn, mỗi năm 2ha quýt đã mang lại cho ông Tập nguồn thu 200 triệu đồng. "Hội đã mang đến cho chúng tôi chiếc cần câu có ý nghĩa. Bản thân tôi cũng nhiều lần được tham gia các hoạt động tuyên truyền của Hội; tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên; hỗ trợ xây dựng mô hình và thực hiện dự án; tổ chức tham quan mô hình, trang trại sản xuất hiệu quả. Bằng cách này, nhiều hội viên, bà con vùng cao thấy hiệu quả và làm theo...", ông Tập cho biết.
HLV Cao Bằng hiện có 364 chi Hội với 6.500 hội viên. Theo ông Rực, dịch vụ kỹ thuật VAC là một trong những thế mạnh của Hội. Năm 2010, tỉnh Hội đã cung ứng hơn 2.000 cây ăn quả, chủ yếu là các giống cam quýt, lê, hồng không hạt, xoài, chanh, na...; 12.000 cây lâm nghiệp như sưa, keo, sa mộc, lát; 500 ống thuốc chiết cành, thuốc khử chát hồng, 110 chiếc kéo cắt cành và một số dao ghép. Ngoài ra, Hội cũng đã xây dựng được 6 vườn ươm vệ tinh để cung cấp giống cây thường xuyên cho hội viên và nông dân. Hội còn liên hệ với các trung tâm giống cây trồng trong và ngoài tỉnh để tìm các giống cây ăn quả có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của hội viên. "Hội đã xây dựng được vườn ươm trung tâm gần 1.000m2 để lưu giữ quỹ gen các loại cây ăn quả quý và cây cảnh. Công tác dịch vụ đã giúp phong trào VAC trong tỉnh phát triển, hội viên, nông dân có nhiều diện tích cây trồng năng suất, chất lượng cao", ông Rực nói.
Thành lập CLB chuyên ngành
Tính đến nay, HLV Cao Bằng đã vận động thành lập được nhiều CLB trang trại chuyên ngành như CLB trang trại Bạch Đằng (Hòa An), CLB nuôi ong mật xã Đề Thám, CLB sinh vật cảnh thị xã Cao Bằng, CLB nuôi dê huyện Hạ Lang, CLB nuôi dế, CLB nuôi nhím huyện Trà Lĩnh... Theo ông Rực, việc làm này đã góp phần cổ vũ, động viên hội viên tham gia các phong trào của Hội, là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hội đã cấp giấy chứng nhận cho nhiều trang trại. Ngoài 945 trang trại nhỏ và vừa có thu nhập từ 25 - 40 triệu đồng/năm, thì đa số trang trại phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp.
Từ các phong trào của Hội, hội viên, nông dân đã tích cực khai thác đồi núi trọc, đất hoang hóa ven sông để làm VAC. Chỉ tính riêng năm 2010, số diện tích vườn tạp được cải tạo là 20ha, diện tích ao được cải tạo là 15ha, tập trung ở Hòa An, Quảng Uyên, Hạ Lang, Bảo Lâm, Nguyên Bình, thị xã Cao Bằng...
Theo ông Rực, trong thời gian tới, Hội tiếp tục chú trọng phát triển những CLB chuyên ngành, CLB chủ trang trại để sản xuất hàng hóa tập trung. Ngoài ra, Hội còn tăng cường tu bổ, cải tạo các mô hình đã đạt hiệu quả kinh tế cao, đưa thêm giống mới vào thử nghiệm. "Nhiệm vụ trước mắt của chúng tôi là tiếp tục sản xuất số lượng giống lê đã ký hợp đồng với HLV Việt Nam để phục vụ đề tài: "Nghiên cứu phát triển sản xuất lê nhằm nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc tỉnh Cao Bằng"; triển khai trồng lê tại huyện Nguyên Bình. Chỉ khi tận mắt thấy kết quả của mô hình, hội viên, nông dân mới làm theo", ông Rực nói.
Chia tay người làm vườn Cao Bằng, tận mắt thấy nhiều khoảng đồi còn hoang hóa, chúng tôi hiểu rằng, trọng trách của những cán bộ Hội nơi đây còn rất nặng nề
Có thể bạn quan tâm
Hội nhập và tự do hóa thương mại, gần đây nhiều chuyên gia kinh tế đều chung nhận định: Khi tham gia vào TPP sẽ là cơ hội cho các ngành như dệt may, da giày vốn là lợi thế nhưng lại là thách thức rất lớn cho ngành chăn nuôi vốn đã có nhiều rủi ro, kém sức cạnh tranh của chúng ta.
Vào ngày 4/10/2015, Bộ trưởng của 12 nước tham gia TPP gồm Úc, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, và Việt Nam đã tuyên bố kết thúc đàm phán.
Chỉ mới vụ thu hoạch đầu tiên nhưng bắp (ngô) chuyển gen đã và đang mang lại niềm vui cho hàng ngàn hộ dân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân (ND) tỉnh Sóc Trăng đã có thêm 8 chi hội ND không còn hội viên nghèo, nâng tổng số chi hội không còn hộ hội viên nghèo lên 53. Có được kết quả này là nhờ các cấp Hội ND đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ hội viên, ND.