Canh bạc của nhà vườn Đà Lạt thắng thua là chuyện của trời
Giữa năm 2015, nông dân ở TP Đà Lạt và một số huyện của tỉnh Lâm Đồng đã phải “cay xè mắt” đổ bỏ hoặc bán tháo hàng chục tấn hành tây với giá 1.000 – 1.500 đồng/kg, thì ở thời điểm hiện tại, mặt hàng này bất ngờ khan hiếm nên đã đẩy giá lên cao gấp 20-30 lần.
Tuy nhiên, phải hơn một tháng nữa hành tây mới bước vào chính vụ, người nông dân nơi đây vẫn đang phập phồng lo âu.
Câu chuyện “đánh bạc với nông sản” không chỉ xảy ra với mặt hàng hành tây mà còn rất nhiều loại hàng nông sản khác được trồng ở Lâm Đồng – nơi được mệnh danh là “thủ phủ rau, hoa của Việt Nam”.
“Thắng, thua là chuyện của trời”
Nhiều năm qua, chuyện người nông dân ở những vùng trồng rau tập trung của tỉnh Lâm Đồng như: TP Đà Lạt, huyện Đơn Dương và Đức Trọng phải đổ bỏ hoặc bán tháo các loại rau quả dường như đã trở thành nỗi quen thuộc.
Hành tây Đà Lạt đang có giá cao ngất ngưỡng.
Còn nhớ, giữa năm 2011, hàng chục hộ trồng cà chua ở huyện Đơn Dương và Đức Trọng đã phải khóc ròng nhìn những cánh đồng cà chua chín đỏ, những vườn su su quá lứa già mọc cả gai, rụng vương vãi khắp nơi, bò cũng chẳng buồn ăn vì không thương lái nào hỏi mua.
Khi ấy, giá cà chua chỉ khoảng 500 – 1.000 đồng/kg, su su 200 đồng/kg, cà tím chỉ khoảng 1.000 đồng/kg đã khiến hơn 250 vựa thu mua rau tại huyện Đơn Dương đều ngừng thu mua vì hầu hết đã “bội thực”.
Với giá này thì dù có thu hoạch cũng không đủ tiền trả nhân công thu hái và chi phí vận chuyển, nên bà con cứ để mặc cho thối rữa dần.
Nhớ lại khi ấy, ông Lê Văn Thành, xã Quảng Lập, Đơn Dương ngậm ngùi nói “Có những năm rau cải thảo, cô rôn, cà chua giá chỉ có một hai trăm đồng, thương lái dù đã đặt cọc tiền từ trước nhưng rồi cũng không thèm quay lại thu hoạch vì rẻ quá, chẳng đủ tiền công.
Thế rồi chúng tôi cũng chẳng biết bán cho ai nữa, đành đưa máy ra cày bỏ, rau cứ chất đống như núi, chờ phân hủy cho tốt ruộng”.
Rồi đến khoảng tháng 9/2012, người trồng bắp sú (bắp cải) ở TP Đà Lạt, Đơn Dương lại gặp một phen khốn đốn khi giá của loại nông sản này giảm chỉ còn khỏng 1.000 đồng/gốc.
Trước đó, dù đã được chính quyền khuyến cáo không nên mở rộng diện tích trồng bắp sú nhưng do loại nông sản này dễ trồng, chi phí thấp nên bà con đã ồ ạt gieo trồng khiến “ cung vượt cầu”.
Rồi trong năm 2013 – 2014, cà chua, bắp cải,… lại tiếp tục gặp nạn rớt giá thê thảm với giá chỉ 500 – 1.000 đồng/kg, đã khiến hàng trăm tấn nông sản trên buộc bà con phải cày nát để trồng vụ khác.
Không ít lần người nông dân Đà Lạt phải đổ bỏ những loại rau củ do mình làm ra.
Thế nhưng, có một điều dễ nhận thấy là chỉ sau vài tháng sau khi mất giá, người nông dân sợ không dám trồng nhiều thì giá các loại rau quả lại tăng cao đột biến.
Sau vụ cà chua thất bát vào đầu năm 2014, thì chỉ 6 tháng sau đó, giá cà chua lại bất ngờ tăng lên 7.000-9.000 đồng/kg nhưng lúc này bà con lại không có hàng để bán.
Tương tự với các loại mặt hàng nông sản như khoai tây, hành tây cũng chịu cảnh tương tự.
Đầu tháng 3/2015, nông dân ở TP Đà Lạt đã phải đổ bỏ, bán tháo hàng chục tấn hành tây bị mọc mầm với giá chỉ 500 đồng/kg vì không ai mua.
Thế nhưng, hiện tại loại nông sản này bất ngờ tăng giá lên 20 - 30 lần so với trước đó, dao động 25.000 – 33.000 đồng/kg.
Để không còn chuyện may, rủi
Trao đổi về vấn đề này, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng thẳng thắn thừa nhận, hiện công tác xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản của địa phương còn chưa xứng với tiềm năng.
Hiện 80-85% các loại nông sản của tỉnh Lâm Đồng chủ yếu được tiêu thụ trong nước, giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.
Trong khi đó, để hàng nông sản của Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung vào được các chợ đầu mối lớn ở các tỉnh thành trong cả nước đang phải qua quá nhiều kênh trung gian, khiến giá cả đội lên nhiều lần.
Ví dụ cho thấy, vào thời điểm cà chua, hành tây Lâm Đồng bán tại vườn chỉ có 500-1.000 đồng/kg thì tại các chợ đầu mối, siêu thị giá đã bị đẩy lên cao hàng chục lần.
Người tiêu dùng rất muốn dùng hàng Việt nhưng do các khâu trung gian còn yếu, chưa liên kết được với nhau nên chính người tiêu dùng cũng bị thiệt thòi.
Chưa kể, nông sản của Lâm Đồng lại thường xuyên phải chịu lép vế trước hàng Trung Quốc được ồ ạt nhập về.
Rồi nữa, cũng phải thừa nhận, công tác quản lý quy hoạch và định hướng sản xuất cho người nông dân không chỉ ở Lâm Đồng mà còn nhiều vùng trồng nông sản trên cả nước đang còn yếu.
Tại nhiều cuộc họp bàn về đầu ra cho nông sản, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã xác định giải pháp bền vững để nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng là phải luôn gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ.
Do vậy, Lâm Đồng đang nâng công suất và hiện đại hóa các cơ sở chế biến nông sản; tiếp tục kêu gọi xây dựng, nâng cao hệ thống nhà máy cấp đông, sấy khô, chế biến và đóng hộp rau quả tại Đức Trọng, Đơn Dương, Đà Lạt.
Trong đó, đặc biệt là việc xây dựng hai nhà máy chế biến cà chua tại Đơn Dương đang được nhanh chóng triển khai để đảm bảo chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu từ 300 đến 320.000 tấn cà chua/năm.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ cùng với các doanh nghiệp tìm cách mở rộng hệ thống phân phối trong nước, mở thêm thị trường xuất khẩu, khuyến cáo nông dân trồng nông sản rải vụ, thực hiện nghiêm quy hoạch, thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản…
Hy vọng bằng những biện pháp cụ thể trên, tình cảnh người nông dân đang phải “đánh bạc” trên chính vườn rau của mình sẽ được chấm dứt.
Hành tây Trung Quốc bị chê
Ghi nhận tại chợ Đà Lạt những ngày gần đây mặc dù hành tây địa phương loại đẹp đang ở mức cao kỷ lục lên tới 33.000 đồng/kg nhưng người tiêu dùng vẫn lựa chọn để sử dụng cho gia đình.
Trong khi đó, hành tây Trung Quốc giá chỉ bằng khoảng ½ (15.000 – 17.000 đồng/kg) so với hành Đà Lạt, chủ yếu được một số người bán quán ăn, nhà hàng,… mua về để chế biến.
Một số tiểu thương ở chợ này cũng cho biết, do người tiêu dùng ngày càng có sự lựa chọn khắt khe để đảm bảo sức khỏe cho gia đình nên hành tây Trung Quốc bán khá chậm và được nhập về rất hạn chế”
Có thể bạn quan tâm
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 90 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cá tra (trong đó có 01 trung tâm giống cấp tỉnh và 05 trại giống cấp huyện), ngoài ra còn có khoảng 2.000 hộ ương giống. Hằng năm cung cấp hơn 2 tỷ con cá tra giống, khiến Đồng Tháp trở thành một trong những địa điểm cung cấp giống cá tra hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng diện tích mặt nước có tiềm năng nuôi trồng thủy sản (NTTS) của toàn TP là hơn 30.800ha, chưa kể mặt nước của các con sông. Thực hiện Chương trình phát triển NTTS, hàng năm, TP đầu tư từ 15 - 20 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển vùng NTTS tập trung, đảm bảo môi trường, dịch bệnh và ATTP như xây dựng hạ tầng, cung cấp thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học. Đến nay, toàn TP có trên 200 vùng nuôi có quy mô diện tích từ 30 - 200ha và hàng ngàn trang trại NTTS.
Chưa có năm nào diện tích nuôi thuỷ sản ở tinh Sóc Trăng lại tăng mạnh như năm nay. Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, tổng diện tích nuôi thủy sản năm 2014 trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 60.000 ha trong đó, tôm nuôi nước lợ chiếm trên 42.000 ha.
“Theo khảo sát của chúng tôi, hiện có rất ít doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chịu đầu tư để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng”, ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius) trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội thảo.
Tại Hội nghị Diễn đàn Doanh nghiệp Nông nghiệp năm 2014, do Bộ NN & PTNT tổ chức ngày 15/10/2014, ông Bùi Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh đã trình bày một số khó khăn và kiến nghị của ngành nuôi tôm ở ĐBSCL. Trong đó, ông Huy kiến nghị không đưa quy định DN nuôi tôm phải có vùng nguyên liệu tối thiểu 10% công suất vào đề án Quản lý hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).