Thời gian qua, ở Nghệ An người nuôi tôm ở 3 địa phương Nghi Lộc, Quỳnh Lưu và TP Vinh đang phải đối mặt với dịch bệnh, khi gần 200 ha ao đầm tôm nuôi chết hàng loạt chưa xác định được nguyên nhân. Để cứu tôm thoát khỏi hoàn cảnh bi đát đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để.
Anh Hoàng Hoài Thanh ở Nghi Yên, Nghi Lộc buồn bã cho biết: Chưa khi nào tôm chết nhiều như vụ này. Gia đình tôi có 0,7 ha đầm nuôi tôm, nuôi thời gian trên 30 ngày tuổi thì bỗng có khoảng 75% số tôm bị chết chìm dưới đáy ao. Lội xuống đầm vớt từng vốc tôm chết mà thật xót xa, bao nhiều tiền của đầu tư vào đầm tôm này trở thành công cốc. Thiệt hại ban đầu ước gần 100 triệu đồng, riêng tiền giống tôm là gần 30 triệu đồng. Nếu vụ này thắng lợi doanh thu đạt được khoảng từ 500 - 700 triệu đồng. Anh Thanh kể thêm: Hiện toàn bộ diện tích ao đầm đã vớt hết tôm chết, đang tập trung để cải tạo ao tiếp tục nuôi tôm nhưng vẫn sợ dịch bệnh, nếu vay mượn đều “trút” xuống cả đầm tôm mà thất bại nữa có khi tan gia bại sản.
Được biết xã Nghi Yên (Nghi Lộc) có trên 15 ha ao đầm tôm thì trên 80% tôm chết, nhưng chỉ mới có khoảng 20% diện tích được hỗ trợ xử lý hoá chất clorine. Bà con rất mong được trợ cấp cùng một lúc để tiến hành xử lý ao nuôi tôm đồng loạt diệt trừ mầm mống dịch bệnh.
Trên địa bàn tỉnh có 3 địa phương là TP Vinh, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu bị tôm chết hàng loạt trên diện tích 193,3 ha. Tập trung nhiều nhất là huyện Quỳnh Lưu (trên 100 ha) bao gồm các xã: Quỳnh Xuân, Quỳnh Thuận, Quỳnh Lộc, Quỳnh Dị, Quỳnh Lập, Quỳnh Ngọc, An Hoà, Trịnh Môn… Thời gian bệnh xuất hiện là tôm từ 9 - 50 ngày tuổi và chưa xác định được tác nhân gây bệnh. Qua kiểm tra khi tôm bị bệnh có biểu hiện gan tụy nhũn, nhạt màu, sưng gan, vỡ gan tụy, có những ao tôm chết nhanh trong 1 - 2 ngày. Nguồn gốc tôm giống chủ yếu của Việt Úc, Vi Na, UP, SP, Vân Tuỳ, Nam Miền Trung… Mặc dù mùa thả tôm các hộ nuôi đều tuân thủ đúng lịch thời vụ.
Trước tình hình trên, để khống chế dịch bệnh trên tôm nuôi, mới đây Sở NN và PTNT đã tổ chức Hội nghị bổ cứu công tác quản lý vùng nuôi tôm và bàn các giải pháp khắc phục. Đối với những diện tích nuôi tôm bị bệnh: khi tôm nuôi trong ao có biểu hiện bất thường, hoặc nghi tôm bị bệnh phải báo ngay với cán bộ thú y xã, tổ cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời có phương án xử lý.
Đối với tôm đạt kích cỡ thương phẩm (tôm thẻ chân trắng 100 con/kg, tôm sú 60 con/kg thì tiến hành thu hoạch để tránh thiệt hại, quá trình vận chuyển phải được khử trùng. Sau thu hoạch, phải xử lý diện tích nuôi bị mắc bệnh bằng hoá chất được phép sử dụng. Đóng cống cấp thoát nước không để nước trong ao rò rỉ ra ngoài, thời gian xử lý ngâm nước ngọt ao đầm từ 15 - 20 ngày. Các hộ nuôi cần theo dõi diễn biến dịch bệnh các vùng nuôi lân cận. Chọn tôm giống có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, trước khi thả nuôi phải được kiểm dịch, mật độ thả giống từ 50 - 60 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng, 10 - 15 con/m2 đối với tôm sú. Với những cơ sở, hộ nuôi tôm không đủ điều kiện kỹ thuật, kinh tế để tiếp tục nuôi thì có thể thả nuôi một số đối tượng khác như cá rô phi đơn tính, cá vược… nhằm hạn chế được dịch bệnh trên tôm vụ nuôi tiếp.
Với những diện tích chưa thả tôm giống, cần xử lý ao đầm đúng quy trình, kỹ thuật trước khi đưa vào ao nuôi tôm bằng clorine nồng độ 30 ppm/m3 nước. Tôm giống trước khi thả phải được kiểm tra các chỉ tiêu virus đốm trắng, taura, MBV, kiểm tra phát sáng đạt yêu cầu mới được thả nuôi. Đối với các diện tích đã thả tôm, do thời tiết thay đổi thất thường, các hộ nuôi phải thường xuyên kiểm tra môi trường nước trong ao, sử dụng các chế phẩm sinh học, bổ sung vitaminC vào thức ăn và tăng thêm sức đề kháng cho tôm nuôi; rải vôi bột xung quanh bờ ao, ngăn chặn các vật chủ trung gian từ bên ngoài vào ao nuôi.
Phối hợp với các cơ quan ban ngành từ tỉnh xuống địa phương, tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống và vùng nuôi. Tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường và dịch bệnh cho các vùng nuôi. Thực hiện kiểm tra, kiểm soát, kiểm định, kiểm dịch chặt chẽ chất lượng con giống và vùng nuôi trồng.