Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lũ Rút Đi, Nợ Nần Ở Lại

Lũ Rút Đi, Nợ Nần Ở Lại
Ngày đăng: 19/11/2013

Cơn lũ bất ngờ đêm 16-11 làm nhiều người dân không kịp trở tay. Chỉ trong phút chốc, nhiều hộ dân ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng - nơi bị thiệt hại nặng nề của trận lũ - phải chịu cảnh trắng tay vì lũ…

Hàng chục tấn cá trôi sông

Chiều 18-11, chúng tôi trở lại huyện Hòa Vang. Nước đã rút, mọi sinh hoạt của người dân đang từng bước trở lại bình thường, song những người làm nghề nuôi cá nước ngọt ở huyện Hòa Vang vẫn còn đau đáu nỗi lo khi hàng chục tấn cá đang đến vụ thu hoạch đã bị cuốn theo dòng nước lũ.

Nhìn cánh đồng nuôi cá nước ngọt lớn nhất của thành phố Đà Nẵng ở thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang mới thấy được những thiệt hại nặng nề mà người dân nơi đây phải hứng chịu. Sau lũ, không chỉ có nỗi đau mất mát về nhà cửa, hàng trăm người dân ở vùng “rốn lũ” Hòa Vang đang đối mặt với cái nghèo và nợ nần chồng chất do mất trắng hàng chục tấn cá sắp đến vụ thu hoạch.

Hiện nhiều người dân làm nghề nuôi cá nước ngọt ở Hòa Khương vẫn không tin vào mắt mình khi nhìn những ao hồ vỡ tan tành. Dường như, ai cũng sửng sốt, bàng hoàng khi mấy ngày trước cá nuôi dày đặc, bơi nhảy trên mặt hồ; còn giờ đây, cá đã bị cuốn sạch theo dòng lũ. Ở đây, nhiều người dân đang phất lên từ nghề nuôi cá nước ngọt nhưng chỉ sau một đêm, giờ bỗng trắng tay, trở thành con nợ.

Anh Nguyễn Hạnh (43 tuổi, thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương) cho biết, từ hôm lũ về đến nay, anh như ngồi trên đống lửa, suốt ngày hết đi ra lại đi vào. Nhìn ánh mắt thất thần của anh Hạnh, chúng tôi biết anh đang vô cùng hoang mang. “Gần 4 sào nuôi cá nước ngọt đang bắt đầu thu hoạch, ước tính được gần 2 tấn cá, giá trị hơn 60 triệu đồng, thế mà chỉ một đêm đã “trở về” với sông với hồ. Bao nhiêu năm tích góp nuôi cá, giờ đây lại lâm cảnh nợ nần”, anh Hạnh buồn rầu giãi bày.

Ngoài gia đình anh Hạnh, còn rất nhiều hộ nuôi cá nước ngọt khác trong xã cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Khi lũ tràn về, những hồ nuôi cá trong xã phần lớn đều đang độ thu hoạch; chỉ vì lũ, bao công sức của bà con tạo dựng bấy lâu nay đều trở thành con số không. “Đa số các hộ dân nuôi cá nước ngọt ở đây đều vay vốn ngân hàng để cải tạo hồ nuôi, mua con giống. Bây giờ lũ cuốn hết, gần 50 hộ nuôi cá ở Hòa Khương đã lâm vào cảnh nợ nần. Chừ chỉ mong sao chính quyền thành phố hỗ trợ con giống để chúng tôi tiếp tục với nghề nuôi cá”, ông nguyễn Ngọc Thanh - một hộ dân nuôi cá ở xã Hòa Khương mong muốn.

Lũ cuốn phăng gần 12 tỷ đồng

Rời xã Hòa Khương, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của ông Nguyễn Gia (trú thôn Bắc An, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) vào giữa trưa. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh bức tường đầu hồi của ngôi nhà cấp 4 khá chắc chắn đã bị lũ đánh sập, kéo đổ phần lớn mái nhà; gạch, ngói, gỗ nằm ngổn ngang. Phần tường bên cạnh đang bị vết nứt kéo dài và ngày một rộng dần. Nguy cơ sụp toàn bộ ngôi nhà có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Cụ ông năm nay đã 86 tuổi vẫn đang loay hoay dọn dẹp những vật dụng trong nhà bị nước lũ và bùn nhão lấp lên. “Đêm 16-11, vợ chồng tôi đang ngủ thì nghe nước chảy ào ào. Một lúc sau là ngập nửa nhà nên tôi và bà nhà phải chạy lên gác lửng để tránh nước. Lúc này điện đã bị cúp tối om, chỉ nghe tiếng nước chảy vào mỗi lúc một lớn. Sau đó, nghe tiếng ầm ầm rung lên, tôi mới soi đèn pin thì thấy đầu hồi nhà bị sập đổ. Thú thực, lúc đó tôi nghĩ chắc nước kéo luôn cả nhà thì hai thân già này cuốn theo rồi”, cụ ông nghẹn ngào kể lại.

Được biết, hai ông bà có 7 người con (4 gái, 3 trai) nhưng tất cả đều đã xây dựng gia đình và ở riêng. “Cũng may là trời còn thương cho hai thân già này. Giờ chúng tôi chỉ mong sao có được sự giúp đỡ để dựng lại ngôi nhà chứ cứ để thế này sụp cả nhà lúc nào không hay”, ông Gia lo lắng.

Tình trạng “trắng tay” cũng xảy ra tại khu vực cánh đồng trồng hơn 1 héc ta rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap của hàng chục hộ dân thôn Túy Loan Tây (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Con đường đang chuẩn bị trải bê tông dẫn ra cánh đồng rau sạch này cũng bị nước lũ làm xói lở, trơn trượt, lầy lội. Cả một cánh đồng rau xanh mướt trước đó đã bị nước lũ tràn vào, kéo theo lượng bùn non phủ trắng cánh đồng. Chỉ vài ruộng trồng mướp đắng của một số hộ dân trồng trên giàn cao còn giữ lại được nhưng phía gốc cũng bị bùn non lấp kín.

“Trồng cả sào rau lời chẳng được bao, chưa kể tiền mua phân, mua giống, tiền công chăm sóc. Vậy mà lũ vào cuốn trôi hết”, ông Phan Mỹ (một hộ trồng rau của thôn Túy Loan Tây) vừa dẫn chúng tôi ra vùng trồng rau, vừa buồn rầu chia sẻ. Hơn 1 sào rau sạch với đủ loại: rau dền, rau cải, rau muống… sắp tới vụ thu hoạch của gia đình bị lũ phá nát hoàn toàn.

Ông Huỳnh Văn Thới, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cho biết, theo ước tính sơ bộ, trận lũ vừa qua đã gây thiệt hại cho địa phương gần 12 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về nông nghiệp khoảng 4,6 tỷ đồng gồm: Rau màu khoảng 29,5 héc ta bị hư hỏng, ước thiệt hại khoảng 600 triệu đồng; nuôi trồng thủy sản: 1,7 tỷ đồng; về chăn nuôi: 550 triệu đồng…


Có thể bạn quan tâm

Nam Phi Đánh Giá Cao Hương Vị Cá Tra Việt Nam Nam Phi Đánh Giá Cao Hương Vị Cá Tra Việt Nam

Đa số các khách mời tại sự kiện quảng bá mặt hàng cá tra thành phố Johannesburg (Nam Phi) ở đều đánh giá cao hương vị loại cá này.

27/05/2014
3,5 Ha Tôm Nuôi Ở Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) Bị Bệnh Đốm Trắng 3,5 Ha Tôm Nuôi Ở Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) Bị Bệnh Đốm Trắng

Vụ nuôi trồng thủy sản năm 2014, trong 635,86 ha diện tích tôm, cua, cá nước lợ được thả nuôi có gần 13 vạn con tôm sú và tôm chân trắng.

28/05/2014
Phú Yên Khai Thác Hải Sản Tổng Hợp Chuyến Biển Hiệu Quả Hơn Phú Yên Khai Thác Hải Sản Tổng Hợp Chuyến Biển Hiệu Quả Hơn

Trước tình hình sản lượng cá ngừ đại dương bị suy giảm, nhiều ngư dân Phú Yên đang kết hợp đánh bắt nhiều loại hải sản trong cùng một chuyến biển để tạo hiệu quả kinh tế.

28/05/2014
Hậu Giang Phấn Đấu Đưa Diện Tích Nuôi Cá Tra Lên 1000 Ha Hậu Giang Phấn Đấu Đưa Diện Tích Nuôi Cá Tra Lên 1000 Ha

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, địa phương này đã xây dựng quy hoạch nuôi cá tra đến năm 2015, với tổng diện tích là 700 ha và đến năm 2020 là 1.000 ha, tập trung ở các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy, nhằm đưa tổng sản lượng cá tra của Hậu Giang đạt gần 150.000 tấn.

28/05/2014
Nuôi Sâu Super Worm Lợi Bất Cập Hại Nuôi Sâu Super Worm Lợi Bất Cập Hại

Xuất phát từ lợi ích kinh tế, nên trong thời gian gần đây một số hộ dân ở ấp An Phú A (xã Long An- Long Hồ - Vĩnh Long) nuôi một loại sâu mà chính họ cũng chẳng biết đó là sâu gì. Vậy thực tế loại sâu này là sâu gì, có lợi ích hay tác hại như thế nào?

28/05/2014