Bò - Giun - Lươn
Nuôi bò nhốt chuồng, lấy phân bò nuôi giun quế, lấy giun quế nuôi lươn, làm thức ăn chăn nuôi. Mô hình khép kín trên cho gia đình anh Vũ Văn Hòa, xóm 12, thôn Thăng Long, xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình thu nhập mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình, anh Hòa cho biết đầu năm 2010 anh vay vốn đầu tư hệ thống chuồng trại và 3 cặp bò sinh sản về nuôi nhốt. Đồng thời lên Trung tâm Nghiên cứu bò & đồng cỏ Ba Vì (Hà Nội) học hỏi kinh nghiệm. Đến nay đàn bò đã sinh sản được trên chục con. Qua hạch toán trừ chi phí lãi luôn đạt trên 1 triệu/con/tháng.
Dù đã có hầm biogas để xử lí chất thải, song với số lượng phân quá lớn làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, anh đã tìm tòi học hỏi kỹ thuật nuôi giun quế để khắc phục. Ban đầu chỉ nuôi giun với diện tích 2 m2, đến nay anh đã mở rộng lên 200 m2.
“Cách xây chuồng nuôi giun rất đơn giản, nền chuồng phải dốc nước có thể dùng khay nhựa, thau nhựa để dễ thoát nước, xung quanh có mái che nắng mưa, tránh cóc, chuột kiến, ngập nước và ánh sáng mặt trời. Thức ăn chủ yếu của giun là phân bò, phân gia súc gia cầm, rơm rạ, rau, củ, quả loại thải. Giun quế được nuôi quanh năm, mỗi lứa từ 45 - 50 ngày. Sản lượng thu được từ 3 - 5 kg/m2 với giá bán từ từ 70.000 - 100.000 đ/kg", anh chia sẻ.
Việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp để SX đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Nhiều nông dân các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hưng Yên, Hòa Bình đã đến học hỏi kinh nghiệm và mua giun giống. Ngoài bán giống, lượng giun còn lại anh để làm thức ăn cho gà, vịt. Phân giun bón lúa, rau màu rất tốt.
Đầu năm 2012 anh nuôi lươn bán công nghiệp để tận dụng giun quế làm thức ăn cho lươn. Anh dùng lưới nilon may thành 3 lồng nuôi lươn, mỗi lồng có chiều ngang 5 m, dài 6 m, cao 2 m, đáy ghìm sâu xuống bùn 20 cm, trên mặt nước thả bèo tây để đảm bảo độ che mát và ánh sáng, thanh lọc nước. Nhờ vậy mà lươn ít bị bệnh.
Mỗi năm anh nuôi 2 lứa lươn, vụ xuân hè nuôi 4 tháng, vụ thu đông nuôi 5 - 6 tháng. Mùa đông giữ nhiệt độ cho lươn bằng cách thả nhiệt kế vào nước và dùng đèn hồng ngoại thắp trên mặt ao, theo dõi, để nhiệt độ trên 20 độ C. Với mật độ thả từ 40 - 50 con/m2 mỗi lứa anh thu được 3 - 4 tạ lươn, bán giá bình quân 150.000 đ/kg rất đắt khách.
Mô hình bò - giun - lươn đã cho gia đình anh Hòa thu nhập khoảng 25 triệu đ/tháng. Trong thời gian tới anh sẽ vào Nam mua lươn giống để về mở rộng diện tích nuôi trên cạn.
Có thể bạn quan tâm
Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn đánh giá của Hiệp hội thịt và vật nuôi Australia (MLA) cho biết kể từ năm tài chính 2011-2012, xuất khẩu gia súc sống từ Australia sang Việt Nam đã tăng gần 90 lần.
Hiện nay, trên các trà lúa mùa của huyện đang xuất hiện bệnh bạc lá, đạo ôn, khô vằn và ốc bươu vàng gây hại với tổng diện tích gần 340 ha, trong đó, hơn 60 ha bị ốc bươu vàng gây hại với mật độ hơn 20 con/m2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang chỉ đạo nông dân thường xuyên bám sát đồng ruộng để phát hiện các loại sâu bệnh, phòng trừ kịp thời.
Ngày 16-8, Hiệp hội An toàn thực phẩm và an ninh lương thực Châu Á (AFSSA), cùng với Hiệp hội An toàn thực phẩm Nhật Bản đã phối hợp với Sở Khoa học công nghệ và Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai tổ chức Hội nghị quốc tế về an toàn thực phẩm và an ninh lương thực lần 2 tại Đồng Nai.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp vừa phối hợp với UBND huyện Tân Hồng tổ chức triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, cán bộ nông nghiệp các xã, thị trấn; thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác đang hoạt động trên địa bàn huyện.
Tận dụng phụ phẩm từ vùng chuyên canh lúa, hoa màu (rơm, rạ, thân cây bắp...), để phát triển nghề nuôi bò vỗ béo là mô hình mang lại hiệu quả khá cao. Theo Trạm Thú y huyện Lấp Vò, trong vài năm trở lại đây, số đàn bò ở huyện không ngừng tăng lên. Hiện toàn huyện có gần 3.000 con bò.