Cần Tiết Kiệm Nước Tưới Cà Phê Trong Mùa Khô Hạn
Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang tiến hành tưới cà phê đợt 2 và đợt 3, nhưng do nguồn nước thiếu hụt nhiều địa phương không đủ nước để đáp ứng nhu cầu các đợt tưới tiếp theo.
Tại huyện Đắk Mil, ông Nguyễn Hoài Nam ở xã Đắk Gằn cho biết: “Nhiều năm nay, tôi thường dùng chung cái ao cuối rẫy cùng với các hộ dân bên cạnh để tưới cho 1 ha cà phê của gia đình. Năm nay, dù mới chỉ tưới xong đợt 2, bước sang đợt 3, nhưng nước trong ao chỉ đủ tưới cầm chừng khoảng 2-3 giờ rồi nghỉ để chờ nước dâng lên rồi mới tưới tiếp”.
Còn ông Lê Văn Thành ở xã Đắk Lao, tuy có rẫy cà phê ở gần khu vực đập thủy lợi Bò Vàng, nhưng do mực nước của công trình thủy lợi này xuống quá thấp nên việc bơm tưới cho cà phê cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Thành nói: “Cứ đến đợt tưới, hàng chục máy bơm nước của người dân tập trung hút nước khiến cho nguồn nước dự trữ ít càng rút nhanh.
Gia đình tôi có 1,5 ha cà phê cách đập thủy lợi trên 500m, tương đương với 10 cuộn dây tưới nên càng khó khăn hơn trong việc bơm nước tưới cho cà phê”. Theo kết quả kiểm tra của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh, với tình trạng nắng nóng và thực tế nguồn nước như hiện nay thì trong những ngày tới trên địa bàn huyện Đắk Mil sẽ có hơn 3.000 ha cà phê bị thiếu nước tưới.
Khác với vườn cà phê của gia đình ông Thành phụ thuộc vào nguồn nước từ ao hồ đào ven rẫy, diện tích cà phê trên 2 ha của gia đình Trần Văn Chiến ở Đắk Sơn, xã Nam Xuân (Krông Nô), còn khó khăn hơn gấp bội vì phải trông chờ vào lượng nước khiêm tốn từ cái giếng đào ngay trong vườn cà phê.
Ông Chiến cho biết: “Vào thời điểm này của những năm trước, nguồn nước trong giếng chưa bị tụt thì tôi bơm hút tưới tràn thỏa mái, nhưng năm nay khi tưới được 70% diện tích đã thấy lộ hẳn mạch nước dưới đáy giếng ra rồi. Cứ đà này đến các đợt tưới sau, nguồn nước trong giếng có lẽ không đủ để tưới cho cho cà phê đâu”.
Theo ông Chiến, nhiều hộ trong thôn khi thấy nước giếng ngày một cạn dần đã thuê người vét lại nhưng vẫn không đủ nước để tưới cho vườn cà phê. Mặt khác, khi nguồn tưới từ giếng đào trước nguy cơ cạn kiệt thì người dân lại đổ xô đi thuê máy để khoan giếng. Thế nhưng có những hộ thuê khoan giếng trên những khu vực có kết cấu địa tầng toàn là đá hoặc mực nước ngầm độ sâu quá lớn nên nhiều gia đình khoan đến 2-3 giếng vẫn không gặp nước.
Một số hộ khoan đến 150 - 190 m mới đến mạch nước ngầm khiến cho nguồn nước của các giếng đào gần đó ngày một cạn kiệt, do bị đứt mạch nước mặt… Cũng theo kết quả kiểm tra thì trên địa bàn huyện Krông Nô, địa phương này sẽ có trên 2.900 ha cà phê bị khô hạn; trong đó, tại các xã Nam Xuân có 800 ha, Đắk Sôr 700 ha, Tân Thành 550 ha, Nâm Nung 400 ha, Đắk D’rô 450 ha…
Ngoài huyện Đắk Mil, Krông Nô thì ở các huyện còn lại, tình trạng khan hiếm nước tưới cũng đang đe dọa đến hàng ngàn hécta cà phê của nông dân. Một điều đáng chú ý là ngoài các hộ sử dụng nước tưới cà phê từ ao hồ, khe suối, giếng đào… thì nhiều hộ dân trồng cà phê ở những khu vực gần các công trình thủy lợi, hồ chứa nước cũng không khỏi lo lắng do nông dân tranh thủ đưa máy bơm hút liên tục khiến mực nước càng xuống nhanh.
Với tình hình nắng nóng và khan hiếm nguồn nước tưới cho cây cà phê như hiện nay, nếu các địa phương không tổ chức được các tổ quản lý, phân lịch tưới cụ thể đối với các hộ trồng cà phê cũng như hướng dẫn các biện pháp tưới tiết kiệm thì việc đáp ứng nhu cầu nước tưới cho cây trồng sẽ hết sức căng thẳng. Tình trạng này cộng với điều kiện thời tiết bất thường càng làm cho việc đầu tư, chăm sóc của bà con nông dân gặp khó khăn nhiều hơn.
Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, để giảm thiệt hại bởi hạn hán thì biện pháp hiệu quả nhất là nông dân cần áp dụng giải pháp tưới tiết kiệm và thực hiện kỹ thuật canh tác tích cực như thiết lập lại hệ thống vành đai rừng và cây che bóng để cây sinh trưởng, phát triển ổn định.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, trong tình huống thiếu hụt nguồn nước diễn ra bức thiết thì bà con nên điều chỉnh lượng nước tưới cho cây cà phê xuống khoảng 250 - 350 lít/gốc. Đây là mức đủ để cho cây sinh trưởng và phát triển bình thường. Việc áp dụng mức tưới hợp lý sẽ giúp cho bà con giảm được khoản chi phí cho xăng dầu bơm tưới, đào, khoan giếng không nhỏ và qua đó góp phần làm giảm giá thành sản xuất cà phê.
Song tưới nước tiết kiệm chỉ là giải pháp tình thế và giải pháp bền vững, lâu dài là phải cân đối lại tiềm năng nguồn nước với diện tích cây trồng để chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó quy định một số sản phẩm cấm xuất khẩu.
Theo Cục Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 20/2/2015 diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 15.022 ha, tăng 518 ha so với cùng kỳ 2014. Trong đó, diện tích muối thủ công ước đạt 11.029 ha; Diện tích muối công nghiệp ước đạt 3.993 ha.
Số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su 2 tháng đầu năm đạt 137.000 tấn, giá trị đạt 202 triệu USD, tăng 30,5% về khối lượng nhưng giảm 6,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,87 tỷ USD, giảm 5,3%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 907 triệu USD, giảm 9,4%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1.046 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp, nhập khẩu mặt hàng này 2 tháng đạt 172 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2014. Hai thị trường nhập khẩu chính là Ấn Độ (chiếm 32,6%) và Nauy (chiếm 10,4%).