Cần Thêm Hỗ Trợ Cho Nông, Thủy Sản
Đầu vào tiếp tục tăng, đầu ra co lại, khiến thuỷ sản, lúa gạo gặp khó khăn trong thời gian qua. Dự báo tình hình vẫn chưa được cải thiện trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới giảm và các nước nhập khẩu chủ lực hàng hóa của Việt Nam điều chỉnh chính sách.
Tại cuộc làm việc về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông-lâm-thuỷ sản ngày 8-6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các bộ, ngành và hiệp hội ngành hàng cần nhanh chóng rà soát và có điều chỉnh tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp và cho bà con nông dân.
Giá và lượng đều sụt giảm
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I/2013, xuất khẩu nông sản, thuỷ sản bắt đầu giảm sút. Đến hết tháng 5, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thuỷ sản đạt 10,7 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ 2012. Các mặt hàng nông sản chính giảm 13,1% về giá trị khiến thặng dư thương mại toàn ngành giảm 18,5%.
Nguyên nhân là do dịch bệnh bùng phát và đặc biệt giá cả của nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm, trong khi sức mua chưa cải thiện nhiều.
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mặt hàng lúa gạo đã được dự báo từ trước là sẽ gặp nhiều khó khăn và nên Hiệp hội đã có các giải pháp chủ động. Do vậy, dù thị trường lớn giảm cầu nhưng tính đến hết tháng 6, tổng lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đạt 3,5 triệu tấn, cao hơn cùng kỳ 2012 là 100.000 tấn.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sản phẩm cá tra Việt Nam đứng đầu về số lượng nhưng về giá, các doanh nghiệp Việt Nam không tự chủ.
Theo ông Dũng, cung nhiều hơn cầu dẫn tới cạnh tranh lẫn nhau. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho rằng, mặc dù chính sách đã được Chính phủ chỉ đạo kịp thời nhưng việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn.
Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, 5 ngân hàng thương mại triển khai hỗ trợ vốn vay ưu đãi nhưng thực chất chỉ có BIDV tích cực triển khai. Trong 5 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản giảm 2,6%. Ông Dũng cho biết, từ tháng 4-2013, nhu cầu thị trường thế giới bắt đầu tăng trở lại nhưng nguồn nguyên liệu trong nước (tôm, cá tra, cá ngừ...) vẫn hạn chế do thiếu vốn nên nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất.
Ưu đãi vốn cho nông nghiệp
Theo đại diện Hiệp hội cá tra Việt Nam, ngoài việc các bộ, ngành chủ động đàm phán song phương, đa phương với các đối tác để giảm thuế, hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu, giảm thiệt hại do chống bán phá giá, vốn vay cho người nuôi cá nên kéo dài thời gian từ 12 lên 14-16 tháng cho những trường hợp thị trường tiêu thụ chậm hoặc gặp dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ngoài việc cho doanh nghiệp vay vốn mua thức ăn nuôi tôm, cá, chính sách cần mở rộng thêm cho cả các đối tượng doanh nghiệp tự sản xuất được thức ăn, để khuyến khích doanh nghiệp làm chủ toàn bộ chuỗi giá trị.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, đến ngày 31-3-2013, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 578.915 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cuối năm 2012. Ước 5 tháng đầu năm dư nợ cho vay trong lĩnh vực này đạt 585.000 tỷ đồng tăng 4,2%.
Ông Tiến cho biết, trong thời gian tới, đối với lĩnh vực kinh doanh lúa gạo, ngân hàng sẽ hỗ trợ 100% tiền giống lúa có năng suất chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu cho bà con nông dân. Biện pháp này vừa đảm bảo hỗ trợ trực tiếp cho bà con nông dân, vừa định hướng sản xuất nông sản chất lượng cao.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện 8 giải pháp trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, các bộ, ngành đẩy mạnh đàm phán song phương với các đối tác nhằm giảm các rào cản thuế quan, tăng cường vai trò của các hiệp hội, đề xuất các giải pháp cụ thể.
Các Bộ và hiệp hội ngành hàng cần rà soát từng mặt hàng, doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ. Với mặt hàng gạo, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng đã có quyết định thu mua tạm trữ từ 15-6, do vậy Bộ Tài chính cần sớm phối hợp với các bộ công bố giá định hướng để doanh nghiệp triển khai.
Quý II, thị trường lúa gạo dù có tín hiệu khả quan nhưng sức ép cạnh tranh từ các nhà xuất khẩu khác rất lớn, do vậy công tác xúc tiến thương mại xuất khẩu phải được mở rộng. Phó Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng cơ chế tín dụng cho vay đối với hộ nông dân.
Ngoài ra, các hiệp hội, doanh nghiệp cũng cần chủ động tăng cường thông tin, xây dựng lòng tin thị trường, trước hết cần thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn, giá cả, chất lượng thực phẩm sản xuất trong nước để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn.
Có thể bạn quan tâm
Nguyên nhân thiệt hại vụ ngô thu đông 2015 tại các địa phương này là do thời tiết bất thuận và kỹ thuật canh tác của bà con chưa đúng quy trình.
Sau khi có văn bản cấm đưa khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt, một số tiểu thương cho biết sắp tới UBND TP không bỏ lệnh này thì sẽ trả mặt bằng.
Trong các giống xoài đang trồng hiện nay, xoài cát Hòa Lộc (Mangifera indica L.) đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường và diện tích trồng giống xoài này đang ngày càng gia tăng bởi phẩm chất vượt trội.
Từ đầu năm 2015 đến nay, việc xuất khẩu chè Oolong sang thị trường Đài Loan (chiếm 95% thị phần xuất khẩu chè Oolong của Việt Nam) gặp nhiều khó khăn. Đến hiện tại, sản phẩm chè Oolong sản xuất tại Lâm Đồng gần như bị nghẽn hàng, không thể xuất bán như trước đây.
Tính từ đầu năm 2015 đến nay, tổng sản lượng khai thác thủy hải sản trên địa bàn huyện U Minh (Cà Mau) ước đạt 45.200 tấn, đạt 93% kế hoạch đề ra trong năm.