Cần Quản Lý, Kiểm Soát Chặt Chẽ Thuốc Bảo Quản Hoa Quả
Những loại hóa chất bảo quản luôn tiềm ẩn nguy cơ độc hại, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
Trong khi dư luận vẫn chưa hết hoang mang về vụ việc một số loại hoa quả tẩm thuốc bảo quản để một thời gian dài không hỏng, việc mua bán các loại hóa chất này vẫn diễn ra công khai trước sự bất lực của các cơ quan quản lý. Những loại hóa chất này luôn tiềm ẩn nguy cơ độc hại, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
Phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là một tụ điểm bày bán công khai các loại phụ gia và hóa chất dùng để chế biến, bảo quản thực phẩm. Để tìm mua các loại thuốc bảo quản hoa quả tươi lâu hay thuốc thúc quả nhanh chín rất khó vì người bán hàng thường lắc đầu dè dặt, vì đây là những loại hóa chất độc hại bị cấm và chỉ bán cho khách quen.
Những người bán hàng tại phố Hàng Buồm cho biết, trước đây kinh doanh nhiều loại thuốc khác nhau nhưng nay ít hơn vì đây là những hóa chất nguy hiểm và bị cấm. Hiện tại các loại hóa chất được bày bán chủ yếu của Trung Quốc, được bán theo cân, với giá từ 60.000 – 100.000 đồng/kg, bên ngoài vỏ không có tên, nhãn mác, đơn vị sản xuất, có công dụng biến hoa quả từ xanh non thành chín đẹp, tươi bóng loáng và bảo quản được nhiều tháng.
Các loại hóa chất đều có dạng bột trắng, để sử dụng được cần pha với nước, sau đó cho hoa quả vào để ngâm. Người bán hàng cho biết, nếu muốn quả nhanh chín và giữ được lâu nên pha đậm đặc, càng đặc công dụng càng cao.
Các chuyên gia cho biết, trái cây được tẩm hóa chất sẽ bóng đẹp như được chăm bón tốt, thu hoạch đúng lúc. Quả thúc chín bằng thuốc có bề ngoài như quả chín cây, vì thế việc phân biệt hoa quả có hóa chất không thể thực hiện được bằng mắt thường. Rửa trái cây kỹ bằng nước sạch hoặc ngâm nước muối cũng không có tác dụng, vì có thể hoá chất độc hại đã ngấm sâu vào ruột. Chẳng hạn như: quả táo ngâm chất bảo quản rất tươi. Nhiều bà nội trợ khó phân biệt quả có chứa hóa chất bảo quản.
Chị Phạm Anh Thư ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi thật khó để phân biệt hoa quả nào là an toàn và hoa quả nào có chất bảo quản. Tôi nghĩ bây giờ mua hoa quả ở siêu thị hay thương hiệu nổi tiếng cũng không tin lắm. Cho nên, tôi chỉ chọn hoa quả rẻ tiền, theo mùa của Việt Nam như: cóc, bưởi”.
Trước đây, để làm chín hoa quả cũng như bảo quản chúng, các chủ cửa hàng thường dùng các phương pháp truyền thống như hương, đất đèn, lá xoan, chấm vôi vào cuống… Tuy nhiên hiện nay, do quá trình vận chuyển kéo dài, hoa quả dễ thối, hỏng nên các lái buôn thường dùng các loại hoá chất có độc hơn, vừa rẻ, tiện lợi mà giữ được hoa quả tươi lâu.
Theo các chuyên gia về công nghệ bảo quản thực phẩm, nhiều loại hóa chất bảo quản và việc lạm dụng chắc chắn không tốt cho sức khỏe con người. Nhóm hóa chất nguy hiểm nhất là Auxin, trong đó có chất loại 2,4-D - thành phần trong thuốc diệt cỏ, pha với tỷ lệ 5 đến 10 phần triệu dùng để ngâm, phun giúp quả, rau tươi lâu hơn.
Người tiêu dùng ăn phải những loại quả, rau này, tích lũy chất độc sau một thời gian có thể bị ung thư. Bởi vậy, nhóm Auxin đã bị nghiêm cấm sử dụng để bảo quản rau, quả. Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng các loại thuốc bảo quản thực phẩm, trong đó có rau quả rất tràn lan, khó kiểm soát.
Trên thực tế, nhiều loại thuốc của Trung Quốc đang bán thường “ngậm” bền trong trái cây rất nguy hiểm cho sức khoẻ con người.
Ông Nguyễn Duy Lâm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và kiểm tra chất lượng nông sản thực phẩm (Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch) cho biết: “Chúng ta phải quản lý chặt chẽ những nông sản đưa vào thị trường Việt Nam để người tiêu dùng được sử dụng được sản phẩm sạch. Theo tôi, có những chất bảo quản hoa quả, nếu chúng ta dùng quá liều sẽ có hại cho sức khỏe. Vì vậy, chúng ta phải cân nhắc kỹ khi sử dụng”.
Trong tình hình hiện nay, các nhà khoa học khuyên người tiêu dùng nên mua các loại hoa quả trong nước và đặc biệt cẩn trọng với hoa quả trái mùa bởi rất có thể các loại hoa quả này được tẩm hóa chất tươi lâu. Các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý việc sử dụng các loại hóa chất bảo quản, thúc tăng trưởng rau, quả cũng như việc lưu thông các loại hàng hóa thiết yếu này.
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu tháng 5/2015 đến nay, hàng trăm hộ nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau gặp khó bởi vụ tôm này gần như mất trắng.
Tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng của TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình 6 tháng đầu năm 2015 đạt trên 6.000 tấn các loại, trong đó khai thác 5.724 tấn, nuôi trồng hơn 300 tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ, bằng 58,44% kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất thủy sản 158 tỷ đồng.
So với các địa phương trong vùng biển Gio Linh (Quảng Trị) thì thị trấn Cửa Việt là địa phương có lợi thế phát triển kinh tế biển và dịch vụ du lịch với đơn vị hành chính được thành lập sau khi chia tách một số thôn của xã Gio Hải và Gio Việt có vị trí thuận lợi nhờ vào cảng biển và cửa lạch, đồng thời cư dân ở thị trấn Cửa Việt có bề dày kinh nghiệm về đánh bắt hải sản...
Mới đây qua kiểm tra, Chi cục Thú y Đồng Nai đã phát hiện 15 cơ sở chăn nuôi có sử dụng chất cấm. Ngay sau đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương cùng vào cuộc, giữ lại đàn heo của các trại này, xử lý thật nghiêm, không để ra thị trường làm ảnh hưởng đến thương hiệu heo Đồng Nai.
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt quy hoạch đồng cỏ và vùng chăn nuôi gia súc có sừng đến năm 2020.