Hợp Tác Thủy Sản Giữa Na Uy Và Việt Nam
Dù có nhiều nước cùng xuất khẩu cá hồi như Chile, Canada… nhưng Na Uy chiếm 72% thị trường thế giới. Với chất lượng và nghệ thuật tiếp thị, các công ty của Na Uy đã thuyết phục được người tiêu dùng Nhật Bản, vốn rất khó tính, thay đổi suy nghĩ, sử dụng cá hồi nuôi Na Uy như món ăn không thể thiếu, thay vì trước đó chỉ sử dụng cá khai thác từ biển để chế biến các món ăn truyền thống.
Cùng phát triển
Tuần qua, trong khuôn khổ hợp tác giữa 2 nước từ chuyến thăm Việt Nam của Hoàng gia Na Uy, đoàn doanh nghiệp (DN) Na Uy đã làm việc với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tại TPHCM, tìm hiểu về cơ hội hợp tác giữa các DN cùng lĩnh vực.
Nói đến cá hồi thế giới người ta hay nhắc đến cá hồi Na Uy bởi sự tổ chức chuyên nghiệp, bài bản, uy tín và chất lượng luôn được đảm bảo. Nhu cầu sử dụng cá hồi tại Việt Nam nói riêng và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung còn nhiều cơ hội phát triển nhờ nền kinh tế năng động và một lượng lớn dân số thế giới tập trung sống ở khu vực này, bao gồm cả Ấn Độ.
Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Công thương và Thủy sản Na Uy, ông Amund Dronen Ringdal, cho rằng, là quốc gia có kinh nghiệm phát triển thủy sản, đây là dịp tìm hiểu và hy vọng cơ hội hợp tác giữa 2 nước sẽ có bước phát triển tốt hơn. Theo ông, công nghệ là yếu tố tiên quyết trong nuôi trồng và khai thác hải sản. Điều quan trọng là tạo kênh đối thoại để 2 phía cùng phát triển mục tiêu trong tương lai.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Vasep, cho rằng có khả năng hợp tác giữa hai bên. Bên cạnh chế biến trong nước, Na Uy có thể xuất khẩu cá hồi tươi nguyên con đến Việt Nam, nơi mà khả năng và công suất chế biến của các nhà máy thủy sản còn rất lớn.
Các thiết bị đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu của châu Âu, nguồn lao động cạnh tranh và tay nghề cao của người công nhân thủy sản Việt Nam có nhiều ưu thế so với các nước trong khu vực để sơ chế và tái xuất khẩu sang các nước vùng châu Á - Thái Bình Dương.
Bài học mới
Cá tra Việt Nam thời gian đầu phát triển rất nhanh, từ con cá bản địa, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã nuôi được và chế biến xuất khẩu, tạo ra bước tiến đột phá. Nhưng sau khi đạt sản lượng 1 triệu tấn cá nguyên liệu chế biến cách đây mấy năm thì bắt đầu lộ ra những thách thức không nhỏ về tổ chức sản xuất, liên kết, chế biến và xuất khẩu từ nội tại ngành cá tra Việt Nam. Sự tự phát cả trong nuôi, chế biến với hàng loạt nhà máy mới ra đời dẫn đến tình trạng tranh giành khách hàng bằng cách giảm giá, mà theo kinh nghiệm của Na Uy, đó là hành động tồi tệ nhất kéo theo các DN cùng đi vào ngõ cụt.
Mấy năm nay, những thách thức, bất cập do sự tự phát ngày càng lộ rõ. Vì vậy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn cho rằng, bài học về cách tổ chức của Hội đồng Thủy sản Na Uy là kinh nghiệm quý giá mà Việt Nam tìm hiểu để có thể từng bước áp dụng cả về tổ chức sản xuất, cách làm thương hiệu, tiếp thị và chất lượng sản phẩm. Tái cấu trúc ngành thủy sản, ở đây là mặt hàng cá tra cần làm nhiều khâu, từ con giống, thức ăn có hệ số tiêu tốn thấp, vaccine trong phòng trừ bệnh… Chính phủ cũng đang chuẩn bị ban hành việc quản lý, tiêu thụ cá tra từ bài học của Na Uy.
Có người đặt câu hỏi, Na Uy sẽ e ngại sự vươn lên mạnh mẽ cá tra Việt Nam nên sẽ khó có chuyện hợp tác hay giúp đỡ, nhưng phía Na Uy khẳng định, cá tra Việt Nam là cá nước ấm, nuôi vùng nước ngọt, trong khi cá hồi là cá biển, ở vùng nước lạnh nên không có sự cạnh tranh lẫn nhau mà có những thị trường riêng cho từng loại sản phẩm.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch danh dự Vasep, cho rằng, điều quan trọng là từ sự tổ chức bài bản, hợp lý và sự liên kết chuỗi giữa người nuôi và nhà chế biến của ngành cá hồi Na Uy, chúng ta phải tìm ra cái có thể áp dụng cho việc tổ chức lại ngành hàng cá tra Việt Nam. Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, áp dụng kinh nghiệm ngành công nghiệp cá hồi Na Uy cho cá tra Việt Nam, trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ sản lượng theo quota nuôi.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, sau nhiều năm tranh cãi, giờ đây hầu hết nhà quản lý và nhà sản xuất đều nhìn nhận, cá tra là ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu phải có điều kiện.
Dù chưa thể áp dụng ngay mà sẽ áp dụng biện pháp mềm hơn nhưng sẽ là khuynh hướng phải tiếp cận dần dần trong tương lai theo cách mà ngành hàng cá hồi Na Uy đã áp dụng hiệu quả vài chục năm qua, cùng một loạt các biện pháp khác giúp cá hồi Na Uy trở nên có uy tín và là thương hiệu số 1 thế giới. Trong đó có việc thu phụ phí xuất khẩu mặt hàng cá hồi để làm nguồn kinh phí cho việc xúc tiến thương mại, điển hình là việc tiếp cận để người tiêu dùng
Nhật Bản thay đổi dần thói quen, từ chỗ chỉ sử dụng cá khai thác từ biển làm các món ăn tươi, sang chấp nhập cá hồi nuôi của Na Uy. Qua bài học này cho thấy, một mình DN không thể làm được mà phải có sự phối hợp, đồng lòng giữa các DN trong việc tiếp thị sản phẩm, đặc biệt là với những thị trường khó tính.
Có thể bạn quan tâm
Đến nay, mùa vụ khai thác mật ong từ vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã kết thúc. Sản lượng mật ước đạt 900 tấn, giảm 1.500 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Mô hình chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và cải thiện cuộc sống của nhiều gia đình nghèo.
Theo định hướng tái cơ cấu ngành Chăn nuôi, đàn gia cầm sẽ được tăng lên so với đàn gia súc. Tuy nhiên, theo quan điểm của Hiệp hội Chăn nuôi thì điều này chưa thích hợp.
Với nguồn thức ăn sẵn có, đầu ra sản phẩm có giá cả ổn định và khá cao, nghề nuôi dê tại ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đang phát triển thuận lợi.
Loại gạo Việt Nam trúng thầu là 15% tấm, giao hàng tập trung từ tháng 5 đến tháng 8/2014. Giá trúng thầu từ 436-441,25 USD/tấn. Đây là một tin vui đối với các doanh nghiệp và nông dân vì với hợp đồng này, giá lúa trong nước có thể sẽ được nâng lên trong thời gian tới.