Cần Lời Giải Cho Phát Triển Cây Nha Đam
Cây nha đam phát triển phù hợp ở vùng đất cát và nắng, lại dễ trồng, đầu tư không nhiều, có thời kỳ trở thành niềm hy vọng làm giàu của người dân Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận. Nhưng thực tế hơn 10 năm qua, về mặt hiệu quả kinh tế, cây nha đam vẫn dậm chân tại chỗ.
Nha đam dễ trồng
Được biết, cây nha đam bắt đầu được trồng ở tỉnh từ khoảng năm 2002. Đến nay, tổng diện tích nha đam toàn tỉnh trên 260 ha, tập trung chủ yếu ở 2 phường Văn Hải và Mỹ Bình (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm).
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Cây nha đam tốn ít công chăm sóc nên nếu giá bán tốt thì người dân thu lợi nhuận rất cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở thu mua nha đam lớn, có đăng ký với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, còn có hàng chục các đầu mối thu mua nhỏ để vận chuyển nha đam từ tỉnh Ninh Thuận đi TP. Hồ Chí Minh hoặc lên Đà Lạt (Lâm Đồng) tiêu thụ.
Anh Nguyễn Công Khanh, ở phường Văn Hải, cho biết: Nha đam thường trồng vào mùa mưa, sau khi trồng thường xuyên tưới nước, nhưng nước không được đọng lại. Trồng gần một năm thì thu hoạch bằng cách cắt hai bẹ của mỗi cây, cách một tháng sau cắt tiếp.
Với giá bán cho đầu mối thu mua hiện nay là 1.000 đồng/kg, thì 1ha chúng tôi có thể thu lời trên 20 triệu đồng mỗi tháng. Bà Nguyễn Thị Cơ cùng ngụ phường Văn Hải cũng nói: Giá bây giờ 700 đồng, lời ít đi chứ giai đoạn năm 2008-2009, giá nha đam là 2.000 đồng/kg. Nếu giữ được giá này thì làm giàu nhờ nha đam là chuyện bình thường.
Không có thị trường ổn định
Tuy diện tích nha đam tăng lên so với thời kỳ mới trồng, nhưng giá nha đam lại đi xuống thảm hại. Theo bà con trồng nha đam, giá có lúc cao nhất trên 2.000 đồng/kg, có khi xuống chỉ còn 300 đồng/kg. Ông Nguyễn Tin, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT) giải thích: Cây nha đam không nằm trong quy hoạch phát triển cây trồng của tỉnh, không có thị trường tiêu thụ ổn định, lên xuống bất thường, người dân trồng nha đam tự phát, ồ ạt mà không đảm bảo đầu ra thì rất nguy.
Ông Cao Xuân Quang, chủ cơ sở thu mua nha đam lớn và lâu năm nhất tỉnh, phân tích: Thị trường tiêu thụ cây nha đam hết sức bấp bênh, ngay cả khi ký hợp đồng bán nha đam với một công ty nào đó, tôi cũng không dám bảo đảm giá cả ổn định. Do họ trả thấp, mình không thể mua của nông dân với giá cao được. Hiện nay, ông Quang ký hợp đồng thu mua của nông dân với tổng diện tích gần 10ha. Mỗi ha, ông Quang cho nông dân mượn 50 triệu đồng để họ đầu tư giống, phân bón.
Tuy nhiên, cũng như các đầu mối thu mua khác, ông Quang không đảm bảo sẽ mua hết nha đam của nông dân. Ông Nguyễn Mới, ở phường Văn Hải chia sẻ: Suốt nhiều tháng cuối năm ngoái, nông dân trồng nha đam không thể bán được do đầu mối họ không thu mua nữa. Nhìn bẹ nha đam rũ xuống vườn hết lứa này đến lứa khác mà xót. Hiện nay nhà tôi có 1ha nha đam đến kỳ thu hoạch nhưng chưa có thương lái đến mua. Đây là tình trạng chung của nhiều hộ trồng nha đam trên địa bàn thành phố.
Theo bà Bùi Thị Liên, một người trồng nha đam ở phường Mỹ Bình, thì với giá như hiện nay, trồng nha đam vẫn có lời. Tuy nhiên người trồng không dám mạo hiểm mở rộng diện tích bởi rất lo giá xuống chỉ còn vài trăm đồng/kg. Nếu có đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm, chắc chắn cây nha đam sẽ trở thành cây trồng đem lại thu nhập khá cao cho người nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Với quyết định táo bạo làm phòng máy lạnh nuôi lợn, thu nhập của chị Ngô Thị Chúc (46 tuổi) ở thôn Nam Sơn, Hoà Tiến, Hoà Vang, Đà Nẵng) đã tăng gấp đôi.
Trận lũ lớn ngày 15.11, nước lũ lên nhanh đã làm ngập Trạm Nghiên cứu thực nghiệm khoa học-công nghệ (KHCN) của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Định (thuộc xã Phước An, huyện Tuy Phước). Nước lũ cao từ 0,5-1,2m đã làm ngập, cuốn trôi, hư hại hàng chục ngàn cây giống cấy mô và một số thiết bị bị hư hại.
Sau khi xây dựng thành công đề tài: “Ứng dụng chế phẩm nấm xanh Ometar trừ rầy nâu hại lúa” quy mô nông hộ tại 6 xã trồng lúa trọng điểm là: xã Ngãi Tứ và Mỹ Lộc (Tam Bình), xã Hiếu Phụng và Hiếu Nhơn (Vũng Liêm), xã Hựu Thành và Hòa Bình (Trà Ôn), mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã quyết định công nhận và cho phép công bố kết quả đề tài này.
Sau khi xây dựng thành công đề tài: “Ứng dụng chế phẩm nấm xanh Ometar trừ rầy nâu hại lúa” quy mô nông hộ tại 6 xã trồng lúa trọng điểm là: xã Ngãi Tứ và Mỹ Lộc (Tam Bình), xã Hiếu Phụng và Hiếu Nhơn (Vũng Liêm), xã Hựu Thành và Hòa Bình (Trà Ôn), mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã quyết định công nhận và cho phép công bố kết quả đề tài này.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Chính sách tạm trữ lúa gạo là giải pháp tình thế mà Chính phủ thực hiện để đảm bảo nông dân có lãi 30% nhờ trồng lúa. Giá thành lúa gạo ĐBSCL vụ Hè Thu năm nay là 4.114 đồng/1kg và sau khi Chính phủ tổ chức mua tạm trữ thì trong nhiều tháng liền giá lúa đã cao hơn giá tối thiểu ở mức 5.350 đồng/kg, hiện nay là 5.600-5.800 đồng/kg.