Nuôi Gà Sinh Học, Tăng Thu Nhập Gia Đình
“Tôi vẫn nhớ những tháng ngày lận đận trước đây. Khi đó, nhà nghèo, con nhỏ nên gia đình luôn chịu cảnh thiếu trước, hụt sau…”. Đó là lời nói chân tình của anh Nguyễn Văn Phước - chủ trại nuôi gà sinh học thả vườn ở ấp Phú Long Phụng B - xã Phú Khánh (Thạnh Phú - Bến Tre).
Kết hôn năm 1990, vợ chồng anh Phước sống bằng nghề nông, canh tác 2,8 công đất vườn tạp và làm thuê. Sau khi có con, kinh tế gặp nhiều khó khăn, hộ anh được xếp là hộ nghèo tại địa phương trong nhiều năm liền. Anh thường tìm đến bạn bè học hỏi kinh nghiệm làm ăn với mong muốn tìm cơ hội thoát nghèo. Năm 2009, sau khi được tham dự lớp tập huấn ngắn hạn về chăn nuôi gà sinh học thả vườn do Hội Nông dân xã kết hợp với ngành chức năng tổ chức, anh Phước mua 200 con gà giống về nuôi thử nghiệm. Nhờ khéo chăm sóc nên đàn gà của anh phát triển tốt, bán ra thu lãi khá cao. Phấn khởi, anh tiếp tục đầu tư, mua gà giống với số lượng nhiều hơn và chia gà ra nhiều lứa (đàn), xây dựng chuồng trại lớn hơn. Kết quả, sau mỗi đợt xuất chuồng, anh thu lãi từ 8 - 20 triệu đồng/lứa (5 - 6 lứa/năm). Năm 2010, hộ anh Nguyễn Văn Phước được xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo. Sau đó, mô hình nuôi gà sinh học thả vườn của anh Phước đã được nhiều nông dân trong xã học tập. Đặc biệt, trong dịp Tết
Nguyên đán Quý Tỵ, anh Phước xuất bán 2 lứa gà, với 1.400 kg (khoảng 1.000 con), giá bán 100 ngàn đồng/kg, thu lãi trên 70 triệu đồng.
Nông dân Nguyễn Văn Phước chia sẻ: Tôi chịu khó học hỏi kinh nghiệm ở bè bạn, tài liệu và thực hiện đúng theo hướng dẫn. Trong đó, quan trọng nhất là thực hiện đúng 4 chuyên cần: về con giống, phải tốt, khỏe mạnh; về thuốc phòng ngừa bệnh, phải cơ bản và đúng liều lượng; về chuồng trại, phải đúng kỹ thuật và đảm bảo vệ sinh môi trường; về thức ăn và nước uống, phải đầy đủ, phù hợp, không thừa mà cũng không thiếu. Theo anh Phước, mỗi con gà từ lúc sơ sinh cho đến khi trưởng thành xuất chuồng (đạt trọng lượng bình quân từ 1,2 kg đến 1,4 kg) tiêu tốn khoảng 4,5 kg thức ăn (khoảng 52.000 đồng), người chăn nuôi bao giờ cũng có lãi. Hiện tại, nhờ nuôi gà sinh học thả vườn, gia đình anh Phước đã trở nên khấm khá, nuôi hai người con học đại học và xây dựng được nhà cửa khang trang.
Ông Mai Chiến Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Khánh cho biết: “Anh Phước là người chí thú làm ăn, quyết tâm phấn đấu làm giàu. Tại xã, anh thường giúp đỡ nông dân về kỹ thuật chăn nuôi gà và tích cực đóng góp các công trình phúc lợi địa phương. Tháng 2-2013, xã Phú Khánh vừa thành lập Tổ liên kết sản xuất gà sinh học thả vườn, có 13 hộ chăn nuôi và do anh Phước làm Tổ trưởng”.
Có thể bạn quan tâm
Mọi năm, cứ đến mùa vải, cả huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) tấp nập khách thập phương và thương lái đến mua vải. Nhưng năm nay, thị trường quả vải trầm hẳn, nguyên nhân là do mất mùa. Nỗi buồn của người trồng vải ở Hữu Lũng bị nhân đôi bởi không những mất mùa, mà giá vải bán lại thấp. Vải ở Hữu Lũng năm nay chẳng ngọt mà cứ “đắng” dần.
Cuộc khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia châu Âu khiến cho ngân hàng ở nhiều nước hạn chế các khoản vay và điều kiện cho vay, nhà nhập khẩu buộc phải cắt giảm đơn hàng, thậm chí đàm phán hạ giá gây ra rất nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam
Trà Vinh là địa phương có sản lượng dừa đứng thứ hai trong khu vực ĐBSCL (sau tỉnh Bến Tre), với diện tích trên 14.941 ha và hàng năm cho sản lượng trên 151 triệu trái dừa. Trước tình hình giá dừa đang sụt giảm mạnh trên thị trường, hiện dao động ở mức 11 – 13 ngàn đồng/chục (12 trái); giảm 95 – 100 ngàn đồng/chục so với cùng kỳ tháng 5/2011.
Dự án Đào tạo nâng cao năng lực kinh tế dựa vào cộng đồng (CB-TREE) do Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Dự án Thị trường lao động EU/MOLISA/ILO đang triển khai thí điểm tại Hà Tĩnh có thể là hướng đi phù hợp
Vì là loài rắn quý hiếm nên nhiều nhà hàng, quán ăn đã thu mua hổ hèo với giá khá cao, từ 450.000đ – 500.000đ/kg. Do đó, một vài bà con nông dân đã mày mò tìm cách nuôi hổ hèo cho sinh sản và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ