Cân đối sản xuất, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn

Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc phỏng vấn ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh về vấn đề này.
- Hiện nay, mực nước ở các hồ đập xuống thấp.
Xin ông cho biết tình hình này liệu có ảnh hưởng đến nguồn nước dân sinh và quá trình điều tiết tưới phục vụ sản xuất năm 2016 không?
Chưa năm nào lượng mưa trung bình lại thấp như năm nay, các quy luật thời tiết bị phá vỡ.
Lượng mưa 11 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh bình quân là 2.350,9 mm, so với lượng mưa cả năm của trung bình nhiều năm đạt 56,2% và 63,4% so với 11 tháng trung bình nhiều năm.
Đặc biệt, tháng 10 thường được xem là tháng trọng điểm mưa ở Hà Tĩnh (tháng 10/2010, lượng mưa gấp đôi lượng mưa trung bình cả năm) thì lượng mưa cũng chỉ đạt 18,48% so với trung bình nhiều năm.
Đó là nguyên nhân chính dẫn đến các hồ đập không tích đủ nước.
Hiện nay, những hồ chứa lớn như Kẻ Gỗ, Thượng Tuy, Sông Rác, Thượng Sông Trí, mực nước đều thấp hơn so với thiết kế từ 31-67%; những hồ chứa vừa và nhỏ chỉ còn lại 20-40% so với thiết kế.
Từ nay đến tháng 4 năm sau, nếu lượng mưa tiếp tục thấp (theo tính toán chỉ đạt 500-600 mm) thì ngay trong vụ xuân, nhiều hồ, đập đã bị thiếu hụt nguồn nước.
Đó là chưa kể tác động của hiện tượng El Nino sẽ làm mặn xâm nhập sớm hơn, sâu hơn, gây khó khăn nghiêm trọng cho sản xuất vụ hè thu 2016.
- Phương án tưới và cơ cấu cây trồng sẽ được bố trí như thế nào đối với “kịch bản” thời tiết như hiện nay, thưa ông?
Căn cứ vào điều kiện thời tiết, khí tượng thủy văn, nguồn nước hiện có tại các hồ, đập và cơ cấu diện tích gieo cấy lúa hàng năm, ngành đã xây dựng phương án chống hạn cho sản xuất và dân sinh.
Trước mắt, những hồ, đập đặc thù (cấp nước sinh hoạt) cân đối không đủ nguồn tưới thì phải ưu tiên phục vụ dân sinh.
Theo đó, bố trí lại cơ cấu cây trồng ngay trong vụ xuân, chuyển đổi một phần diện tích lúa trong vùng tưới sang cây trồng khác.
Hàng năm, trên toàn tỉnh, vụ xuân gieo cấy khoảng 54.000 ha, vụ hè thu 42.000 ha.
Trong trường hợp tháng 11 - 12/2015 và từ tháng 1 - 8/2016, có lượng mưa bằng trung bình nhiều năm thì dự kiến diện tích tưới là 52.520 ha lúa thuộc khu tưới của các hệ thống thủy lợi đảm nhận.
Trường hợp thời tiết bất lợi thì phải chống hạn cho khoảng 800 - 1.000 ha thời kỳ gần cuối vụ.
Và có ít nhất 1.000 ha lúa phải chuyển đổi sang cây trồng khác vì không đủ nguồn nước tưới, chủ yếu là các vùng cuối kênh, vùng cao cưỡng và một số diện tích thuộc công trình tiểu thủy nông.
Đáng lo nhất là nếu hiện tượng El Nino kéo dài đến tháng 6 năm sau mà lượng mưa vẫn thấp như năm vừa qua thì việc sản xuất hè thu 2016 sẽ rất khó thực hiện.
Diện tích đảm bảo tưới lúa hè thu năm 2016 sẽ được cân đối lại trên cơ sở nguồn nước sau khi kết thúc tưới vụ xuân 2016.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ 18,3 tỷ đồng cho địa phương chống hạn.
Tỉnh đang rà soát các công trình, phân phối nguồn về các địa phương.
- Theo ông, các địa phương và người dân cần phải thực hiện các biện pháp gì?
Các địa phương cần phải sớm rà soát, cân đối nguồn nước ở các hồ, đập để xây dựng đề án tưới và phương án phòng chống hạn cho từng khu tưới, từng hệ thống công trình.
Bên cạnh đó, bố trí cây trồng, xác định rõ diện tích chủ động nước để gieo cấy lúa, tuyệt đối không gieo cấy ở diện tích cao cưỡng, không chủ động nước, đặc biệt là vùng tưới hồ Khe Hao (Lộc Hà), Vực Trống (Can Lộc).
Điều quan trọng nữa là vận hành, điều tiết, phân phối nguồn nước tiết kiệm nhất, những diện tích vừa dùng nước từ hồ chứa và trạm bơm thì ưu tiên sử dụng nguồn nước cấp từ trạm bơm, để dành nguồn nước trong các hồ chứa phục vụ dân sinh và sản xuất khi mực nước sông, suối xuống thấp.
Kiểm tra nồng độ nhiễm mặn để có kế hoạch đóng, mở các cống ngăn mặn - giữ ngọt hợp lý.
Cùng với đó là phát động ra quân làm thủy lợi, tập trung lực lượng nạo vét kênh mương, sửa chữa các công trình; khảo sát, lập phương án đắp đập tạm trên các trục tiêu, lợi dụng nước mưa, nước hồi quy bơm tưới chống hạn.
Cùng với nâng cao ý thức tiết kiệm bằng việc đắp bờ giữ nước thì bà con nên áp dụng kỹ thuật cấy lúa, nhằm giảm áp lực tưới cho các công trình thủy lợi.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm

Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Sở NN-PTNT), vụ cá Nam năm nay (từ tháng 4 đến tháng 9) tuy không phải là vụ khai thác chính trong năm nhưng được sự hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân trong tỉnh Bình Định đã khai thác hải sản đạt sản lượng khá cao.

Theo một số thương lái thu mua cá chình, cá bống tượng trên địa bàn huyện Cái Nước, nguyên nhân giá cá trên thị trường lúc tăng lúc giảm là do diện tích thả nuôi không ổn định. Khi cá tăng giá nông dân ồ ạt thả nuôi dẫn đến cung vượt cầu, còn khi nguồn cung khan hiếm hoặc ổn định thì giá mua sẽ tang.

Nơi đây được nhiều người biết đến khi hơn 50 hộ dân trong thôn lần đầu tiên có điện vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sau 25 năm sống trong cảnh đèn dầu. Thế nhưng, ít ai biết rằng Kinh tế 2 là thôn đi đầu trong việc nuôi bò lai cũng như lai tạo đàn bò của xã Ea Trol nói riêng và huyện Sông Hinh nói chung.

Hiện nay, tại Đồng Nai giá cà phê nhân xô các đại lý mua vào là 42 - 42,5 triệu đồng/tấn, tăng gần 5 triệu đồng/tấn so với dịp cuối tháng 9 - 2014. Như vậy, sau một thời gian dài hạ xuống dưới 38 triệu đồng/tấn, từ đầu tháng 10 - 2014, giá cà phê trên thị trường đã tăng trở lại. Nguyên nhân là do giá cà phê trên thế giới trong 2 tuần qua liên tiếp tăng.

Tổ hợp tác sản xuất mãng cầu Thạnh Tân bước đầu có 9 hộ nông dân tham gia, với diện tích đất trồng mãng cầu là 74.000 mét vuông. Tổ hoạt động trên cơ sở liên kết nhiều hộ nông dân có diện tích đất sản xuất liền canh, liền khu vực, tự quản lý sản xuất, tự chịu trách nhiệm.