Cần Cảnh Giác Với Tôm Sạch Bệnh
Con giống sạch bệnh được người nuôi tôm trong tỉnh Cà Mau hướng đến, nhất là ở mô hình nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, người nuôi tôm còn chủ quan đối với con giống có thương hiệu sạch bệnh, đã qua kiểm dịch nên dịch bệnh vẫn xảy ra.
Tình hình dịch bệnh đang diễn ra trong tỉnh từ đầu năm đến nay cho thấy chất lượng con giống đang còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây dịch bệnh. Diện tích nuôi tôm công nghiệp trong tỉnh bị thiệt hại do dịch bệnh lên đến 334,9 ha.
Trong đó, hoại tử gan, tụy 300,66 ha; đốm trắng 34,24 ha. Tôm quảng canh thiệt hại 10.269 ha, chủ yếu do bị đỏ thân, mức độ thiệt hại 20 - 70% năng suất. Nguyên nhân chủ yếu là do con giống kiểm dịch không sạch bệnh và việc quản lý môi trường ao nuôi chưa chặt chẽ nên dịch bệnh xảy ra ngày càng tăng.
Tăng cường kiểm tra con giống
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Đội trưởng Đội 694 (Đội kiểm tra việc thực hiện các quy định quản lý giống thủy sản trên địa bàn tỉnh và con giống nhập tỉnh), cho biết, qua 3 đợt kiểm tra khảo sát tình hình lưu thông tôm giống trên tuyến đường từ thị trấn Hộ Phòng, tỉnh Bạc Liêu đến phà Đồng Cùng; khảo sát chợ tôm giống tại Chà Là, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, làm việc với Trạm kiểm tra chất lượng giống thủy sản Tắc Vân và một số cơ sở kinh doanh tôm giống tại Tắc Vân…, đội thu ngẫu nhiên 7 mẫu tôm giống để xét nghiệm. Kết quả chỉ tiêu bệnh còi (MBV) có 7/7 mẫu nhiễm, bệnh đốm trắng (WSSV) 0/7 mẫu nhiễm, bệnh đầu vàng (YHV) có 1/7 mẫu bị nhiễm.
Theo đó, số liệu kiểm tra con giống đóng thùng với nhiều thương hiệu là tôm sạch bệnh nhập tỉnh tại trạm Tắc Vân từ đầu năm đến nay chỉ có 97 lượt trình giấy xét nghiệm âm tính đối với bệnh đốm trắng, đầu vàng, Taura.
Ông Trần Trọng Hiệp, Phó Chánh thanh tra Sở NN&PTNT, cho biết, trong hơn 1 tháng qua, đội đã ra quân 4 lần đột xuất vào ban đêm, phát hiện 3 trường hợp vi phạm không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Trong đó, có 1 trường hợp buộc xử phạt 10 triệu đồng và tiêu hủy tại chỗ.
Thời gian tới, đội sẽ đi kiểm tra đột xuất nhiều lần hơn trong tháng. Việc tăng cường kiểm tra con giống trong tỉnh và nhập tỉnh sẽ góp phần tránh rủi ro cho người dân, đồng thời nâng cao ý thức của họ trong việc lựa chọn con giống thả nuôi, chỉ ra được trách nhiệm của trại sản xuất trong khâu kiểm dịch trên tôm bố mẹ và chất lượng tôm giống sẽ từng bước được nâng lên.
Để kiểm chứng chất lượng cũng như giấy xuất trình đã kiểm dịch từ các cơ sở sản xuất vùng ngoài, Trạm kiểm dịch Tắc Vân lấy ngẫu nhiên 942 lượt tôm giống đóng thùng có thương hiệu sạch bệnh, phát hiện có 4 lô tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng, 51 lô bệnh đầu vàng, 280 lô bệnh còi. Đã buộc tiêu hủy 6 triệu con tôm giống bị nhiễm bệnh phát sáng do vi khuẩn. Theo đánh giá, lượng tôm giống nhập tỉnh và trong tỉnh kém chất lượng, mang mầm bệnh còn nhiều và chưa thể kiểm soát được.
Cảnh giác với tôm có thương hiệu
Việc vận chuyển con giống từ tỉnh ngoài vào Cà Mau, theo quy định tôm giống nhập tỉnh phải có giấy xét nghiệm PCR (không nhiễm các bệnh WSSV, MBV, YHV), nhưng thực tế không phản ánh đúng chất lượng của lô tôm giống như giấy xét nghiệm. Kết quả đó chỉ mang tính tham khảo, đối phó với các ngành chức năng quản lý con giống.
Mặc dù các trại sản xuất khoác trên mình thương hiệu tôm sạch bệnh, tôm giống sản xuất theo quy trình sinh học, tôm đã kiểm dịch đốm trắng, đầu vàng, MBV… nhưng khi kiểm tra thì tôm vẫn còn mang mầm bệnh, vẫn còn dương tính với các loại bệnh trên.
Qua đây cho thấy, việc quản lý chất lượng tôm giống tại gốc của các tỉnh ngoài hiện chưa chặt chẽ, còn nhiều vấn đề bất cập.Trước tình hình con giống kém chất lượng, không có thương hiệu và có thương hiệu tôm sạch bệnh nhưng vẫn còn mầm bệnh, làm cho người dân hoang mang. Khi đã tin chắc các mẫu tôm mình chọn thả nuôi đã kiểm tra PCR, mô học nhưng vẫn còn nhiễm các loại bệnh nguy hiểm trên, vì thế họ lại biết thêm rằng, giấy chứng nhận đó chỉ là… “bằng giả”!
Ông Châu Công Bằng khuyến cáo, người nuôi tôm nên ý thức được rằng, dịch bệnh trên tôm nuôi là do nguyên nhân từ con giống kém chất lượng, quản lý chất lượng môi trường ao nuôi. Để hạn chế dịch bệnh thì người nuôi cần chọn những con giống tốt, bằng cách trực tiếp lấy mẫu tôm đi xét nghiệm bằng PCR và cả mô học tại các cơ sở trong tỉnh. Không nên tin vào những giấy chứng nhận kiểm tra, kiểm dịch của các cơ sở ngoài tỉnh. Nên thả tôm nuôi đúng quy trình kỹ thuật và thời vụ mà các ngành chức năng khuyến cáo
Có thể bạn quan tâm
Quỳnh Lưu (Nghệ An) là huyện có truyền thống nuôi trồng thủy sản, dù các hộ đã trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết nhưng vẫn lao tâm khổ tứ vì dịch bệnh.
Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giờ trong đó nghề nuôi trồng thủy sản vẫn chiếm vai trò chủ lực, trong đó con tôm vẫn là đối tượng nuôi chính. Từ năm 2013, để đa dạng hóa các đối tượng nuôi Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh đã triển khai đầu tư một số mô hình nuôi cua bằng con giống nhân tạo và kết quả mang lại rất khả quan.
Năm 2013, công ty xuất bán cá thương phẩm được trên 14 tấn, đạt doanh thu trên 2,2 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2018, công ty sẽ hoàn thành lắp đặt và đưa vào sử dụng 174 lồng, với tổng diện tích 74.800 m2 mặt lồng, số lượng cá giống khoảng 600.000 con, đồng thời xây dựng khu chế biến xuất khẩu cá đông lạnh tại xã Nam Ka quy mô 3-4 ha, công suất 200 tấn/năm cho thị trường Nga và EU, với tổng vốn đầu tư gần 297 tỷ đồng.
Mô hình nuôi cá rô đồng thời gian qua đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều người nuôi. Nhận biết đặc điểm cá rô đồng cái sinh trưởng và phát triển nhanh hơn cá đực, qua đó, để tạo ra con giống chất lượng, góp phần nâng cao hơn hiệu quả sản xuất cho bà con, Trung tâm KHKT&SX Giống thuỷ sản Quảng Ninh đã nghiên cứu thành công phương pháp sản xuất giống cá rô đồng toàn cái bằng phương pháp tạo cá đực đặc biệt.
Cách đây ít năm thôn Liên Minh, xã Trân Châu, huyện Cát Hải, tỉnh Hải Phòng được coi là “đảo của đảo” vì biệt lập với bên ngoài bởi các rặng núi đá cao vút. Chính vị trí địa lý đặc biệt ấy tạo nên một vùng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng riêng và giống gà bản địa thuần chủng – mà tên của thôn đã được đặt cho giống gà này: Gà Liên Minh.