Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cam Đường Canh Đem Lại Hiệu Quả Cao Cho Nông Dân Na Rì (Bắc Kạn)

Cam Đường Canh Đem Lại Hiệu Quả Cao Cho Nông Dân Na Rì (Bắc Kạn)
Ngày đăng: 05/04/2014

Cùng với nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, hiện nay cây cam đường canh đang giúp cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Na Rì (Bắc Kạn) thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Xuất phát từ mô hình trồng thử nghiệm của gia đình ông Hoàng Đình Việt, ở thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư thực hiện trồng khoảng 2 héc ta gốc cam được mua giống tại Viện cây ăn quả từ năm 2008.

Sau 6 năm trồng và chăm sóc, đến nay đã cho thu hoạch được khoảng 3 năm, mỗi năm bình quân gia đình ông Việt thu được 16 tấn quả, giá bán ra thị trường tiêu thụ trên địa bàn trung bình được 30.000 đồng/1kg, trừ chi phí đầu tư gia đình ông thu về trên dưới 400 triệu đồng.

Nhận thấy cây cam đường canh thích nghi rộng, trồng được ở mọi nơi trên địa bàn huyện từ đất phù sa, đất rừng mới khai phá, đất thung lũng, dễ chăm sóc, thường cho thu hoạch vào dịp cuối năm, nên việc tiêu thụ dễ dàng.

Bên cạnh đó, cây ít nhiễm sâu bệnh hại, không cần đến kỹ thuật phức tạp để bảo vệ cho cây sinh trưởng khỏe mạnh, do đó mọi người dân có thể đem trồng trên các diện tích đất canh tác của gia đình mình. Tuy nhiên, đại đa số người nông dân của huyện vẫn còn hoài nghi về giá trị kinh tế của loại cây này, nên chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích.

Để giúp nông dân tiếp cận với giống cây cam đường canh mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản xuất theo hướng hàng hoá, tạo thêm công ăn việc làm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo nâng cao tầm vóc và tăng quy mô diện tích cam đường canh trên địa bàn huyện, tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị, chất lượng cao, hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Ngành nông nghiệp huyện Na Rì đã chủ động xây dựng kế hoạch, dự án tham mưu cho UBND huyện triển khai trồng cam đường canh tại một số xã của huyện, nhằm giúp cho bà con nông dân trong phát triển kinh tế hộ, phù hợp với nhu cầu thị trường và mục tiêu chung của Đảng, Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Rì Long Thị Thịnh cho biết: Toàn huyện hiện có trên 20 héc ta cây cam, quýt, cam đường. Bước đầu thực hiện dự án, Phòng Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND huyện triển khai mô hình trồng cam đường tại các xã Cường Lợi, Kim Lư, Lương Hạ, với 35 hộ dân tham gia, huyện sẽ hỗ trợ 80% chi phí mua cây giống cho các hộ và 100% chi phí mua vật tư phân bón, vôi bột để chăm sóc.

Cùng với đó, chỉ đạo cho cán bộ chuyên môn của đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền cơ sở hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học trong trồng và chăm sóc cho các hộ dân, đảm bảo cây trồng phát triển tốt và cho năng suất cao sau thu hoạch.

Thăm mô hình trồng cam đường canh của gia đình ông Hoàng Đình Việt, ở thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư chúng tôi không khỏi thán phục tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tiên phong thực hiện mô hình trồng cam đường ở địa phương. Hơn 800 gốc cam những năm qua đã không phụ công đầu tư, chăm sóc của gia đình, mỗi năm đều cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, giúp cho gia đình ông có cuộc sống khá giả.

Ông Hoàng Đình Việt chia sẻ: Quả thực lúc đầu triển khai gia đình cũng có đôi chút lo lắng, bởi chi phí đầu tư cao, công chăm sóc khá lớn mà kết quả thì chưa nhìn thấy. Tuy nhiên, từ việc đi học tập kinh nghiệm tại các địa phương khác, gia đình tôi đã thực hiện thành công mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao này.

Hiện nay việc chuyển đổi cơ cấu cấy trồng trên địa bàn huyện Na Rì được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm, nhưng sản phẩm sản xuất ra nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa, chất lượng trung bình, chưa phù hợp và chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Do vậy cần phải xác định lựa chọn cây trồng có giá trị kinh tế cao, sản phẩm sản xuất ra phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng đang được cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện chú trọng.

Để khuyến khích nông dân tiếp tục phát triển, những năm qua huyện đã thực hiện nhiều chính sách mở rộng diện tích cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao. Song song với đó, triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ cho người dân phát triển vùng cây ăn quả hàng hóa như cam, quýt, cam đường... nhằm tạo sản phẩm hàng hóa đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Trồng Ớt Chỉ Thiên Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Mô Hình Trồng Ớt Chỉ Thiên Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Trồng ớt chỉ thiên không tốn nhiều công chăm sóc, cây ớt có thể thu hoạch trái suốt năm. Mỗi công đất trồng ớt, nông dân có thể thu lợi nhuận trên 50 triệu đồng/năm do giá bán sản phẩm ở mức từ 20.000-60.000 đồng/kg.

14/05/2014
Nấm “Ngoại” Gây Hại Thị Trường Nấm “Ngoại” Gây Hại Thị Trường

Thời gian gần đây, tại các chợ ở cả miền Bắc và miền Nam đều tràn ngập các loại nấm ăn. Chưa bao giờ người tiêu dùng được mua nấm với giá rẻ như hiện nay. Tuy nhiên, nấm ngoại đang tràn vào cạnh tranh với nấm sản xuất trong nước khiến độ an toàn khó kiểm soát hơn.

14/05/2014
Hết Khổ Vì Dưa Lại Khổ Vì Ớt Hết Khổ Vì Dưa Lại Khổ Vì Ớt

Sau dưa hấu, giờ đến lượt ớt rớt giá thê thảm vì bị thị trường Trung Quốc từ chối. Nhiều hộ nông dân đang xót xa, tiếc nuối ruộng ớt sai quả nhà mình.

14/05/2014
Giá Sầu Riêng Giảm Mạnh Giá Sầu Riêng Giảm Mạnh

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá sầu riêng giảm do thị thị trường Trung Quốc có dấu hiệu tiêu thụ chậm lại, các tỉnh miền Đông Nam bộ cũng đang thu hoạch rộ sầu riêng nên càng bị dội hàng.

14/05/2014
Độc Đáo Xoài Tứ Quý Vỏ Vàng Độc Đáo Xoài Tứ Quý Vỏ Vàng

Những trái xoài độc đáo này vừa được ông Trần Văn Trung- Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất xoài tứ quý vàng Thuận Thành (ấp Phú Mỹ, xã Tân Phú, Tam Bình, Vĩnh Long) “trình làng” tại hội thảo “Liên kết tìm đầu ra cho nông sản chủ lực tỉnh Vĩnh Long” do Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long tổ chức.

14/05/2014