Cải Tạo Đàn Dông Ở Thiện Nghiệp (Bình Thuận)
Năm 2013, mô hình cải tạo đàn dông được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Thuận phối hợp với Phòng Kinh tế Phan Thiết thực hiện với quy mô 900m2 tại xã Thiện Nghiệp. Thông qua việc thay đổi bằng giống dông đực Khu Lê, nhằm hướng tới mục đích cải tiến chất lượng, làm tươi máu, tránh đồng huyết, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi tại địa phương...
Nuôi dông cát là một nghề mới có nhiều triển vọng, đầu tư không lớn, chuồng trại đơn giản và tận dụng được diện tích đất cát hoang hóa. Con dông tương đối dễ nuôi, ít chăm sóc và chi phí thức ăn thấp. Tuy nhiên, nghề nuôi dông chủ yếu được bà con nuôi theo kinh nghiệm, với phương thức chăn nuôi bán hoang dã. Điều đáng quan tâm, hiện nay nông dân thường ít chú ý đến cải tạo giống dông, do nuôi dông thịt và dông sinh sản chung một chuồng nhiều năm, có thể xảy ra hiện tượng trùng huyết, thoái hóa giống.
Ở Bình Thuận, ngoài vùng Khu Lê đang phát triển mạnh phong trào nuôi dông, hiện nay một số địa bàn khác có diện tích đất cát lớn, phù hợp với nghề nuôi dông như xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết). Chính vì thế, từ tháng 6 - 11/2013 vừa qua, hộ ông Lê Ba, thôn Thiện Sơn và hộ ông Phùng Văn Cường, thôn Thiện Trung (xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết) là 2 gia đình được chọn tham gia thực hiện mô hình cải tạo đàn dông. Đây là những hộ đã hội đủ các yếu tố như có 3 năm kinh nghiệm nuôi dông trở lên, có nhu cầu cải tạo đàn dông, chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, phù hợp cho việc nuôi dông sinh sản...
Ngoài số lượng dông cái giống và thức ăn đối ứng do nông dân tự đầu tư, người nuôi được Nhà nước hỗ trợ 100% dông đực giống (57kg/hộ) và 30% thức ăn hỗn hợp thử nghiệm bổ sung cho dông sinh sản. Các hộ tiến hành sửa chữa chuồng trại và tách dông đực địa phương. Sau đó, nhận dông giống đực Khu Lê khỏe mạnh, với kích cỡ khoảng 4 - 6 con/kg. Riêng dông cái có kích cỡ khoảng 6 - 9 con/kg, loại bỏ những con còi cọc, phát triển chậm, đẻ ít, với mật độ nuôi khoảng 2 con/m2, trong đó tỷ lệ đực/cái bình quân là 3/7.
Sau 5 tháng thực hiện mô hình tại hộ ông Lê Ba và ông Phùng Văn Cường, kết quả cho thấy, nhờ cho dông ăn các loại như rau, lá, củ quả và bổ sung thức ăn tinh hỗn hợp, nên dông đực giống thích nghi, sinh trưởng, phát triển và phối giống tốt. Hiện nay dông đực giống có kích cỡ khoảng 3 - 4 con/kg, tăng 15 - 20% so kích cỡ ban đầu. Đặc biệt, dông con lai sinh ra khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có trọng lượng đạt 6,7 g/con. Dông lai được làm tươi máu, tránh đồng huyết và lớn nhanh.
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, thông qua mô hình cải tạo đàn dông, bà con chăn nuôi dông đã có ý thức hơn trong việc chọn giống, thay đổi giống, quản lý giống tốt. Ngoài ra, để tăng hiệu quả chăn nuôi dông, bà con cần mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, trồng rau, cây cỏ để chủ động thức ăn. Từ đó giúp đàn dông phát triển tốt, tăng giá trị sản phẩm cả về số lượng và chất lượng. Các hộ nuôi cần chú ý quản lý đàn dông, thay đổi dông đực giống trước mùa vụ sinh sản từ 2-3 tháng để tránh hiện tượng đồng huyết. Mặt khác, cần chú ý đầu tư chuồng nuôi đúng quy cách và bảo đảm mật độ nuôi hợp lý; thường xuyên bắt tách dông con, tránh để dông lớn ăn thịt...
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, bệnh đốm trắng trên thanh long diễn biến phức tạp, gây lo lắng cho người trồng thanh long. Đặc biệt, trong lúc giá thanh long diễn biến chưa thuận lợi, tình trạng bệnh đốm trắng gây hại thanh long xảy ra trên diện rộng càng gây khó khăn cho người trồng.
Tơ Hồng Đô (Thiệu Hóa) từng dệt nên thương hiệu dân gian cho cả một vùng đất, nhưng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu nơi đây cũng lắm thăng trầm. Có thời kỳ do đầu ra của sản phẩm không ổn định nên nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu ở Thiệu Đô tưởng chừng như mai một.
Để khai thác thêm giá trị trên một héc-ta nuôi trồng thủy sản, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Hoằng Hóa và xã Hoằng Yến, các vụ nuôi tôm vừa qua, nhiều chủ đồng đã phá thế độc canh tôm sú bằng cách nuôi xen canh hoặc luân canh đa thời vụ các đối tượng như tôm rảo, cua, cá và đưa một số đối tượng mới vào thả nuôi.
Hiện cây mía vào cuối giai đoạn đẻ nhánh, chuyển sang thời kỳ vươn lóng, quyết định đến năng suất từng ruộng mía, huyện đang chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp cân đối nhu cầu phân bón, đấu mối với các doanh nghiệp để cung ứng kịp thời cho việc chăm sóc mía của bà con nông dân.
Những năm qua, mô hình kinh tế trang trại ở các địa phương trong tỉnh có bước phát triển khá, góp phần tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, hỗ trợ đắc lực cho các địa phương thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.