Cách tính chữ bột củ mì tươi nông dân luôn bị thiệt
Khoai mì (sắn) là cây trồng truyền thống và cũng là cây thế mạnh của tỉnh Tây Ninh. Toàn tỉnh có 45.000 ha đất được quy hoạch để trồng mì. Tuy nhiên, tuỳ giá cả củ mì tươi mà diện tích trồng mì có biến động. 6 tháng đầu năm 2015 diện tích trồng mì toàn tỉnh đã tăng lên hơn 51.000 ha.
Đã thành thông lệ, khi thương lái hoặc người dân đem củ mì tươi đến bán cho các nhà máy chế biến đều phải qua khâu đo lường (thử) phần trăm chữ bột (điểm) để tính tiền. Nhưng chữ bột được các nhà máy khống chế ở mức tối đa là 30% nên cho dù thực tế chữ bột có cao hơn thì người bán cũng không được hưởng.
Ông Võ Văn Ten- nông dân sản xuất giỏi cấp toàn quốc, hiện ngụ tại ấp Phước Hội, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu bức xúc phản ánh: vào tháng 12.2014 ông nhận trồng 3 ha mì giống mới (HL505) do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có củ miền Nam cung cấp giống.
Sau hơn 6 tháng trồng mì trên đất ruộng lúa 1 vụ, mới đây ông Ten thu hoạch 3 ha mì đạt năng suất hơn 35 tấn/ha. Ông đưa củ mì đến bán cho nhà máy chế biến củ mì tươi tại huyện Dương Minh Châu, qua thử chữ bột nhiều lần, củ mì của ông đều cho kết quả 33% (33 điểm).
Thế nhưng chủ nhà máy chỉ tính tiền cho ông Ten ở mức 30 điểm với giá 2.280 đồng/kg củ mì tươi. Như vậy, mỗi ký củ mì tươi bán cho nhà máy, ông Ten chịu thiệt 240 đồng, tính ra với 100 tấn củ mì tươi, ông mất không 24 triệu đồng.
Ông Ten thắc mắc, thì được chủ nhà máy cho biết từ trước tới nay củ mì tươi nhà máy chỉ mua với mức cao nhất là 30 điểm, chưa có tiền lệ trả tiền ở mức cao hơn 30 điểm.
Tìm hiểu sự việc qua một nhân viên quản lý tại nhà máy Miwon chuyên chế biến củ mì tươi tại xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, chúng tôi được anh này cho biết: từ trước tới nay nhà máy Miwon cũng chỉ lấy mức 30 điểm là cao nhất để tính tiền cho người bán, mặc dù anh khẳng định, củ mì tươi do nông dân đem đến bán cho nhà máy có khi chữ bột cao hơn 30%.
Hỏi có văn bản nào quy định tính chữ bột củ mì tươi chỉ ở mức tối đa 30% hay không, anh này trả lời không biết, chỉ nghe chủ nhà máy quy định như vậy(?).
Bà V, ngụ tại Suối Đá, huyện Dương Minh Châu là người làm nghề mua bán củ mì mót nhiều năm qua. Có ngày bà V thu mua được gần 3 tấn củ mì tươi, khi đem bán cho nhà máy, củ mì mót cũng phải qua khâu thử chữ bột nhưng nhà máy chỉ trả tiền bằng 2/3 giá củ mì do thương lái mua của nông dân đem đến. Do vậy, bà V phải tìm cách bán củ mì mót cho thương lái để được trả giá cao hơn.
Anh S cùng ngụ xã Suối Đá chuyên mua mì đám của nông dân, sau đó thu hoạch đem bán cho nhà máy để kiếm lời. Anh cho biết: một số giống khoai mì hiện nay nếu được trồng đúng quy cách, đủ thời gian sinh trưởng có thể cho chữ bột lên đến 34%. Dù vậy, các nhà máy cũng chỉ tính chữ bột 30%.
Thế nhưng khi gặp củ mì non hay để quá lứa mất bột thì nhà máy nào cũng trừ tiền, mức trừ càng nhiều khi chữ bột tụt xuống dưới 20%. Nói nôm na, tính cách nào phía nhà máy cũng “trên cơ”, chỉ nông dân chịu thiệt.
Biết được cách tính tiền của nhà máy, nhiều thương lái tìm “đối sách” bằng cách khi mua được rẫy mì có khả năng cho củ hàm lượng chữ bột hơn 30%, họ thu hoạch từng ít một đem… trộn lẫn với số củ mì có chữ bột thấp hơn để đem bán cho nhà máy, như thế họ vẫn có hàm lượng chữ bột trung bình đạt 30% trở lên.
Ông Nguyễn Hồng Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Đá cho biết, một số giống khoai mì trồng ở khu vực xung quanh núi Bà Đen và trên triền đất ít ngập nước trong hồ Dầu Tiếng thường cho hàm lượng chữ bột đạt hơn 32%. Thời gian qua cũng đã có nhiều nông dân phản ánh cách tính chữ bột của các nhà máy theo kiểu đẩy sự thiệt thòi về phía nông dân như trên.
Chúng tôi đã tìm đến cơ quan chức năng có liên quan để tìm hiểu thêm vấn đề. Ông Nguyễn Minh Đức- Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản (Chi cục QLCLNL&TS) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải thích rằng: Việc quy định hàm lượng chữ bột củ khoai mì là do Cục QLCLNL&TS, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cấp tỉnh không có văn bản nào quy định về vấn đề này.
Trong thời gian qua Chi cục QLCLNL&TS chưa nhận được thông tin phản ánh nào của các địa phương hoặc người dân để báo cáo cấp trên xem xét.
Tìm hiểu tài liệu của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, chúng tôi được biết hiện nay một số giống khoai mì có thể cho hàm lượng tinh bột từ 27% đến 36%. Còn qua thực tế ở các địa phương thuộc các huyện trong tỉnh như Tân Châu, Dương Minh Châu và Tân Biên, nhiều người trồng khoai mì đều nhận định: hiện nay nhiều giống khoai mì mới năng suất cao, đủ thời gian sinh trưởng có thể cho hàm lượng chữ bột lên đến 36%.
Thiết nghĩ, việc khống chế hàm lượng chữ bột để tính giá thu mua củ mì tươi theo kiểu các nhà máy đã và đang áp dụng gây nhiều thiệt thòi cho người trồng mì, không kích thích nông dân đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cách làm không hợp lý này cần được làm sáng tỏ để bà con trồng mì có thể yên tâm phát triển sản xuất, không bị thiệt thòi vô lý.
Viện KHKT nông nghiệp miền Nam công bố ngày 3.3.2014: “Củ sắn tươi (củ khoai mì): Phần ăn được có tỷ lệ chất khô 30 - 40% trọng lượng mẫu tươi, tinh bột 27 - 36%, đường tổng số 0,5 - 2,5% (trong đó saccarose 71%, glucose 13%, fructose 9%, mantose 3%), đạm tổng số 0,5 - 2,0%, chất xơ 1,0%, chất béo 0,5%, chất khoáng 0,5 - 1,5%, vitamin A khoảng 17 mg/100g, vitamin C khoảng 50 mg/100g, năng lượng 607 KJ/100g, yếu tố hạn chế dinh dưỡng là Cyanogenes…”.
Có thể bạn quan tâm
Từng niên vụ, tổ luôn bám sát các bộ giống thích nghi do Cục Khuyến nông khuyến cáo; phối hợp chặt chẽ với trung tâm giống nông nghiệp sở tại và tiến hành nhân giống lúa cấp xác nhận phục vụ nhu cầu sản xuất.
Vụ nuôi tôm năm nay, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước - Bình Định) thả nuôi trên diện tích 327 ha, trong đó có 15 ha vùng Kim Đông nuôi theo phương thức bán thâm canh (BTC), 20ha nuôi quảng canh cải tiến đơn tôm, diện tích còn lại nuôi tôm xen với các đối tượng thủy sản khác.
Hàng trăm ha dừa, mía và đất ruộng tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long biến thành ao nuôi cá lóc trong thời gian ngắn. Diện tích nuôi cá không ngừng tăng lên nhưng các địa phương vẫn gặp khó trong việc quản lý.
Cá hô (Catlocarpio siamensis) là loài cá có kích thước lớn nhất trong họ Cá chép (Cyprinidae). Cá hô thường sinh sống ở những hố lớn cạnh bờ những dòng sông lớn, nhưng chúng cũng có thể bơi vào những kênh, rạch, sông nhỏ để kiếm thức ăn trong một số thời điểm. Loài cá này đang bên bờ tuyệt chủng vì bị đánh bắt.
“Mặc dù nuôi mật độ 6-7 con/m2 nhưng chúng ta không nên chủ quan xem nhẹ việc quản lý môi trường ao nuôi, nếu không khéo để đáy ao ô nhiễm thì sẽ gây bất lợi cho tôm, dẫn đến vụ nuôi không thành công”, ông Nguyễn Bé Năm, ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau), đúc kết kinh nghiệm sau 3 vụ nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT).